Đánh giá bao quát về các chỉ số tăng trưởng hai tháng qua, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận: Bên cạnh những tín hiệu tăng trưởng tốt, một số lĩnh vực chưa phục hồi ổn định; tuy nhiên, đó cũng là cơ sở để thành phố có những đánh giá, điều chỉnh cho các tháng tiếp theo.
Tạo đà tăng tốc
Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhấn mạnh: Sự khởi sắc của nền kinh tế-xã hội thể hiện rõ nhất qua việc thành phố không còn rơi vào tình trạng tăng trưởng âm ở nhiều ngành như quý I/2023. Cùng thời điểm này năm ngoái, thành phố có 4/9 ngành dịch vụ trọng yếu có mức tăng trưởng âm. Đáng mừng, sự phục hồi tốt của thị trường bất động sản, thị trường xuất khẩu hay ở một số ngân hàng, ngành dệt may… Giám đốc Sở Xây dựng Trần Hoàng Quân cho biết: Thị trường bất động sản đầu năm 2024 có nhiều chuyển biến tốt. Thành phố có nhu cầu hơn 340 nghìn căn nhà ở xã hội. Dự kiến đến ngày 30/4/2025, thành phố có nguồn hơn 35 nghìn căn để cung ứng cho thị trường. Ngoài ra, doanh thu kinh doanh bất động sản hai tháng đầu năm 2024 ước tăng 20,1% so với cùng kỳ. Số lượng doanh nghiệp hoạt động trở lại và số doanh nghiệp đăng ký mới đều tăng so với cùng kỳ.
Theo thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 2 ước đạt 84.200 tỷ đồng, giảm 16,4% so với tháng trước, tăng 7,9% so với cùng kỳ. Tính chung hai tháng đầu năm, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trên địa bàn tăng 4,3% so với cùng kỳ. Đối với bốn ngành công nghiệp trọng điểm, chỉ số sản xuất công nghiệp hai tháng đầu năm tăng 6,3% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành hóa dược tăng 12,6%, ngành cơ khí tăng 6,7%; ngành chế biến lương thực, thực phẩm tăng 6,4%; ngành sản xuất hàng điện tử giảm 6,3%. Liên quan tới xuất khẩu, ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố nhận định: Xuất khẩu đã từng bước lấy lại đà tăng trưởng dù ở một số lĩnh vực vẫn còn tiếp tục gặp khó như trong hoạt động ngành logistics, một số doanh nghiệp phải tìm kiếm thị trường khác; một số ngành có dấu hiệu phục hồi song chi phí lại tăng; doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng. Ủy ban nhân dân thành phố cũng nhận định, nhìn chung, tình hình của thành phố vẫn tiếp tục gặp một số bất cập, hạn chế. Đơn cử như, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp; thu hút FDI mặc dù tăng về số lượng nhưng lại giảm về quy mô vốn (giảm 47% so với cùng kỳ)…
Quyết liệt trong từng nhiệm vụ
Nhấn mạnh trước các đơn vị, địa phương, sở, ngành của thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Phan Văn Mãi nhấn mạnh: Ngay từ đầu năm 2024, các sở, ban, ngành, địa phương đã tập trung quyết liệt điều hành có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ đề ra, nhất là trong việc thực hiện chủ đề năm. Tại các phiên họp chỉ đạo điều hành hằng tuần, hằng tháng, lãnh đạo thành phố yêu cầu, lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương báo cáo kết quả đạt được và những giải pháp trọng tâm liên quan đến việc thực hiện chủ đề năm 2024, nhất là chuyển đổi số và thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội. Theo Sở Thông tin và Truyền thông thành phố, thời gian qua, thành phố tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, đưa vào vận hành hiệu quả nhiều dịch vụ số phục vụ người dân và thúc đẩy kinh tế-xã hội như: Nâng tỷ lệ các dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt 100% cho các thủ tục đủ điều kiện; ra mắt nền tảng bản đồ số thành phố; nhiều dịch vụ đô thị thông minh ở nhiều lĩnh vực. Năm 2023, thành phố đã phê duyệt 740 thủ tục dịch vụ công trực tuyến; hơn 22,4 triệu hồ sơ được tiếp nhận, giải quyết trong năm 2023, hồ sơ giải quyết đúng hạn hơn 99,8%.
Trong các tháng tiếp theo, lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu phải tập trung cao, quyết liệt cho các giải pháp kích thích tăng trưởng, nhất là trong đầu tư công. Tập trung tháo gỡ các vướng mắc tồn đọng ngay từ các tháng đầu năm; các chủ đầu tư cần xử lý nghiêm một số nhà thầu yếu kém, không nghiêm túc để đẩy nhanh tiến độ các dự án. Trong công tác giải phóng mặt bằng, thành phố cũng yêu cầu các chủ đầu tư các dự án đầu tư công phải rà soát lại kế hoạch cho từng dự án bảo đảm tiến độ theo mục tiêu đề ra, cả năm phải đạt 95% trở lên. Nhằm thực hiện hiệu quả chủ đề năm về công tác chuyển đổi số, thành phố đề ra kế hoạch về tập trung nghiên cứu AI, về vi mạch bán dẫn. Theo đồng chí Phan Văn Mãi, AI nếu nhận diện và áp dụng tốt vào nền hành chính sẽ mang đến rất nhiều hiệu quả, không chỉ áp dụng cho hoạt động của bộ máy, đơn vị mà còn rất nhiều lĩnh vực, vấn đề sẽ được hưởng lợi.
Nhấn mạnh về các công tác cần chú trọng thời gian tới đối với lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Nhiệm vụ, trách nhiệm trong các tháng tiếp theo vẫn rất nặng nề nhằm khắc phục những hạn chế, cải thiện các chỉ số kinh tế-xã hội còn thấp. Trong đó, yếu tố về tinh thần trách nhiệm, sự năng động sáng tạo của đội ngũ cán bộ là rất quan trọng, bởi điều đó sẽ trực tiếp tạo nên những kết quả tích cực cho nền kinh tế-xã hội. Với vị thế đầu tàu như Thành phố Hồ Chí Minh thì tinh thần ấy cần càng được phát huy mạnh mẽ hơn nữa. Trong công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đồng chí Nguyễn Văn Nên cũng nhấn mạnh về yếu tố con người. Trong đó, người đứng đầu từng cơ quan đơn vị phải thực hiện nghiêm túc, không dung túng cho những thành phần yếu kém trong hệ thống chính trị. Trong công tác vận hành bộ máy, cần có sự nhịp nhàng, đồng bộ. Để có được hiệu quả cao nhất thì các cơ quan, đơn vị, địa phương cần có sự thống nhất, nhịp nhàng trong chỉ đạo, điều hành, dữ liệu, thông tin để tạo những kết quả nhanh, hiệu quả cao nhất qua đó góp phần đẩy nhanh sự tăng trưởng, phát triển cho thành phố ■