Dấu ấn Điện Biên Phủ trong dòng chảy mỹ thuật

Dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-2024), cùng nhiều loại hình nghệ thuật khác, các triển lãm hội họa và điêu khắc diễn ra sôi nổi, góp phần đưa công chúng tìm hiểu và trải nghiệm những tháng ngày lịch sử hào hùng của dân tộc, đồng thời tôn vinh các nghệ sĩ tạo hình đã và đang đóng góp tài năng sáng tạo của mình trên mặt trận văn hóa.
0:00 / 0:00
0:00
Triển lãm "Đường lên Điện Biên". (Ảnh: nhandan.vn)
Triển lãm "Đường lên Điện Biên". (Ảnh: nhandan.vn)

Triển lãm mỹ thuật “Đường lên Điện Biên” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội) diễn ra đến hết ngày 15/5, là một trong những địa chỉ hấp dẫn với người dân và du khách với việc trưng bày truyền thống kết hợp ứng dụng công nghệ trình chiếu cinemagraph và không gian tương tác.

Triển lãm giới thiệu 70 tác phẩm hội họa, đồ họa, điêu khắc, ký họa, áp-phích của 34 tác giả trong giai đoạn từ năm 1949-2009, trong đó có nhiều tác phẩm đặc biệt quý giá được sáng tác khi người họa sĩ tham gia các đoàn quân chiến đấu trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ghi lại chân thực những ngày tháng khoét núi, ngủ hầm oanh liệt của quân và dân ta, tạo nên “thiên sử vàng” chói lọi của thế kỷ 20.

Có thể kể đến tác phẩm bảo vật quốc gia “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” của họa sĩ Nguyễn Sáng, chùm ký họa của họa sĩ Tô Ngọc Vân, ký họa “Bộ đội họp” của họa sĩ Nguyễn Trọng Hợp, tranh bột mầu “Gặp nhau” của họa sĩ Mai Văn Hiến…

Triển lãm giới thiệu 70 tác phẩm hội họa, đồ họa, điêu khắc, ký họa, áp-phích của 34 tác giả trong giai đoạn từ năm 1949-2009, trong đó có nhiều tác phẩm đặc biệt quý giá được sáng tác khi người họa sĩ tham gia các đoàn quân chiến đấu trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ghi lại chân thực những ngày tháng khoét núi, ngủ hầm oanh liệt của quân và dân ta, tạo nên “thiên sử vàng” chói lọi của thế kỷ 20.

Qua ngôn ngữ tạo hình phong phú của các họa sĩ, nhà điêu khắc bậc thầy, khí thế Điện Biên Phủ được tái hiện, gian khổ mà oai hùng. Người xem được chiêm ngưỡng, hình dung những giai đoạn chiến đấu ác liệt, những lực lượng góp sức cho chiến dịch.

Chẳng hạn như công cuộc vận chuyển những khẩu pháo khổng lồ trèo đèo lội suối vào trận địa được thể hiện qua bức “Kéo pháo Điện Biên Phủ” và “Chèn pháo” của tác giả Dương Hướng Minh, “Kéo pháo Điện Biên” của tác giả Trần Đình Thọ; sự hỗ trợ và gắn bó khăng khít của hàng chục nghìn dân công trong tác phẩm “Việt Bắc” của tác giả Đào Đức, “Tiễn nhau đi dân công” của tác giả Lưu Văn Sìn, “Tình quân dân” của tác giả Nguyễn Sáng…; hay những người lính quyết tử xung phong giữa mặt trận khói lửa như trong tranh “Đánh vào trung tâm Điện Biên Phủ” của tác giả Nguyễn Thế Vị, “Điện Biên năm ấy” của tác giả Cao Trọng Thiềm…

Bên cạnh đó, triển lãm trưng bày nhiều hình ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng hình ảnh chiến sĩ, đồng bào các dân tộc tham gia kháng chiến thể hiện sự đoàn kết một lòng của toàn quân, toàn dân hướng về Điện Biên. Trong khuôn khổ triển lãm còn có hai buổi trò chuyện nghệ thuật được tổ chức để làm rõ hơn và truyền tải thêm cảm xúc cho khán giả, đó là “Đường lên Điện Biên” (ngày 27/4) và “Những kỷ niệm về họa sĩ, liệt sĩ Tô Ngọc Vân” (ngày 11/5).

Tuyển chọn 70 tác phẩm-con số ý nghĩa tương ứng với 70 năm, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức triển lãm kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ tại Trung tâm Triển lãm tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh (Hà Nội) đến hết ngày 9/5. Các tác phẩm hội họa, điêu khắc của 57 tác giả được tập hợp từ nhiều nguồn: Bộ sưu tập của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam và một số tác giả đương đại.

Đáng chú ý, triển lãm không chỉ giới thiệu các tác phẩm về Điện Biên mà còn mở rộng với đề tài chiến tranh cách mạng, thành tựu của đất nước kể từ sau chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” Điện Biên Phủ năm 1954. Tại đây, công chúng được thưởng lãm tác phẩm của các họa sĩ kỳ cựu, như “Thăm đồi A1” (Lê Vinh), “Tô Vĩnh Diện” (Dương Hướng Minh), “Kéo pháo Điện Biên” (Nguyễn Trọng Cát)…

Để rồi những cảm xúc, những góc nhìn về Điện Biên Phủ tiếp tục được mở rộng qua những sáng tác gần đây của các họa sĩ trẻ. Có thể kể đến tác phẩm “Hào khí Điện Biên” (điêu khắc đồng của Nguyễn Xuân Thành, 1979), “Mường Thanh 7-5-1954” (tranh sơn dầu của Đoàn Văn Thân, 2001), “Vượt núi băng ngàn” (tranh sơn mài của Phạm Hoàng Văn), “Phía sau là hầm Đờ Cát” (tranh sơn dầu của Bùi Tuyết Mai, 2018), “Trường ca Điện Biên Phủ” (tranh acrylic của Trần Thị Thanh Hòa, 2024)…

Theo Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn, có tác phẩm vừa hoàn thành trong năm, có bức đã sáng tác từ hàng chục năm trước, song các nghệ sĩ đều cố gắng truyền tải tới người xem không khí hào hùng của mặt trận Điện Biên Phủ, tình cảm của người hậu phương dành cho người lính. Các họa sĩ, nhà điêu khắc thế hệ sau tuy không trực tiếp tham gia chiến đấu nhưng cũng được tiếp nhận mạch nguồn tự hào và có sự nghiên cứu, tìm tòi để kể lại câu chuyện lịch sử theo nhiều chất liệu, hình thức phong phú, mới mẻ.

Với những người yêu hội họa, ngưỡng mộ phong cách và tài năng của cố họa sĩ, Đại tá Lê Huy Toàn (1930-2007), đây là dịp tận mắt ngắm nhìn những tác phẩm tiêu biểu nhất của ông về chiến dịch Điện Biên Phủ trong triển lãm “Ký ức Điện Biên” tại Aqua Art (Hà Nội) mở cửa đến hết ngày 19/5.

Triển lãm được Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam phối hợp gia đình họa sĩ Lê Huy Toàn thực hiện, trưng bày 70 tác phẩm ký hoạ chì đen trắng và tranh bột mầu của người họa sĩ-chiến sĩ gắn bó sâu sắc với đề tài Điện Biên Phủ, để lại cho đời kho sử liệu bằng tranh quý giá. Những tác phẩm nổi tiếng, gắn liền tên tuổi ông được trưng bày, như các bức tranh: “Lịch sử Điện Biên Phủ” (dài 8 mét), “Việt Nam anh hùng ca”, “Thắng hai đế quốc to”, “Mừng chiến thắng Điện Biên Phủ”…

Bên cạnh hình ảnh chiến hào khốc liệt, ông cũng vẽ nhiều tác phẩm sống động về đất và người miền Tây Bắc, như “Góc chợ Điện Biên”, “Trăng Điện Biên”, “Đèo Pha Đin”, “Cầu phao qua sông Đà”, “Hành quân qua Mai Châu”… Triển lãm cũng dành một không gian trang trọng cho các kỷ vật đã theo họa sĩ Lê Huy Toàn đi khắp các chiến trường và giúp ông hoàn thành các sáng tác bất kể đêm ngày, như sổ, sách, bút chì, bút mực, compa, thước kẻ, đèn dầu.

Tiếp nối các sự kiện mỹ thuật đầy ý nghĩa và giàu cảm xúc đó, Báo Nhân Dân tổ chức Triển lãm tương tác tranh panorama kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đồng thời tại Trụ sở Báo Nhân Dân (Hà Nội) và Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), mở cửa tự do đón khách đến hết ngày 12/5. Triển lãm trưng bày mô hình 360 độ thu nhỏ của bức tranh đại cảnh nổi tiếng “Chiến dịch Điện Biên Phủ” do hơn 200 họa sĩ nhiều thế hệ kỳ công hoàn thiện trong vòng 9 năm.

Triển lãm bức tranh panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ” theo cách 4.0 là một sáng kiến thiết thực của Báo Nhân Dân trong công tác trưng bày, quảng bá và tuyên truyền lịch sử, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, khơi gợi lòng biết ơn, tình yêu hòa bình tự do cho thế hệ trẻ, đồng thời tiếp tục khẳng định tầm vóc của Chiến thắng Điện Biên Phủ trong lịch sử Việt Nam.