“Đầu tàu kinh tế” Đức hụt hơi

Cục Thống kê liên bang Đức (Destatis) thông báo, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này đã giảm 0,2% trong năm 2024. Đây là năm thứ hai liên tiếp nền kinh tế “đầu tàu” châu Âu rơi vào suy thoái. Đức đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và nhu cầu xuất khẩu giảm, trong bối cảnh triển vọng kinh tế không mấy sáng sủa.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa: Người dân Đức mua sắm tại siêu thị. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ảnh minh họa: Người dân Đức mua sắm tại siêu thị. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Số liệu thống kê sơ bộ vừa công bố cho thấy, với mức giảm 0,2%, nền kinh tế lớn nhất châu Âu tiếp tục rơi vào suy thoái trong năm 2024. Trước đó, năm 2023, kinh tế Đức đã giảm 0,3%. Số liệu thống kê sơ bộ quý IV/2024 cũng cho thấy, nền kinh tế đã giảm 0,1% so với quý III. Đức phải vật lộn với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt trong vài năm qua, một phần do giá năng lượng tăng cao liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.

Từng là một khách hàng lớn mua khí đốt giá rẻ của Nga, Đức đã phải tìm kiếm các nguồn cung mới sau khi Moskva ngừng cấp năng lượng. Xung đột cùng biến đổi khí hậu và các yếu tố khác trong chuỗi cung ứng quốc tế cũng góp phần làm tăng lạm phát và chi phí cho các mặt hàng thiết yếu như hàng tạp hóa và đồ dùng vệ sinh. Mặc dù lạm phát đã trở thành một hiện tượng toàn cầu, nhưng nó ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến Đức do giá hàng tạp hóa của nước này trong những năm trước đây tương đối thấp.

Bên cạnh đó, theo truyền thống, một nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, nhu cầu giảm đối với các sản phẩm của Đức là yếu tố quyết định tác động đến kinh tế nước này. Xe điện giá rẻ nhập khẩu tràn vào đã làm giảm nhu cầu đối với ô-tô Đức. Ngành công nghiệp ô-tô Đức, từng được coi là biểu tượng của sự đổi mới và chất lượng, đã trải qua năm 2024 đầy khó khăn với sự sụt giảm mạnh về số lượng đăng ký xe điện chạy bằng pin (BEV), giảm 27,4% so với năm 2023.

Đối mặt với những khó khăn ngày càng nghiêm trọng do tác động kéo dài của cuộc khủng hoảng kinh tế, chỉ số hằng tháng về môi trường kinh doanh trong ngành công nghiệp ô-tô Đức đã giảm xuống mức âm 34,7 điểm trong tháng 12/2024, từ mức âm 32,4 điểm trong tháng 11. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng kinh doanh yếu kém là thiếu đơn đặt hàng và hoạt động kinh doanh ở nước ngoài trì trệ. Ngoài ra, Đức đang phải đối mặt với cơ sở hạ tầng cũ kỹ và khả năng cạnh tranh chậm chạp trong ngành công nghiệp và công nghệ.

Nền kinh tế Đức phải đối mặt với nhiều rào cản như tăng trưởng trì trệ, tài chính bấp bênh, rủi ro địa chính trị, ngành công nghiệp ô-tô suy yếu và chi phí năng lượng cao.

Lạm phát cũng vẫn là yếu tố cản trở tăng trưởng kinh tế Đức. Sau khi giảm xuống dưới mức mục tiêu 2% mà Ngân hàng Trung ương châu Âu đề ra, lạm phát của Đức đã tăng trở lại trong ba tháng qua. Số liệu sơ bộ của Destatis cho thấy, lạm phát của nước này trong tháng 12/2024 vừa qua tăng mạnh hơn dự báo khi giá tiêu dùng tăng nhanh vào cuối năm. Lạm phát hằng năm tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu trong tháng 12/2024 ở mức 2,6%, tăng so với mốc 2,2% ghi nhận trong tháng 11/2024 và cũng cao hơn mức dự báo 2,4% do các nhà phân tích của công ty dữ liệu tài chính FactSet đưa ra trước đó. Nhà phân tích ngân hàng ING Carsten Brzeski dự báo, lạm phát sẽ tiếp tục tăng tốc trước khi chậm lại trong năm nay. Sự gia tăng này chủ yếu là do tác động từ giá năng lượng. Tuy nhiên, việc tiếp tục tăng lương trong khi giá năng lượng giảm có thể khiến lạm phát duy trì ở mức tương đối cao trong một thời gian nữa.

Nền kinh tế Đức phải đối mặt với nhiều rào cản như tăng trưởng trì trệ, tài chính bấp bênh, rủi ro địa chính trị, ngành công nghiệp ô-tô suy yếu và chi phí năng lượng cao. Nền kinh tế vẫn đang trong tình trạng khó khăn tác động tiêu cực tới thị trường việc làm và làm trầm trọng thêm thách thức đối với doanh nghiệp. Theo nghiên cứu của Viện Kinh tế Halle (IWH), trong quý IV/2024, Đức ghi nhận số công ty phá sản cao kỷ lục kể từ năm 2009 do lãi suất và chi phí tăng cao. Cụ thể, đã có tổng cộng 4.215 công ty phá sản được ghi nhận trong quý nói trên, tác động đến gần 38.000 việc làm, mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính vào giữa năm 2009. Con số này tăng 36% so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, cuộc tranh cãi về cái gọi là “phanh nợ”, một cơ chế kiểm soát nợ mà chính phủ được phép, đã dẫn đến sự sụp đổ của liên minh cầm quyền của Thủ tướng Olaf Scholz hồi năm ngoái, khiến chính phủ nước này phải tiến hành bầu cử trước thời hạn.

Trước triển vọng ảm đạm và những khó khăn dai dẳng cùng các vấn đề về cơ cấu, Ngân hàng Trung ương Đức đã cắt giảm mạnh dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này trong hai năm 2025 và 2026. Dự báo, tăng trưởng GDP của Đức sẽ chỉ đạt 0,2% trong năm 2025 và năm 2026 đạt 0,8%. Bất ổn trên chính trường, cùng sự trì trệ về kinh tế khiến đầu tàu kinh tế châu Âu đang bị hụt hơi, tác động tiêu cực tới triển vọng tăng trưởng của toàn khu vực.