Khám phá Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông
Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông nằm trong địa giới hành chính của 6 huyện, thành phố có diện tích 4.760km2, trong đó huyện Krông Nô được coi là vùng lõi. Huyện Krông Nô có 4 di tích lịch sử-văn hóa; 1 di tích khảo cổ và 1 di tích danh lam thắng cảnh, với 24 thành phần dân tộc đã góp phần hình thành nên một kho tàng di sản văn hoá hết sức độc đáo, đa dạng và phong phú tạo nhiều tiềm năng, lợi thế trong phát triển văn hóa, du lịch.
Với hệ thống hang động núi lửa thuộc Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, các thác nước, ao hồ rất đẹp cùng nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc là điều kiện thuận lợi để phát triển các sản phẩm du lịch; du lịch cảnh quan, mạo hiểm, khám phá, văn hóa, lịch sử và mô hình du lịch cộng đồng huyện Krông Nô với tuyến số 1 với tên gọi “Trường ca của lửa và nước” của vùng Công viên địa chất Đắk Nông.
Trong những năm qua, huyện đã chú trọng, quan tâm bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số gồm các di sản phi vật thể cấp quốc gia đã được công nhận như: Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; nghệ thuật trình diễn dân gian Nau M'pring của người M'nông; nghề thủ công truyền thống - nghề dệt của người M'nông; ngoài ra còn có Nghi lễ Cấp sắc của người Dao, Lễ hội Lồng tồng của người Tày, Nùng; nghệ thuật bài chòi...
Mặt khác, huyện Krông Nô cũng đã tổ chức và phục dựng một số lễ hội như: Lễ hội cầu mưa, cúng bến nước, Lễ hội Tâm N'Găp Bon, Lễ hội mừng lúa mới... nhằm tạo ra sự đa dạng về trải nghiệm, thu hút du khách đến thăm quan.
Nhiều du khách thích thưởng thức các tiết mục văn nghệ đậm bản sắc văn hóa Tây Nguyên. |
Các cơ sở lưu trú, các khu, điểm vui chơi và hạ tầng khác về du lịch đã được huyện quan tâm đầu tư cơ bản đồng bộ hơn, đáp ứng một phần nhu cầu của khách du lịch đến địa phương. Nhờ vậy lượng khách du lịch đến Krông Nô ngày càng tăng, bình quân có hơn 80.000 lượt khách/năm. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, các cơ sở lưu trú đón hơn 75.000 lượt khách đến lưu trú với 350 lượt khách quốc tế.
Tuy nhiên, công tác đầu tư vào cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch còn hạn chế, chưa xứng tầm với tiềm năng. Các dịch vụ, sản phẩm du lịch của huyện chưa được phát huy nhiều, dẫn đến thu hút khách du lịch từ nơi xa đến tham quan còn ít; ý thức của một bộ phận người dân về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, di tích, môi trường du lịch chưa cao.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nguyễn Xuân Danh cho biết, trong thời gian tới để thu hút thêm nhiều du khách, huyện tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa phù hợp điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, quản lý tốt các lĩnh vực như: di sản văn hóa, các dịch vụ văn hóa, bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu, phục vụ giáo dục truyền thống; gắn kết bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch. Cùng với đó, đẩy mạnh xã hội hóa huy động các nguồn đầu tư, tài trợ của các tổ chức xã hội cho xây dựng và phát triển văn hóa, con người và du lịch trên địa bàn huyện.
Thu hút du khách tham quan hồ Tà Đùng
Nằm về phía đông nam của tỉnh Đắk Nông, huyện Đắk Glong có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, đặc biệt sở hữu cảnh quan thiên nhiên hồ Tà Đùng. Vườn quốc gia Tà Đùng là một trong những khu rừng nguyên sinh lớn của Tây Nguyên nơi có nhiều loài động vật thực vật phong phú, có đến 1.406 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 760 chi và 190 họ của 6 ngành thực vật khác nhau và có 574 loài động vật thuộc 38 bộ và 129 họ khác nhau.
Ngoài ra, khu vực này có công trình hồ thủy điện Đồng Nai 3 (hồ Tà Đùng) có diện tích mặt nước thuộc địa giới hành chính tỉnh Đắk Nông khoảng 3.000ha với hơn 47 hòn đảo, bán đảo lớn nhỏ hình thành một cảnh quan thiên nhiên hữu tình, tạo ra sự hấp dẫn lớn cho du khách, được ví như Hạ Long thu nhỏ trên Tây Nguyên. Chính những điều kiện tự nhiên nổi bật đó cùng những tiềm năng, bản sắc văn hoá riêng biệt đã tạo nhiều thuận lợi trong phát triển du lịch, thu hút du khách.
Khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế du lịch góp phần phát triển bền vững. Huyện đã triển khai kế hoạch phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025; đầu tư cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật du lịch; các điểm đến gắn với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông như làng nghề đan lát M'nông, mỏ cao lanh và nguyên liệu nhôm để phục vụ kết hợp, kết nối phát triển du lịch Tà Đùng.
Nhiều giải pháp cũng đã và đang được triển khai tích cực như đẩy mạnh tuyên truyền các điểm di tích lịch sử, địa điểm du lịch trên địa bàn huyện trên các nhóm fanpage mạng xã hội nhằm quảng bá đến với đông đảo nhân dân và du khách; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch. Tăng cường kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch, lồng ghép các nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, các chương trình mục tiêu quốc gia... để kết hợp đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng cơ sở phục vụ du lịch.
Công tác cải cách hành chính được chú trọng góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch.
Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn theo hướng bền vững, trên cơ sở sử dụng hiệu quả, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các hoạt động nông nghiệp và môi trường sinh thái cảnh quan của khu vực nông thôn huyện Đắk Glong góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới bền vững. Phát huy vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng; thúc đẩy sự tham gia tích cực và chủ động của doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức kinh tế khác vào phát triển du lịch nông thôn thông qua các hình thức liên kết chuỗi giá trị du lịch hiệu quả.
Các phòng, ban chuyên môn hướng dẫn các xã thành lập các câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa truyền thống nhằm quản lý, hoạt động, phục vụ khách du lịch một cách có hiệu quả.
Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc. |
Huyện Đắk Glong có tiềm năng lớn để phát triển du lịch cộng đồng đến từ tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn phong phú. Mô hình du lịch bền vững này góp phần thúc đẩy xóa đói giảm nghèo, tạo sinh kế đồng thời khuyến khích vai trò của người dân bản địa trong việc hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng và bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống văn hóa cũng như các di sản thiên nhiên tại địa phương.
Để bảo tồn, gìn giữ những nét đẹp văn hóa với phát triển du lịch, nâng cao đời sống người dân, huyện Đắk Glong đã ban hành Nghị quyết về Phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2020-2025 trên địa bàn huyện. Huyện đang tập trung bảo tồn văn hóa các dân tộc: Mạ, M'nông, Mông và tiến hành tổ chức mở các lớp học tập, nghiên cứu, truyền dạy, tìm hiểu các giá trị về văn hóa, nghệ thuật dân tộc. Qua đó, góp phần bổ sung kiến thức, nâng cao trình độ, hiểu biết cho hạt nhân văn nghệ của các câu lạc bộ và người dân.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đắk Som Lê Văn Đại cho biết, xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số, mỗi dân tộc có nét văn hóa riêng, tạo nên chuỗi du lịch đa sắc màu, hấp dẫn du khách. Vườn quốc gia, hồ Tà Đùng, địa bàn xã cũng có lợi thế về phát triển du lịch sinh thái; du lịch cộng đồng, các dịch vụ nghỉ dưỡng góp phần tạo việc làm, giảm nghèo cho người dân địa phương. Cùng với văn hóa Tây Nguyên, du khách đến địa bàn còn được thưởng thức những điệu múa cổ truyền do các đội văn nghệ người Mông trình diễn, ẩm thực, các sản phẩm, trang phục dân tộc Mông…Tuy nhiên, lượng khách du lịch đến tham quan hồ Tà Đùng có xu hướng giảm, chủ yếu là khách trong tỉnh đi xe máy tham quan chụp ảnh, rất ít khách ngoại tỉnh. Do đó, cần tiếp tục có những giải pháp hữu hiệu để thu hút đông du khách đến khám phá cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp này.