Có mặt tại Việt Nam và đến Đà Nẵng để tham gia triển lãm này gồm có hoạ sĩ David Thomas và năm nghệ sĩ Susan Denniston, Margo Lemieux, Colleen MacDonald, Marilyn Mase và Carolyn Musket
Sự kiện nhằm tăng cường tình hữu nghị, hợp tác quốc tế, tạo cơ hội cho các họa sĩ địa phương giao lưu, trao đổi kinh nghiệm sáng tác với các họa sĩ nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực sáng tác tranh đồ họa, đặc biệt là các tác phẩm sáng tác về nỗi đau chiến tranh và những hậu quả nặng nề và dai dẳng mà chất độc màu da cam đã gây ra cho con người.
Triển lãm giới thiệu đến công chúng 70 tác phẩm chia thành hai không gian riêng. Bao gồm không gian Triển lãm “Finding Parkinson” trưng bày các tác phẩm của họa sĩ David Thomas.
Họa sĩ David Thomas bên một bức tranh của mình. |
Với 33 bức tranh in, sử dụng kỹ thuật đa dạng như cắt dán kết hợp hình ảnh khuôn mặt tự chụp và ảnh chụp MRI não của tác giả; in kỹ thuật số, in thạch bản trên cơ sở hoàn thành các bức in thạch bản mà ông làm dang dở trong thời gian khoảng năm 1986. Bộ ảnh này đã được tác giả triển lãm hai lần tại Mỹ.
Và Không gian trưng bày 38 tác phẩm của 37 nghệ sĩ là thành viên của The Boston Printmakers (Hội Đồ họa Boston, Mỹ). Các nghệ sĩ đã tập hợp 38 tác phẩm trên thành một sưu tập, đặt tựa đề là “Peace, Love, and Understanding” - Hòa bình, Tình yêu và Sự hiểu biết.
Triển lãm để lại nhiều ấn tượng trong lòng công chúng đam mê hội họa tại Đà Nẵng. |
Họa sĩ David Thomas sinh năm 1946 tại Portland, Maine, Hoa Kỳ. Ông là cựu binh Mỹ từng tham gia chiến tranh ở Việt Nam những năm 1969-1970. Trong thời gian đó, ông đóng quân ở Tây Nguyên, làm công việc hỗ trợ kỹ thuật chiến đấu, bao gồm cả việc sử dụng chất độc màu da cam.
Khi trở lại Hoa Kỳ vào năm 1970, ông tiếp tục sự nghiệp của mình với tư cách là một nghệ sĩ, sáng tác các tác phẩm về con người Việt Nam. Ông trở lại Việt Nam năm 1987. Chính chuyến đi này là chất xúc tác để ông sáng lập Hiệp hội Nghệ thuật Đông Dương (Indochina Arts Partnership) nhằm phát triển nhiều hoạt động giới thiệu, giao lưu văn hóa Mỹ-Việt Nam trong suốt thời gian hơn 30 năm.
Năm 1999, ông trở thành người nước ngoài đầu tiên được trao tặng Huy chương Vì sự nghiệp văn hóa của Việt Nam. Năm 2010, ông được Hội Mỹ thuật Việt Nam trao tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp mỹ thuật Việt Nam.
Năm 2015, David Thomas được chẩn đoán mắc bệnh Parkinson, căn bệnh được xác định là có liên quan đến việc tiếp xúc với chất độc màu da cam. Ngày 14/12/2020, lần đầu tiên ông nhìn thấy bộ não của mình sau khi chụp MRI não. Những bản chụp này đã thôi thúc ông sáng tạo nên những hình ảnh trực quan về cuộc chiến cam go với căn bệnh não của mình.
Mỗi bức tranh đều để lại ấn tượng rất lớn đối với người xem. |
Họa sĩ David Thomas cho biết: Finding Parkinson là câu chuyện kể về về cuộc chiến chống lại căn bệnh thoái hóa thần kinh của chính tôi. Tôi được chẩn đoán bị mắc căn bệnh này vào năm 2015, hậu quả của việc phơi nhiễm chất độc màu da cam khi đóng quân tại Việt Nam trong thời gian từ năm 1969-1970. Thông qua nghệ thuật của mình, tôi muốn mang đến cho bạn một góc nhìn vào thế giới riêng cũng như cuộc chiến chống lại bộ não của chính tôi.
Các nghệ sĩ sẽ hiến tặng Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng bộ sưu tập này nhằm tri ân sự hiếu khách mà Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng đã dành cho các nghệ sĩ quốc tế.
Triển lãm kéo dài đến hết ngày 21/4.