Triển lãm “Khắc Chân trời” của họa sĩ Vũ Duy Nghĩa

NDO - 65 bức tranh đa dạng chất liệu: đồ họa, sơn mài, trổ giấy của cố họa sĩ Vũ Duy Nghĩa (1935-2022) được gia đình ông chọn lựa và tổ chức trưng bày trong triển lãm “Khắc Chân trời”, diễn ra từ ngày 9 đến 16/3 tại Phòng trưng bày chuyên đề, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, số 66 Nguyễn Thái Học (quận Ba Đình, Hà Nội).
0:00 / 0:00
0:00
Chiều về. (Tranh Vũ Duy Nghĩa, năm 1985)
Chiều về. (Tranh Vũ Duy Nghĩa, năm 1985)

Họa sĩ Vũ Duy Nghĩa được biết đến là một họa sĩ có nhiều đóng góp đặc biệt cho nghệ thuật đồ họa (khắc gỗ, khắc kim loại) Việt Nam. Nhiều bức tranh thuộc dòng tranh này của ông đã được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sưu tập, như: “Trục lúa” (1972), “Đôi bạn” (1980), “Mùa hoa gạo” (1983), “Thuyền về bến” (1985), khắc kẽm.

Ông từng giữ chức Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật chuyên ngành Đồ họa (khóa 4, 1994-1999) của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Bên cạnh đó, từ thập niên 90, khi có điều kiện hơn về thời gian và tài chính, ông dồn tâm huyết tìm hiểu và thể nghiệm với hội họa sơn mài.

Tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1990, bộ ba tranh sơn mài của ông, tiêu đề “Đi họp- Ngọn đèn chai - Tình đồng đội”, được trao Huy chương vàng (tại triển lãm này, có giải Nhất, giải Nhì, giải Ba và tiếp đến là các huy chương vàng, bạc, đồng). Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng đã sưu tập hai bức tranh sơn mài của ông: "Ngọn đèn chai" và "Mùa thu năm ấy" (năm 1996).

Triển lãm “Khắc Chân trời” của họa sĩ Vũ Duy Nghĩa ảnh 1

Tổ ba người.

Nhận định về nghệ thuật của họa sĩ Vũ Duy Nghĩa, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân cho rằng: “Họa sĩ Vũ Duy Nghĩa của chúng ta cứ từ tốn mà kiên trì chau chuốt, chọn lựa mài giũa từng nét, từng mảng, từng góc cạnh đường viền, nhịp điệu khoan nhặt của mỗi chuyển động, từng biến chuyển màu tinh vi và tối sáng mờ ảo, động dung và cấu trúc cơ thể mỗi dạng nhân vật... khi thực hành với các chất liệu khác nhau, từ trổ giấy tới khắc gỗ, khắc kẽm qua bột màu hay sơn mài.

Ông ưa thích bố cục xoay vòng tròn và những đồng hiện không gian hai chiều ngang và thẳng đứng với tham vọng tạo ra chiều kích thứ ba - chiều sâu - và thứ tư - chiều thời gian - trong những hoạt cảnh được “dàn phẳng” bất động. Ông không ngừng tìm tòi, tạo hình thức điển hình, chắt lọc sao cho ngôn ngữ tạo hình vừa tao nhã, tinh tế, vừa mạnh mẽ biểu cảm. Những nỗ lực “hình thức” đó của ông đã khiến đông đảo sinh viên và đồng nghiệp ngưỡng mộ, nể phục”.

Họa sĩ Vũ Duy Nghĩa tốt nghiệp hệ trung cấp (niên khóa 1955-1957) tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội (nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam), sau đó được chọn cử đi đào tạo tại Khoa Hoành tráng- trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Stroganov (Mátxcơva, Liên Xô trước đây, niên khóa 1960-1965).

Triển lãm “Khắc Chân trời” của họa sĩ Vũ Duy Nghĩa ảnh 2

Nhà lá dưới chân núi.

Sau khi tốt nghiệp, ông trở về nước và có nhiều công lao đóng góp vào sự nghiệp đào tạo tại trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp (Hà Nội). Ông là Giảng viên khoa Đồ họa và Hoành tráng trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, từ năm 1967 cho đến khi nghỉ hưu, năm 1995. Nhiều thế hệ sinh viên đã được ông đào tạo, được học hỏi ở ông nhiều điều không chỉ về sự sáng tạo mà còn là về sự tâm huyết, tấm tình của người sáng tạo dành cho nghệ thuật.

Họa sĩ Kim Bạch, một nhà giáo đồng nghiệp của ông tại Đại học Mỹ thuật công nghiệp, đã bộc bạch: “Trong giảng dạy, chúng tôi đều hết lòng vì học sinh, cởi mở nhưng nghiêm khắc trong đánh giá điểm số, nhất là trong khâu tuyển sinh. Tôi thường nhắc, nếu chúng ta ưu ái nâng đỡ một người dốt thì sẽ tước mất cơ hội của một người giỏi, và điều quan trọng hơn là nhiều năm sau xã hội phải gánh chịu hậu quả dốt nát của người có bằng cấp đó”.

Tài năng và lặng lẽ, khiêm nhường, họa sĩ Vũ Duy Nghĩa đã đóng góp cho mỹ thuật Việt Nam hiện đại rất nhiều tác phẩm có giá trị, đặc biệt với dòng đồ họa sáng tác. Triển lãm “Khắc Chân trời” là một dịp để công chúng yêu mỹ thuật biết rõ hơn và thêm trân trọng những đóng góp của ông.