Đắk Nông khuyến cáo người dân không mở rộng diện tích sầu riêng

NDO - Mặc dù thu nhập từ sản xuất sầu riêng hiện nay ở mức cao, tuy nhiên, ngành nông nghiệp Đắk Nông khuyến cáo người dân không nên mở rộng diện tích cây trồng này một cách ồ ạt, trên những vùng đất không phù hợp.
0:00 / 0:00
0:00
Đắk Nông khuyến cáo người dân không mở rộng diện tích sầu riêng.
Đắk Nông khuyến cáo người dân không mở rộng diện tích sầu riêng.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông Phạm Tuấn Anh, toàn tỉnh hiện có 36 mã số vùng trồng sầu riêng với 851ha, sản lượng năm 2024 ước đạt 14.868 tấn. Tỉnh có 10 mã cơ sở đóng gói đáp ứng yêu cầu xuất khẩu chính ngạch đến các thị trường lớn, chủ yếu là Trung Quốc. Lợi nhuận thu được từ cây sầu riêng hiện nay là khá lớn. Riêng năm 2024, Đắk Nông có 11.654ha sầu riêng, sản lượng ước đạt 41.500 tấn, tăng 3.839 tấn so với năm 2023. Với giá bán từ 60.000-90.000 đồng/1kg tổng thu nhập từ sầu riêng đạt khoảng 2.490 tỷ đồng.

Mặc dù thu nhập từ sản xuất sầu riêng hiện nay ở mức cao, tuy nhiên, ngành nông nghiệp Đắk Nông khuyến cáo người dân không nên mở rộng diện tích cây trồng này một cách ồ ạt, trên những vùng đất không phù hợp. Người dân cần chú trọng áp dụng quy trình canh tác khoa học, nâng cao chất lượng sản phẩm sầu riêng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông Phạm Tuấn Anh đánh giá, hiện nay diện tích, sản lượng sầu riêng đã cơ bản cân bằng với nhu cầu thị trường. Tỉnh cũng đã định hướng tập trung sản xuất sầu riêng theo hướng chất lượng cao thay vì mở rộng diện tích. Do đó, người dân tự phát mở rộng diện tích sầu riêng sẽ có nguy cơ gặp rủi ro về thị trường tiêu thụ.

Mặt khác, những người chuyển đổi sang trồng sầu riêng chủ yếu đều chưa có kinh nghiệm, kiến thức, nên đối mặt với nhiều rủi ro; nhiều nông hộ trồng sầu riêng ở vùng không phù hợp; lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật làm ảnh hưởng môi trường đất, chưa bảo đảm chất lượng của sản phẩm; giống cây trôi nổi, không rõ nguồn gốc dễ xảy ra dịch bệnh, khó đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Cùng với đó, quy định đối với sầu riêng từ thị trường nước ngoài rất nghiêm ngặt về đối tượng kiểm dịch thực vật và dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật trong sản phẩm; liên quan chất lượng an toàn thực phẩm, người sản xuất phải áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác hữu cơ, sinh học; quản lý phòng trừ, kiểm soát sinh vật gây hại bằng các biện pháp tổng hợp ngay từ đầu vụ và trong quá trình chăm sóc, thu hoạch, bảo quản. Để bảo đảm tuân thủ các quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của Việt Nam và nước nhập khẩu, vùng trồng phải áp dụng chung một quy trình chăm sóc và quản lý sinh vật gây hại…