Cần “đòn bẩy” chính sách cho du lịch sinh thái

Với hệ thống vườn cây trái bạt ngàn, phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, cùng với khí hậu ôn hòa, tỉnh Bình Dương hội đủ điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái vườn thành sản phẩm du lịch đặc sắc, thu hút du khách trong và ngoài nước.
0:00 / 0:00
0:00
Địa bàn tỉnh Bình Dương có những sản phẩm du lịch sinh thái vườn đặc sắc.
Địa bàn tỉnh Bình Dương có những sản phẩm du lịch sinh thái vườn đặc sắc.

1/Là điểm thu hút nhiều du khách ghé thăm, khu vực cầu Ngang (phường Hưng Định, TP Thuận An, Bình Dương) đang được chính quyền địa phương quan tâm đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng thời gian qua. Phó Chủ tịch UBND phường Hưng Định Nguyễn Minh Huy cho biết, ngoài nâng cấp hạ tầng đường sá, phường cũng tăng cường tuyên truyền về tiềm năng, lợi thế trong phát triển du lịch của địa phương để thay đổi cách nghĩ, cách làm của từng cá nhân, hộ gia đình, cùng nhau nhân rộng mô hình du lịch sinh thái gắn với vườn trái cây sao cho chuyên nghiệp hơn.

Theo quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, TP Tân Uyên được tỉnh chọn là điểm phát triển loại hình du lịch sinh thái sông nước, du lịch sinh thái miệt vườn trên cù lao Bạch Đằng và cù lao Thạnh Hội. Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin TP Tân Uyên Nguyễn Tấn Phát cho rằng, Tân Uyên có sông Đồng Nai chảy qua, cùng với những vườn trái cây xanh mát quanh năm. Trên địa bàn thành phố còn có 12 di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng, trong đó có 1 di tích cấp quốc gia và 11 di tích cấp tỉnh. Đặc biệt, các hộ dân tham gia các mô hình miệt vườn rất đồng tình với việc phát triển du lịch sinh thái.

Tương tự, huyện Bắc Tân Uyên là vùng chuyên canh cây ăn trái có múi với tổng diện tích 2.451 ha. Nơi đây có hệ thống các trang trại vườn cây ăn trái đạt chuẩn VietGAP, đa dạng các sản phẩm trái cây đặc trưng như cam, quýt, bưởi, tập trung chủ yếu ở các xã Tân Mỹ, Lạc An, Hiếu Liêm, Tân Định, phục vụ nhu cầu tham quan của khách du lịch trong và ngoài tỉnh.

2/Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Dương Trần Tuấn Hùng, doanh nghiệp muốn phát triển du lịch sinh thái tại Bình Dương đang gặp nhiều vướng mắc như cần nguồn vốn đầu tư lớn nhưng khó tiếp cận, hạ tầng kết nối các điểm du lịch thiếu, chưa đồng bộ. Một vướng mắc của doanh nghiệp với sản phẩm này liên quan đến quyền sử dụng đất.

Theo các nhà đầu tư du lịch sinh thái, tại Bình Dương, thời gian qua, các mô hình du lịch sinh thái nhà vườn phát triển mạnh tại TP Tân Uyên, các huyện Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng, Phú Giáo… Thế nhưng, các nhà vườn triển khai hoạt động du lịch thường gặp vướng mắc về đất đai, vì theo Luật Đất đai năm 2013, xây dựng trên đất nông nghiệp là vi phạm; trong khi muốn phát triển du lịch phải xây dựng thêm các khu ăn uống, nghỉ ngơi, nhà vệ sinh, một số tiểu cảnh trong vườn…

Luật Đất đai năm 2024 và các nghị định, thông tư đi kèm đã tháo gỡ những vướng mắc trong phát triển du lịch nông nghiệp ở địa phương. Cụ thể, doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ dễ dàng hơn với các dự án sản xuất nông nghiệp hiện đại, hay liên kết hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn; các hộ dân có đất nông nghiệp nhưng thiếu lao động, ít vốn có thể “nhường” đất, kể cả đất lúa cho người khác biết cách làm ăn hiệu quả hơn.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương Nguyễn Thanh Phong cho biết, tỉnh Bình Dương sẽ tập trung xây dựng, khai thác, phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh là tham quan làng nghề truyền thống và nhóm sản phẩm du lịch sinh thái, vui chơi giải trí, tham quan tìm hiểu các di tích. Trong đó, chú trọng chất lượng sản phẩm du lịch sinh thái vườn được xem là giải pháp quan trọng nhất hiện nay.

Mới đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trình UBND tỉnh Bình Dương, tham mưu chủ trương để xây dựng các chính sách phát triển du lịch. Trong đó, đề xuất hỗ trợ 20% chi phí đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch mới, tối đa không quá 300 triệu đồng. Mục tiêu là thu hút đầu tư vào các sản phẩm du lịch đặc sắc như mô hình vườn cây ăn quả và cơ sở sản xuất nghề truyền thống nhằm phát triển du lịch sinh thái. Những chính sách này không chỉ giúp tạo ra sinh kế bền vững cho người dân mà còn tăng sự hấp dẫn của du lịch Bình Dương.

Về phía địa phương, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin TP Tân Uyên Nguyễn Tấn Phát cho hay, thành phố sẽ tiếp tục đề xuất hoàn thiện chính sách ưu đãi về đất đai, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng để khai thác tiềm năng, thế mạnh về du lịch sinh thái vườn cây ăn trái. Còn theo Chủ tịch UBND TP Thuận An Nguyễn Thanh Tâm, hiện nay, TP Thuận An quan tâm đến việc giữ gìn, phát triển vườn cây ăn trái gắn với phát triển dịch vụ du lịch trên cơ sở tập trung khai thác các tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Doanh thu du lịch trên địa bàn tỉnh trong 9 tháng năm 2024 ước khoảng 1.790 tỷ đồng, đạt 89,5% so kế hoạch năm, tăng 19% so cùng kỳ năm 2023. Tổng lượt khách ước khoảng 2,8 triệu lượt, so kế hoạch năm đạt 93,3%, tăng 27% so cùng kỳ năm 2023. Trong đó, riêng khách tham quan các khu, điểm du lịch, các di tích - danh thắng trên địa bàn tỉnh khoảng 2 triệu lượt.