Phần lớn học viên sau đào tạo có việc làm ổn định, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, từng bước nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương ngày càng phát triển.
Đăk Glong là huyện 30a (1 trong 61 huyện nghèo của cả nước), đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp đơn thuần.
Từ thực tiễn của địa phương, Đăk G’long xác định giải pháp xóa đói, giảm nghèo, phát triển nhanh và bền vững vùng nông thôn của huyện là đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề, đa dạng hóa các ngành nghề cho lao động nông thôn, nhất là vùng dân tộc thiểu số. Đồng thời, địa phương chỉ đạo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) mở nhiều lớp dạy nghề cho lao động nông thôn gắn với nhu cầu thực tiễn, các lớp học thu hút được đông đảo học viên tham gia.
Gia đình chị Đàm Thúy Kiều, xã Quảng Hòa có 1 ha đất trồng cà-phê và 7 sào đất trồng dâu nuôi tằm. Do chưa có kinh nghiệm, sản xuất theo cách truyền thống cho nên hiệu quả kinh tế thấp, gia đình luôn gặp khó khăn. Chị Kiều mạnh dạn đăng ký tham gia lớp học nghề sơ cấp kỹ thuật trồng trọt và bảo vệ thực vật tại địa phương, nhằm nâng cao kiến thức trồng trọt, chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình.
Quá trình học, chị được truyền thụ nhiều kiến thức bổ ích trong sản xuất, chăn nuôi, quản lý vốn, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật an toàn… Chị và các học viên còn được giới thiệu các mô hình kinh tế đạt hiệu quả trong và ngoài tỉnh, được tham quan thực tế trải nghiệm mô hình.
Chị Kiều cho biết, khi đem kiến thức áp dụng lên mô hình kinh tế gia đình thì hiệu quả cao hơn hẳn, thậm chí gấp nhiều lần so với trước. Sản lượng 1 ha cà-phê trước đây chỉ đạt khoảng 1,7 tấn nhân thì nay tăng lên khoảng 2,1 tấn nhân, chưa kể các chi phí cho phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đều giảm, nhất là giải pháp canh tác sinh thái đã đem lại cho gia đình môi trường sống tốt hơn, sức khỏe được bảo đảm hơn…
Trong năm 2022 và 2023, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Đăk Glong đã mở 25 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, trong đó có cả nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp với hàng nghìn học viên tham gia. Năm 2024, huyện sẽ mở khoảng 12 lớp dạy nghề với đa dạng các loại hình đào tạo, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân trên toàn huyện.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đăk Glong Đoàn Văn Phương cho biết, đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập và giúp chuyển dịch cơ cấu lao động, tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững. Các lớp học góp phần bảo tồn, phát huy các nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch nông thôn. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn hiện còn nhiều khó khăn.
Đến nay, huyện chưa được đầu tư xây dựng Trung tâm GDNN-GDTX. Đội ngũ giáo viên cơ hữu còn thiếu. Kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề chủ yếu từ nguồn Chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và Chương trình xây dựng nông thôn mới, cho nên số lượng các lớp học chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Thời gian tới, huyện đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm kịp thời cung ứng nguồn lao động có tay nghề phục vụ các ngành, lĩnh vực trụ cột, đột phá để phát triển kinh tế-xã hội của địa phương…
Huyện Đăk Mil được xem là thủ phủ của cây sầu riêng, với tổng diện tích khoảng 1.700 ha. Nhằm giúp người dân canh tác sầu riêng hiệu quả, địa phương mở nhiều lớp dạy kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sầu riêng. Mỗi lớp học có thời gian khoảng ba tháng, các học viên sẽ được hướng dẫn kỹ thuật chọn cây giống, trồng, bón phân, phòng trừ sâu bệnh và chăm sóc vườn cây tương ứng với từng giai đoạn sinh trưởng khác nhau.
Gia đình chị Hoàng Thị Bình, xã Đăk N’Drót có 50 cây sầu riêng trồng xen canh trong 1 ha cà-phê. Mặc dù được bón phân đầy đủ, chăm sóc cẩn thận nhưng tỷ lệ sầu riêng đậu trái rất thấp, thường bị rụng trái non hoặc bị sượng cơm cho nên sản lượng thu hoạch không cao, bị thương lái ép giá. Khi biết huyện Đăk Mil tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất sầu riêng cho người dân trên địa bàn, chị đã đăng ký tham gia.
Tại lớp tập huấn, chị Bình được hướng dẫn cách bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, nhất là kỹ thuật xử lý cho hoa sầu riêng đậu trái, tránh rụng trái non, chống sượng cơm sầu riêng. Chị Bình cho biết, gia đình trồng sầu riêng đã nhiều năm, nhưng do trồng theo cách truyền thống, không biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong khâu xử lý tương ứng với các giai đoạn sinh trưởng, thụ phấn hoa và thu hoạch cho nên sản lượng đạt thấp, chất lượng trái không bảo đảm.
Sau khi được tập huấn, áp dụng kiến thức mới trong quá trình sản xuất, tỷ lệ trái sầu riêng đậu rất cao, không còn tình trạng rụng trái non, trái sầu riêng chín không còn bị sượng…Vì thế, hằng năm thương lái đều đến nhà đặt cọc ngay từ giữa vụ, không còn bị ép giá như trước.
Cùng với đào tạo nghề trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, Đắk Nông còn chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở lĩnh vực phi nông nghiệp như: Kỹ thuật hàn, sửa chữa máy nông nghiệp, trang điểm, tin học, dệt thổ cẩm, kỹ năng giao tiếp du lịch và phục vụ buồng phòng, điện dân dụng, xoa bóp bấm huyệt… với hàng nghìn học viên theo học mỗi năm.
Theo đánh giá, các ngành nghề được tổ chức đào tạo đa dạng, phong phú, giúp cho đối tượng được hỗ trợ đào tạo lựa chọn nghề phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, nhu cầu của bản thân, gắn liền với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.
Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH) tỉnh Đắk Nông, năm 2023, toàn tỉnh có 7/8 huyện, thành phố đã ban hành kế hoạch hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp và đào tạo dưới ba tháng. Kết quả, toàn tỉnh đã tổ chức 82 lớp với chín đơn vị tham gia đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới ba tháng cho 2.490 đối tượng, với tổng kinh phí hơn 13 tỷ đồng.
Các lớp đào tạo góp phần nâng cao trình độ nguồn nhân lực, giúp người dân dễ dàng tìm kiếm việc làm hoặc tự phát triển sản xuất, kinh doanh, gia tăng hiệu quả kinh tế cho bản thân, gia đình. Ở nhiều địa phương, đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã làm thay đổi nhận thức, phương thức sản xuất, góp phần giảm nghèo hiệu quả.
Thời gian qua, nhiều chính sách được ban hành đã tạo sức hút trong tuyển sinh. Trong số này có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và đào tạo dưới ba tháng đối với người dân tộc thiểu số, người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo sinh sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Bên cạnh đó, để nắm bắt nhu cầu thực tế, xây dựng phương án mở lớp học, các ngành, địa phương tổ chức điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động. Trên cơ sở kết quả rà soát, cơ quan chức năng sẽ xây dựng kế hoạch đào tạo sát với tình hình thực tế và nhu cầu đào tạo nghề, tránh tình trạng đào tạo tràn lan không có định hướng.
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB và XH tỉnh Đắk Nông Hoàng Viết Nam cho biết, chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ngày càng được nâng cao. Người học nghề đã tiếp cận, áp dụng những kiến thức khoa học kỹ thuật mới, tiên tiến vào quá trình sản xuất. Công tác dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh được gắn kết chặt chẽ giữa khâu sản xuất với khâu tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế trên địa bàn tỉnh.
Theo kế hoạch, năm 2024, tỉnh Đắk Nông sẽ tổ chức đào tạo nghề cho khoảng 4.000 người, trong đó trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên dưới ba tháng là hơn 2.600 người. Chương trình đào tạo nghề sẽ gắn với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, mục tiêu phát triển các ngành, nghề chủ lực của địa phương và cung ứng nguồn nhân lực theo nhu cầu thị trường.