Đắk Nông phát huy tiềm năng lợi thế phát triển nông nghiệp

Ngành nông nghiệp là một trong 3 trụ cột kinh tế của Đắk Nông. Sản xuất nông nghiệp đang chuyển mạnh theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng, phát huy lợi thế địa phương; chú trọng ứng dụng khoa học-công nghệ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; chuyển từ sản xuất truyền thống sang sản xuất hữu cơ, tuần hoàn, kết hợp; chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Nông dân Đắk Nông thu hoạch sầu riêng.
Nông dân Đắk Nông thu hoạch sầu riêng.

Toàn tỉnh Đắk Nông có hơn 130 chủng loại cây trồng, vật nuôi khác nhau, trong đó, tỉnh đã xác định được 4 sản phẩm chủ lực cấp tỉnh (cà phê, hồ tiêu, cao su, điều) và 19 sản phẩm tiềm năng, thế mạnh của địa phương (lúa gạo, khoai lang, ngô, sắn, đậu tương,...).

Trong tương lai gần, Đắk Nông sẽ trở thành vùng trọng điểm về phát triển một số ngành hàng cây ăn quả đặc sản (bơ, sầu riêng, xoài, mít, mắc ca, chanh dây,…), ngành hàng rau củ quả và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đồng thời, Đắk Nông còn nhiều dư địa để phát triển chế biến, dịch vụ logicstic và liên kết vùng.

Sản xuất nông nghiệp chuyển mạnh theo hướng chú trọng ứng dụng khoa học-công nghệ, sản xuất hữu cơ, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng, phát huy lợi thế địa phương. Hệ thống tổ chức sản xuất, kinh doanh ngày càng được hoàn thiện, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị nông sản; tỷ lệ nông sản qua chế biến tăng dần. Thị trường tiêu thụ được mở rộng cả trong và ngoài nước; xuất khẩu tăng nhanh cả về sản lượng, giá trị và tỷ trọng sản phẩm chất lượng cao.

Đắk Nông phát huy tiềm năng lợi thế phát triển nông nghiệp ảnh 1

Mô hình trồng hoa mang lại thu nhập cho các hộ dân.

Tỉnh cũng đã công nhận được 4 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô 2.423 ha với các loại cây chủ lực gồm hồ tiêu, cà phê, lúa; công nhận 2 doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao. Toàn tỉnh hiện có gần 400 trang trại chăn nuôi, đã hình thành được khoảng 7 chuỗi liên kết tạo đầu ra sản phẩm ổn định, hiệu quả kinh tế khá cao, góp phần nâng cao hiệu quả, giảm được nhiều chi phí sản xuất và nâng cao được năng suất, chất lượng sản phẩm nông sản.

Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô Nguyễn Xuân Danh cho biết, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã có bước phát triển ổn định, sản lượng hàng hóa ngày càng tăng, thu nhập và đời sống dân cư nông thôn ngày càng được cải thiện. Huyện luôn chú trọng xây dựng, ban hành kịp thời các văn bản triển khai các Đề án, Chương trình, Kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn phù hợp với tình hình thực tế và mục tiêu, định hướng, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương. Trong đó, tập trung vào các chương trình trọng tâm như: Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển nông nghiệp bền vững; Đề án quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Đề án đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, xây dựng các vùng tập trung chăn nuôi...

Qua đó, ngành nông nghiệp huyện Krông Nô đã đạt được nhiều thành tựu, nổi bật là diện tích sản xuất ứng dụng công nghệ cao, áp dụng các tiêu chuẩn được chứng nhận đạt hơn 2.000 ha đất canh tác, đã xây dựng hình thành nhiều vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: vùng sản xuất lúa tại Buôn Choah, vùng sản xuất ngô tại xã Đức Xuyên và vùng sản xuất cà phê tại xã Nâm Nung, đã triển khai mô hình VietGap trên cây sầu riêng tại xã Nâm Nung.

Hiện trên địa bàn có hơn 10 sản phẩm OCOP với các mặt hàng đa dạng: trái cây (cam, quýt, ổi), cà phê, đông trùng hạ thảo, mật ong, bột cacao, chocolate. UBND huyện đã xây dựng nhãn hiệu đối với sản phẩm lúa gạo giống ST 25 và sản phẩm bơ Núi lửa Krông Nô đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học Công nghệ ban hành các Quyết định chứng nhận.

Đắk Nông phát huy tiềm năng lợi thế phát triển nông nghiệp ảnh 2

Dưa lưới hoàng kim được trồng ứng dụng công nghệ cao ở Đắk Nông.

Nằm về phía Đông Nam của tỉnh Đắk Nông, giáp ranh với các tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng, với diện tích đất nông nghiệp rộng lớn (16.673ha chiếm 11,56%), huyện Đắk Glong giàu tiềm năng, nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp. Huyện đã tập trung thực hiện tốt các mô hình sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh sản xuất theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Phát triển các mô hình kinh tế trang trại, hợp tác xã, mô hình tổ hợp tác, tổ liên kết để hình thành chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ nông sản...

Huyện chú trọng thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng chất lượng, hiệu quả; trong đó, ưu tiên phát triển các mô hình trồng cây chủ lực. Theo đó, đối với các loại cây lâu năm, huyện không mở rộng thêm diện tích, mà sẽ từng bước chuyển đổi sang trồng các loại cây khác như cây ăn quả hoặc cây đa mục đích. Riêng với cây tiêu, huyện khuyến khích người dân thực hiện sản xuất theo hướng hữu cơ, ứng dụng quy trình VietGAP, sử dụng giống chất lượng.

Trên cơ sở định hướng phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, huyện đã lựa chọn được 8 vùng nông nghiệp để triển khai thực hiện gồm 5 vùng trồng trọt các loại cây là hồ tiêu, cà phê, cây ăn quả; 2 vùng chăn nuôi bò và thủy sản; 1 vùng chăn nuôi heo thịt gắn với giết mổ. Đây là các sản phẩm chủ lực, có lợi thế, tiềm năng phát triển của địa phương.

Bên cạnh đó, huyện cũng đang triển khai dự án Vùng trồng dược liệu quý, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Dự án sẽ bảo đảm đầu ra sản phẩm dược liệu sản xuất trong vùng và tăng thu nhập ổn định cho đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần giảm tỷ lệ nghèo; tăng thu nhập ngân sách địa phương; hình thành ý thức nuôi trồng dược liệu theo “chuỗi giá trị”, bảo đảm các quy trình và tiêu chuẩn quản lý chất lượng, ý thức bảo tồn nguồn gen dược liệu, bảo vệ và phát triển rừng, bảo đảm phát triển bền vững; tạo công ăn việc làm và có thu nhập ổn định cho lao động trực tiếp và nhiều lao động xã hội khác.

Đắk Nông phát huy tiềm năng lợi thế phát triển nông nghiệp ảnh 3

Chế biến sâu nông sản giúp gia tăng giá trị sản phẩm.

Thời gian tới, tỉnh Đắk Nông đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển ngành nông nghiệp theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của tỉnh Đắk Nông, bám sát các nghị quyết của Trung ương về phát triển nông nghiệp, ưu tiên phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để phát huy tiềm năng, lợi thế, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp sát với lợi thế từng địa phương để thu hút đầu tư, đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, xây dựng thương hiệu nông sản mới, quảng bá các thương hiệu hiện có ra thị trường nước ngoài; tạo điều kiện thuận lợi cho các trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước.

Cùng với đó, tập trung tuyên truyền, hướng dẫn sản xuất nông nghiệp áp dụng các tiêu chuẩn an toàn, chứng nhận chất lượng sản phẩm như GlobalGAP, VietGAP,… bảo đảm chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước, tạo đầu ra ổn định cho nông sản, chủ động hội nhập quốc tế.