Giải quyết nhanh chóng tình trạng này đang là một trong những yêu cầu cấp bách của nền kinh tế đầu tàu châu Âu hiện nay.
Theo hãng thông tấn DPA, các hiệp hội doanh nghiệp hàng đầu ở Đức cho rằng nước này cần phải hình thành "văn hóa chào đón" lao động từ nước ngoài.
Chủ tịch Hiệp hội các phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (DIHK), ông Peter Adrian, nhấn mạnh phải đưa ra thông điệp nước Đức "rất mong được chào đón bạn".
Theo ông Adrian, có nhiều cách tiếp cận vấn đề này, trong đó có thể bắt đầu bằng việc cấp thị thực nhập cảnh dễ dàng hơn đối với những người muốn đến Đức làm việc và sau đó là cung cấp nhà ở và dịch vụ chăm sóc trẻ em tốt hơn.
Một cuộc khảo sát Hiệp hội DIHK thực hiện hồi cuối tháng 5 vừa qua cho thấy hơn một nửa số doanh nghiệp Đức được hỏi coi tình trạng thiếu lao động lành nghề là một rủi ro kinh doanh lớn (các rủi ro khác thường được đề cập như giá nguyên liệu thô và năng lượng cao, nhu cầu trong nước yếu...).
Theo Chủ tịch DIHK Adrian, điều cần thiết trước hết là phải hình thành được "văn hóa chào đón" tốt hơn. Luật nhập cư lao động lành nghề mới của Đức mặc dù về cơ bản là tích cực nhưng quá phức tạp. Thực tế, nước Đức đang bị "tụt lại phía sau" trong thu hút lao động quốc tế. Việc cung cấp "Thẻ cơ hội" nhằm giúp lao động từ nước ngoài có cơ hội dễ dàng hơn trong việc đến Đức tìm kiếm việc làm trong thời gian 1 năm. Tuy nhiên, để được cấp "Thẻ cơ hội", các ứng viên cần đáp ứng quá nhiều yêu cầu.
Chủ tịch Adrian nhận định rằng lựa chọn này khó có thể giúp thu hút thêm nhiều lao động lành nghề từ nước ngoài đến với nước Đức.
Đồng quan điểm trên, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Đức (BDI) Siegfried Russwurm cũng cho rằng cần phải cải thiện việc thực thi luật nhập cư lao động lành nghề. Nhiệm vụ đầu tiên là của các đại sứ quán và tổng lãnh sự quán Đức tại các quốc gia khác.
Theo ông Russwurm, mọi người đều biết khẩu hiệu của nước Mỹ là "Chúng tôi mong muốn bạn!". Nước Đức cũng cần phải suy nghĩ và hành động theo cách này. Theo đó, văn hóa chào đón phải được mở rộng đến tất cả các cơ quan quản lý nhập cư ở Đức.