Huy động nhiều nguồn lực quyết liệt hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát

Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo đang được gấp rút triển khai trên cả nước thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho người dân có chỗ ở ổn định; thể hiện tính nhân văn, tinh thần lá lành đùm lá rách. Cùng với đó, các chương trình hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm bước đầu cho thấy hiệu quả rõ rệt.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều đoàn thể tại huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An giúp người dân xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Nhiều đoàn thể tại huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An giúp người dân xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Với sự nỗ lực của Đảng, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, chính quyền các cấp, các đoàn thể, doanh nghiệp và người dân, Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên cả nước đã đạt được những kết quả rõ rệt. Đến nay, hàng nghìn hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách đã có nơi ở mới khang trang.

Tuy nhiên, để đạt mục tiêu đề ra là đến cuối năm 2025 hoàn thành toàn bộ chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, công việc phía trước vẫn còn rất nhiều bộn bề, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và sự chung tay góp sức của doanh nghiệp.

Niềm vui trong những ngôi nhà mới

Theo thống kê sơ bộ, đến nay cả nước đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa hơn 121.000 trên tổng số hơn 223.000 căn nhà, đạt hơn 54%, trong đó có hơn 65.000 căn đã khánh thành. Nhiều địa phương trên cả nước đã hoàn thành kế hoạch xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo, cận nghèo như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu… Một số địa phương cũng đưa ra kế hoạch đến 30/4/2025 sẽ hoàn thành toàn bộ chương trình. Niềm vui được ở trong những ngôi nhà mới khang trang, vững chãi đã tràn ngập trong nhiều gia đình từ miền núi tới đồng bằng.

Huy động nhiều nguồn lực quyết liệt hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát ảnh 1

Cán bộ huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La kiểm tra tiến độ công trình xóa nhà tạm, nhà dột nát tại Xã Thôm Mòn.

Có mặt trong bữa cơm mừng nhà mới của gia đình ông Bùi Văn Tọi, 61 tuổi, dân tộc Mường, ở xóm Đồi Bưng, xã Đông Lai, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, chúng tôi cảm nhận được sự vui mừng của ông và các thành viên trong gia đình. Ông Tọi cho biết, hàng chục năm qua, gia đình ông vẫn sống trong ngôi nhà cấp 4 mái lá dột nát. Với nguồn thu nhập ít ỏi từ làm vườn và chăn nuôi, không biết bao giờ gia đình ông mới xây được nhà nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước.

Các huyện Lạc Thủy, Lương Sơn và thành phố Hòa Bình phấn đấu hoàn thành xóa nhà tạm, dột nát trước ngày 30/4/2025, toàn tỉnh hoàn thành trước ngày 30/6/2025.

Theo đồng chí Bùi Văn Luyến, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hòa Bình, trong năm 2025, toàn tỉnh Hòa Bình sẽ xây mới, sửa chữa 3.191 căn nhà cho các hộ nghèo, cận nghèo, đến nay đã xây mới 2.283 căn, trong đó đã hoàn thành và bàn giao 907 căn. Là một trong những địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn, tuy nhiên với quyết tâm cao, tỉnh đã đề ra kế hoạch: Các huyện Lạc Thủy, Lương Sơn và thành phố Hòa Bình phấn đấu hoàn thành xóa nhà tạm, dột nát trước ngày 30/4/2025, toàn tỉnh hoàn thành trước ngày 30/6/2025. Hệ thống chính trị của tỉnh đang triển khai kế hoạch 450 ngày đêm huy động mọi nguồn lực với quyết tâm cao nhất, giúp cho 3.191 hộ nghèo, cận nghèo có nơi ở mới, bảo đảm 3 tiêu chí “cứng nền, cứng tường, cứng mái”.

Những ngày này, tại nhiều thôn bản vùng sâu, vùng xa tỉnh Hòa Bình, không khí vui tươi phấn khởi trên các công trình với sự tham gia của các lực lượng như công an, bộ đội, đoàn viên, thanh niên, các đoàn thể và người dân địa phương… Nhiều người dân tâm sự, ngày nào cũng có những ngôi nhà mới được hoàn thành và đi vào sử dụng trong sự vui mừng của người dân, đi đến đâu cũng gặp những nụ cười rạng rỡ của các gia đình có ngôi nhà mới.

Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương đi đầu xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đến nay, thành phố đã hoàn thành sửa chữa, xây dựng 575/500 căn nhà (đạt tỷ lệ 115%) cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn.

Thành phố còn chi 209 tỷ đồng từ ngân sách năm 2025 để hỗ trợ kinh phí xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các tỉnh Cà Mau, Kon Tum, Bến Tre và Lào Cai; cụ thể, hỗ trợ Cà Mau 105 tỷ đồng; Kon Tum 49 tỷ đồng; Bến Tre 45 tỷ đồng; Lào Cai 10 tỷ đồng. Cùng với đó, vừa qua Liên đoàn Lao động thành phố đã trao 96 căn “Mái ấm công đoàn” cho các công đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện sửa chữa và xây dựng mới nhà ở. Toàn bộ kinh phí được huy động từ nguồn xã hội hóa do sự đóng góp của cán bộ, đoàn viên công đoàn, người lao động và các nhà hảo tâm.

Cùng với việc thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo, cận nghèo, nhiều địa phương cũng đẩy mạnh chương trình xây nhà cho các đối tượng chính sách, trong đó riêng tỉnh Long An thời gian qua đã xây dựng 237 căn nhà cho người thờ cúng Mẹ Việt Nam Anh hùng với tổng kinh phí hơn 14 tỷ đồng. Đây là việc làm thiết thực với các gia đình có công với cách mạng đang gặp khó khăn về nhà ở.

Khẩn trương tháo gỡ khó khăn

Mặc dù các địa phương đều tỏ rõ quyết tâm, huy động nhiều nguồn lực nhằm hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát theo đúng kế hoạch, nhưng trong quá trình thực hiện phát sinh nhiều vướng mắc cần giải quyết kịp thời.

Huy động nhiều nguồn lực quyết liệt hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát ảnh 2

Cán bộ huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La chung vui với người dân dọn vào ngôi nhà mới.

Tại tỉnh Hòa Bình, 10 huyện, thị xã đều phát sinh vướng mắc về nguồn gốc đất trong quá trình triển khai. Riêng xã Đông Lai, huyện Tân Lạc, có tổng cộng 41 hộ nghèo, cận nghèo nằm trong diện xóa nhà tạm, nhà dột nát, nhưng đến nay mới có 3 nhà hoàn thành, 3 nhà đang xây dựng, còn 36 nhà chưa khởi công. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chậm trễ, trong đó vướng mắc lớn nhất là 10 hộ đang sinh sống trong khu vực quy hoạch đất rừng hoặc đất nông nghiệp vẫn chưa có phương án giải quyết.

Gia đình chị Bùi Thị Dựa, dân tộc Mường, xóm Muôn Chếch, xã Đông Lai cho biết, mặc dù rất phấn khởi khi được đưa vào danh sách xóa nhà tạm, gia đình cũng đã tích góp và vay mượn được 100 triệu đồng, cộng với 60 triệu đồng được Nhà nước hỗ trợ dự kiến sẽ xây một ngôi nhà mới, nhưng do gia đình chị đang sinh sống trên đất nông nghiệp nên xã chưa triển khai. Theo Bí thư Đảng ủy xã Đông Lai Bùi Văn Sư, xã đã báo cáo lên huyện xin ý kiến nhưng đến nay chưa có phương án. Hiện 5 /10 hộ vướng mắc về đất trong xã đã xin rút khỏi đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Tại tỉnh Đắk Lắk, năm 2025 toàn tỉnh có 5.405 căn thuộc Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; trong đó, giao Công an tỉnh chủ trì thực hiện Đề án 214 xây mới 4.285 căn nhà tặng hộ nghèo, hộ cận nghèo, phấn đấu đến hết tháng 10/2025 hoàn thành, bàn giao cho người dân sử dụng. Đến nay, tỉnh đã khởi công xây dựng 1.316 căn, trung bình đạt 62,6 căn/ngày.

Khó khăn hiện nay là Công an tỉnh đã tiếp nhận 190 tỷ đồng, chiếm 73,93% kinh phí do Trung ương hỗ trợ. Tuy nhiên, do Kho bạc Nhà nước đang trong quá trình sáp nhập, hệ thống chưa đồng bộ nên chưa chuyển được kinh phí cho các địa phương. Bên cạnh đó, Hội đồng nhân dân tỉnh chưa thông qua Nghị quyết hỗ trợ kinh phí đối ứng thực hiện Đề án, do đó, các nhà thầu chưa thể triển khai xây dựng, ảnh hưởng đến tiến độ.

Tại Đắk Lắk hiện có 1.384 hộ phải bổ sung, thay thế, trong đó có 1.122 trường hợp do chưa bảo đảm điều kiện về đất ở và 262 hộ từ chối nhận xây nhà do diện tích xây dựng nhỏ, không bảo đảm điều kiện sinh hoạt.

Ngoài ra, tại Đắk Lắk hiện có 1.384 hộ phải bổ sung, thay thế, trong đó có 1.122 trường hợp do chưa bảo đảm điều kiện về đất ở và 262 hộ từ chối nhận xây nhà do diện tích xây dựng nhỏ, không bảo đảm điều kiện sinh hoạt. Thêm vào đó, hiện tại nguồn vật liệu xây dựng như đá hộc, gạch, cát,... đang thiếu, không đủ cung ứng cho nhà thầu. Đây cũng là những vấn đề phát sinh mà nhiều địa phương trên cả nước đang phải đối mặt.

Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm 2025, cả nước phải hoàn thành hơn 100.000 căn nhà, với mức bình quân cả nước phải bàn giao 459 căn/ngày, mỗi địa phương phải bàn giao 8 căn/ngày. Đây là nhiệm vụ cấp bách, nặng nề đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Chính phủ, các bộ, ngành, các địa phương, sự chung tay góp sức của các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp để cùng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về chế độ, chính sách, bảo đảm nguồn kinh phí để triển khai, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch đã đề ra theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ: Không để người dân nào phải ở trong nhà tạm, nhà dột nát.

(Còn nữa)