Một lớp tập huấn về nghiệp vụ du lịch tổ chức tại Cần Thơ.
Một lớp tập huấn về nghiệp vụ du lịch tổ chức tại Cần Thơ.

Đào tạo nhân lực du lịch chất lượng cao vùng đồng bằng sông Cửu Long

Vùng đồng bằng sông Cửu Long có nhiều điểm đến hấp dẫn, đội ngũ hướng dẫn viên đông đảo. Tuy nhiên, theo đánh giá của một số chuyên gia, số lượng người làm du lịch nhiều, nhưng nhân lực chất lượng cao lại ít. Vì thế, thời gian tới, để đẩy mạnh phát triển du lịch, việc đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao rất quan trọng.

Thực trạng đang xảy ra đối với nhân lực du lịch tại đồng bằng sông Cửu Long là đào tạo nhiều, nhưng vẫn thiếu hụt nhân lực có chuyên môn...

Chưa đáp ứng nhu cầu

Do nhu cầu nguồn nhân lực du lịch của đồng bằng sông Cửu Long liên tục tăng cho nên các trường đại học và cao đẳng trong khu vực đều đào tạo các chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực này. Năm 2024, ngành nghiệp vụ du lịch đào tạo đạt 43.876 người, tăng 4.676 người so năm 2023.

Đào tạo nhân lực du lịch chất lượng cao vùng đồng bằng sông Cửu Long ảnh 1
Thuyết minh viên giới thiệu cho du khách về Đền thờ Vua Hùng (Cần Thơ).

Theo thạc sĩ Nguyễn Minh Thơ, Trường cao đẳng Du lịch Cần Thơ, đến nay, đã có hiện tượng ngưỡng cung vượt quá cầu về số lượng. Mặc dù vậy, sinh viên ra trường vẫn khó tìm được việc làm, còn các cơ sở kinh doanh du lịch ở nhiều địa phương thiếu hụt nguồn lao động có chuyên môn.

Tình trạng nêu trên do chất lượng đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu; chưa cập nhật chương trình, phương pháp giảng dạy phù hợp. Thiếu gắn kết giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp du lịch...

Người lao động trong lĩnh vực du lịch thường thực hiện công việc theo lối mòn. Hạn chế trong hoạt động thu hút và giữ chân nhân tài và đào tào nguồn lao động tại chỗ.

Nguồn nhân lực du lịch chất lượng là bộ phận cốt lõi của nguồn nhân lực du lịch, có khả năng đáp ứng yêu cầu phức tạp, tạo năng suất và hiệu quả cao, đóng góp đáng kể cho sự phát triển.

Đây là những người lao động đã qua đào tạo về du lịch (nghề, trung cấp, cao đẳng, đại học, sau đại học...), có sự phân cấp theo các loại hình đào tạo khác nhau.

Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch

Theo Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, nhân lực du lịch đồng bằng sông Cửu Long đang thiếu hụt số lượng và chất lượng.

Nguồn nhân lực du lịch chưa đáp ứng đủ nhu cầu phát triển của ngành. Nhiều lao động chưa qua đào tạo chuyên môn du lịch, kỹ năng mềm, ngoại ngữ và công nghệ thông tin còn yếu.

Lao động du lịch qua đào tạo tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành phố phát triển hơn.

Các trường đào tạo du lịch trong vùng mới chỉ đáp ứng được khoảng 50-60% nhu cầu. Sinh viên ra trường chủ yếu nắm được lý thuyết, thiếu kỹ năng chuyên sâu và xử lý tình huống. Làm du lịch đòi hỏi chi tiết, tỉ mỉ và kỹ năng giao tiếp, am hiểu văn hóa thì nhiều sinh viên chưa đáp ứng được.

Ngoài ra, sự liên kết giữa các bên còn hạn chế. Cụ thể, cơ sở đào tạo chưa có sự phối hợp chặt chẽ trong xây dựng chương trình đào tạo và tổ chức thực tập. Địa phương chưa quan tâm đúng mức đến phát triển và thu hút nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao. Doanh nghiệp chưa tích cực tham gia đào tạo và chia sẻ kinh nghiệm về du lịch.

Nâng cao chất lượng đào tạo

Theo bà Lê Đình Minh Thy, Giám đốc Công ty du lịch Vietravel chi nhánh Cần Thơ, hiện nay, các cơ sở đào tạo du lịch tại đồng bằng sông Cửu Long, bao gồm các trường đại học, cao đẳng và các khoa du lịch, đã có những bước tiến đáng kể trong việc cung cấp nguồn nhân lực cho ngành du lịch.

Tuy nhiên, để đáp ứng đầy đủ nhu cầu của các doanh nghiệp, vẫn cần có sự cải thiện về chất lượng đào tạo. Hiện nay, chương trình đào tạo tại một số cơ sở còn thiếu tính thực tiễn và chưa hoàn toàn sát với yêu cầu của thị trường.

Đào tạo nhân lực du lịch chất lượng cao vùng đồng bằng sông Cửu Long ảnh 2
Doanh nghiệp và cơ sở đào tạo cần có sự liên kết chặt chẽ để nhân lực du lịch đáp ứng được nhu cầu.

Giải pháp quan trọng nhất để nâng cao chất lượng nhân lực du lịch tại đồng bằng sông Cửu Long, theo bà Thy, là đẩy mạnh sự kết nối chặt chẽ giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo.

Thông qua việc hợp tác sâu rộng, doanh nghiệp có thể hỗ trợ trong việc xây dựng chương trình đào tạo phù hợp thực tiễn. Tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận các kỹ năng làm việc thực tế thông qua các chương trình thực tập, hướng dẫn nghề nghiệp và trao đổi kinh nghiệm trực tiếp từ những người làm trong ngành.

Tăng cường đào tạo về kỹ năng mềm, ngoại ngữ và hiểu biết về xu hướng du lịch quốc tế sẽ giúp nhân lực trẻ khi ra trường dễ dàng thích ứng và phát triển trong môi trường du lịch ngày càng cạnh tranh.

Doanh nghiệp luôn cần nhân lực không chỉ vững về chuyên môn, mà còn thành thạo kỹ năng mềm, ngoại ngữ và có khả năng thích nghi với xu hướng du lịch quốc tế.

Chúng tôi tin rằng, thông qua sự hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo cùng với việc liên tục cập nhật giáo trình đào tạo, nguồn nhân lực du lịch tại khu vực sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ và đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Bà Lê Đình Minh Thy, Giám đốc Vietravel chi nhánh Cần Thơ

Theo Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng là yếu tố quyết định để thực hiện mục tiêu phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long. Cần xây dựng kế hoạch dài hạn, bảo đảm chuẩn về chuyên môn, ngoại ngữ và công nghệ thông tin. Mục tiêu là hướng tới phát triển du lịch bền vững, nâng cao vị thế và hình ảnh du lịch của vùng trên bản đồ du lịch Việt Nam và quốc tế.

Để nâng cao chất lượng đào tạo cần rà soát và xây dựng khung chương trình đào tạo đáp ứng chuẩn đầu ra phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Khuyến khích đào tạo văn bằng hai và liên kết đào tạo linh hoạt theo nhu cầu thị trường. Triển khai đồng bộ hệ thống công nghệ thông tin trong giảng dạy và quản lý đào tạo.

Đào tạo nhân lực du lịch chất lượng cao vùng đồng bằng sông Cửu Long ảnh 3
Việc có nguồn nhân lực du lịch bảo đảm chuyên môn hết sức quan trọng.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Minh Thơ, để phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao vùng đồng bằng sông Cửu Long trong thời đại 4.0, cần cập nhật chương trình đào tạo, tăng cường kỹ năng số, công nghệ thông tin, ngoại ngữ.

Cần đào tạo cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin, truyền thông số. Trang bị kỹ năng ứng dụng công nghệ số vào hoạt động du lịch. Xem chuyển đổi số là cơ hội và thách thức để nhân lực khẳng định giá trị. Đẩy mạnh hợp tác giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp du lịch thông qua hoạt động đào tạo giữa lòng doanh nghiệp và doanh nghiệp tham gia hoạt động đào tạo....

back to top