Quyết liệt hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát:

Đẩy mạnh các chương trình giảm nghèo bền vững

Theo kế hoạch của Chính phủ, đến cuối năm 2025 sẽ hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và đến thời điểm này nhiều tỉnh, thành phố đã hoàn thành. Tuy nhiên, làm cách nào để người dân sống trong những ngôi nhà mới thật sự có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc vươn lên thoát nghèo bền vững vẫn là nỗi trăn trở của các cấp, các ngành và địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Gia đình anh Lò Văn Yên, bản Bố Mạ, xã Nong Lay, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La chăm sóc đàn gia súc được hỗ trợ theo chương trình giảm nghèo.
Gia đình anh Lò Văn Yên, bản Bố Mạ, xã Nong Lay, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La chăm sóc đàn gia súc được hỗ trợ theo chương trình giảm nghèo.

Nhiều cách làm hay, sáng tạo, kết hợp lồng ghép các chương trình xóa đói, giảm nghèo bền vững vẫn đang được nỗ lực triển khai với mục tiêu giảm tỷ lệ nghèo đa chiều từ 1 đến 1,5%/năm; phấn đấu đến năm 2030, cơ bản không còn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn theo tinh thần của Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững năm 2030.

Tạo kế sinh nhai lâu dài

Phấn khởi chuẩn bị dọn vào ngôi nhà mới trong chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, anh Lò Văn Yên, dân tộc Khơ Mú, ở bản Bố Mạ, xã Nong Lay, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La cho biết: “Trước đây gia đình tôi nghèo lắm, phải ở trong ngôi nhà dột nát và đi làm thuê kiếm sống từng ngày. Tuy nhiên, chỉ gần 1 tháng nữa là gia đình tôi được sống trong ngôi nhà mới rồi. Cùng với việc hỗ trợ xây nhà mới với số tiền 60 triệu đồng, đầu năm 2025, Nhà nước còn hỗ trợ cho mỗi hộ 1 con bò giống”.

Theo đồng chí Lò Văn Thịnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nong Lay, chương trình tặng bò giống sinh sản cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc dự án hỗ trợ chăn nuôi bò cái sinh sản nằm trong Tiểu dự án 2, dự án 3, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cho các hộ nghèo, cận nghèo được triển khai trên địa bàn xã từ đầu năm 2025. Theo đó, 193 hộ trong xã được thụ hưởng chương trình này với tổng kinh phí 3,4 tỷ đồng. Chương trình đã góp phần giúp người dân tạo kế sinh nhai, vươn lên bằng chính sức lao động của mình.

Cùng với chương trình hỗ trợ bò giống, các cơ quan chức năng cũng đang đẩy mạnh triển khai nhiều chương trình hỗ trợ người dân phát triển sản xuất. Gia đình ông Lò Văn Thương, 75 tuổi, dân tộc Thái, thuộc diện gia đình đặc biệt khó khăn ở bản Mòn, xã Thôm Mòn, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La có 7 người, nhưng chỉ có 2 lao động chính với 2.000 m2 ruộng. Bên cạnh đó, con gái ông là đối tượng bảo trợ xã hội, không có khả năng lao động. Với ngôi nhà mới vừa được xây dựng trong chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, gia đình được hỗ trợ máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Những chương trình hỗ trợ người dân nói trên là cơ hội để gia đình ông Thương, anh Yên nói riêng và hàng nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo trên cả nước nói chung có điều kiện thoát nghèo, ổn định đời sống.

Hiện địa bàn tỉnh Sơn La còn 2 huyện nghèo là Thuận Châu và Sốp Cộp. Sơn La đang đẩy mạnh thực hiện các dự án hỗ trợ theo hướng tập trung đầu tư phát triển đường giao thông nhằm tạo bàn đạp trong giao thương trao đổi hàng hóa, tạo việc làm, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập của người dân các xã nghèo, huyện nghèo. Toàn tỉnh đang phấn đấu hết năm 2025 Thuận Châu không còn là huyện nghèo.

Cùng có chung điều kiện kinh tế-xã hội như Sơn La, tỉnh Hòa Bình thời gian qua đã triển khai nhiều dự án hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm vật nuôi, cây trồng phù hợp từng địa phương, như mô hình trồng xen canh tại huyện Đà Bắc, Tân Lạc; trồng bưởi, cam tại huyện Lạc Thủy.

Theo kế hoạch của Chính phủ, đến cuối năm 2025 sẽ hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và đến thời điểm này nhiều tỉnh, thành phố đã hoàn thành.

Gần một năm nay, nhiều gia đình dân tộc Tày ở xã Đồng Chum, huyện Đà Bắc đã chuyển từ cây sắn, cây ngô sang trồng gừng xen canh cây atisô theo mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản. Người dân được doanh nghiệp hỗ trợ một phần cây giống và hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc cây xen canh và thu mua sản phẩm cho người dân đến vụ thu hoạch, góp phần tăng thu nhập cho người dân hơn gấp nhiều lần so với các cây trồng truyền thống như ngô, sắn.

Mô hình trồng gừng xen canh cây atisô là 1 trong số 15 hoạt động liên kết thị trường đang triển khai với tổng mức đầu tư gần 10 tỷ đồng, trên diện tích 320 ha, cùng sự tham gia của hơn 2.000 hộ dân, trải dài trên nhiều huyện của tỉnh Hòa Bình.

Tỉnh Hòa Bình cũng đẩy mạnh triển khai các dự án giảm nghèo tại 42 xã thuộc các huyện Tân Lạc, Lạc Sơn, Yên Thủy, Mai Châu, Đà Bắc, nhất là các dự án giao thông. Đến nay, đã cải tạo, làm mới hàng trăm km đường giao thông liên thôn, liên xã; 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội; hầu hết người dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế.

Triển khai các chương trình có trọng tâm, trọng điểm

Quá trình triển khai các chương trình hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, các hộ nghèo, cận nghèo cũng gặp nhiều khó khăn. Đồng chí Bùi Văn Luyến, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hòa Bình, cũng là người có nhiều năm đảm nhiệm vai trò Bí thư Huyện ủy Đà Bắc cho biết, các huyện nghèo của tỉnh đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ người dân xóa đói, giảm nghèo như các dự án vay vốn để phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản nước ngọt hoặc cải tạo, phát triển vườn cây ăn quả, cây công nghiệp, cây lâm nghiệp.

Tuy nhiên, hiệu quả của nhiều chương trình rất hạn chế, không phù hợp nhu cầu thực tế địa phương; điều kiện, phong tục, trình độ của đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa còn nhiều bất cập khiến nhiều dự án không đạt hiệu quả, phải ngừng triển khai.

Vừa qua, huyện Tân Lạc đã triển khai 2 dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ mía tươi theo chuỗi giá trị và dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ ớt tại xã Mỹ Hòa. Tuy nhiên, đến nay, đơn vị liên kết tiêu thụ sản phẩm xin rút khỏi dự án do không bố trí được diện tích kho bảo quản sau thu hoạch, khiến chuỗi liên kết bị đứt gãy, dự án phải dừng triển khai. Điều này cho thấy, quá trình triển khai các dự án thiếu sự chuẩn bị trong khâu khảo sát, lập dự án, không bảo đảm các điều kiện cần thiết.

Tại tỉnh Sơn La, thực hiện dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng thông tin để hiện đại hóa hệ thống thông tin thị trường lao động, hình thành sàn giao dịch việc làm trực tuyến và xây dựng cơ sở dữ liệu. Đầu năm 2025, tỉnh dự kiến lắp đặt 206 ki-ốt tại tất cả các xã, thị trấn. Tổng kinh phí của dự án là 16 tỷ đồng từ nguồn vốn thuộc Tiểu dự án 3 - Hỗ trợ việc làm bền vững của Dự án 4 trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Tuy nhiên, ngay trong quá trình triển khai cho thấy, dự án không phù hợp với thực tế địa phương do trình độ công nghệ thông tin của đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa còn hạn chế. Do vậy, Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La đã quyết định dừng. Việc tương tự cũng diễn ra ở nhiều tỉnh, nhất các tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa do không phù hợp thực tế.

Để nâng cao chất lượng công tác giảm nghèo, bảo đảm hiệu quả của các chương trình hỗ trợ người dân vươn lên thoát nghèo bền vững, bên cạnh việc triển khai chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo, cận nghèo, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh lồng ghép các chương trình, chính sách hỗ trợ giảm nghèo nói chung và cơ chế, chính sách giảm nghèo đặc thù với các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn cả nước, nhất là ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.

Vấn đề quan trọng là cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án hiệu quả và đúng quy định, đặc biệt là các dự án hỗ trợ sinh kế, phát triển sản xuất và hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo.

>> Bài 1: Huy động nhiều nguồn lực quyết liệt hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát