Theo thống kê sơ bộ, tính đến chiều ngày 2/8, mưa lũ đã làm chết 1 người tại xã Nam Bình, huyện Đắk Song (do nước cuốn trôi); làm ngập, ảnh hưởng 159 căn nhà, 9 phòng trọ; ngập úng khoảng 360ha cây trồng các loại; 150,5ha ao nuôi thủy sản của người dân bị ngập, tràn bờ; các địa phương đã phải thực hiện di dời 79 hộ dân đến nơi an toàn. Ước tính thiệt hại về cây trồng, vật nuôi hơn 50 tỷ đồng. Ngoài ra, mưa lũ cũng đã làm hư hỏng nhiều công trình giao thông và cơ sở hạ tầng trên địa bàn.
Hiện trường nứt gãy địa chất chưa rõ nguyên nhân tại hai bon Bu Krắc và Bu Prăng 1A, xã Quảng Trực, huyện biên giới Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông. |
Tại thành phố Gia Nghĩa, lượng mưa trong những ngày qua được đánh giá là lập lại đỉnh cách đây 28 năm về trước.
Ngoài việc làm ngập nhà cửa, cây trồng và diện tích ao nuôi thủy sản, tình trạng mưa nhiều, có cường độ cao đã làm ảnh hưởng kết cấu cấu hạ tầng giao thông. Đặc biệt là xuất hiện vết nứt đường, lún đất tại Km 1900+350 đường Hồ Chí Minh, thuộc tổ dân phố 9, phường Nghĩa Thành, độ rộng vết nứt từ 20-40cm; nhà của một số hộ dân sinh sống chung quanh cũng có hiện tượng nứt tường, lún đất, có nguy cơ cao sạt lở rất cao. Thành phố đã huy động lực lượng hỗ trợ di dời người, tài sản của 16 hộ dân có nguy cơ bị ảnh hưởng đến nơi an toàn.
Sụt lún đường Hồ Chí Minh đoạn qua thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông đang diễn biến phức tạp, vết nứt lan rộng, phạm vi ảnh hưởng lớn hơn nhiều so với lúc xảy ra ngày 2/8. |
Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Gia Nghĩa Đỗ Tấn Sương cho biết, vết nứt nói trên mặc dù đã được trám trong ngày 2/8 nhưng sáng 3/8 tiếp tục nứt lại, vết nứt cũng rộng và diễn biến phức tạp hơn. Hiện thành phố chủ động cho rà soát tiếp các hộ lân cận vùng ảnh hưởng. Qua thống kê có 68 hộ nằm trong vùng nguy hiểm phải theo dõi thường xuyên, nếu các vết nứt, sụt lún tiếp tục diễn biến phức tạp sẽ di chuyển ngay số hộ trên ra vùng an toàn.
Một vụ sạt lở đất kết hợp nước ngầm xuyên bên trong đất tràn ra ngoài tại thôn 1, xã Đắk Búk So huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông vẫn chưa được khắc phục. |
Tại huyện Đắk Song, ngoài xảy ra hiện tượng nứt gãy đất ở khu vực xã trường Xuân, tối 2/8 phát hiện thêm 2 điểm sạt lở ở Nam Bình và Nâm N’Jang.
Trên địa bàn huyện Tuy Đức có 4 tuyến đường bị sạt lở, không thể lưu thông. Cách khu vực sạt lở thôn 1, xã Đắk Búk So khoảng 150m đã xảy ra hiện tượng nứt đất, nguy cơ sạt lở đất rất cao. Vết nứt gãy địa chất tại bon Bu Krắc, xã Quảng Trực xảy ra ngày 31/7 và 1/8 hiện tiếp tục mở rộng và kéo dài...
Các huyện, thành phố đề nghị các cơ quan, đơn vị chức năng của tỉnh Đắk Nông sớm khảo sát, đánh giá những khu vực có nguy cơ sạt lở để có giải pháp ứng phó kịp thời.
Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Đắk Nông Nguyễn Nhân Bản, tính đến chiều ngày 2/8, mưa lũ đã làm ảnh hưởng 23 công trình giao thông. Tuy nhiên, nhờ khắc phục kịp thời nên tránh được tình trạng ách tắc giao thông. Trước mắt, các đơn vị, địa phương cần tăng cường tuần tra, kiểm tra, khảo sát các vị trí xung yếu có nguy cơ sạt lở, ngập úng, chủ động chuẩn bị phương án ứng phó. Về lâu dài, kiến nghị nhà đầu tư mời các chuyên gia tư vấn khảo sát đánh giá và có giải pháp, bảo đảm ổn định của các hộ dân trong vùng ảnh hưởng.
Cũng theo ông Bản, để chủ động trong công tác phòng chống thiên tai, tỉnh Đắk Nông chỉ đạo Sở Tài chính Đắk Nông kịp thời bố trí kinh phí để không bị động khi có tình huống cấp bách xảy ra.
Lũ lụt, sạt lở làm thiệt hại về người và tài sản, Đắk Nông đã tổ chức họp trực tuyến 3 cấp để chủ động tìm giải pháp ứng phó và khắc phục hậu quả. |
Theo dự báo Đài Khí tượng thủy văn Đắk Nông, trong tháng 8 sẽ có 1 đến 2 đợt mưa lớn diện rộng, đợt 1 từ ngày 10-12/8 và đợt 2 sau 20/8.
Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, đơn vị tiếp tục triển khai tổ chức trực ban 24/24 giờ để theo dõi tình hình diễn biến thời tiết để kịp thời chỉ đạo, chỉ huy ứng phó; chủ động phương án sẵn sàng bảo đảm an toàn phòng, chống thiên tai theo phương châm 4 tại chỗ, không để bị động bất ngờ trong các tình huống; tổ chức kiểm tra, thống kê, đánh giá thiệt hại, do thiên tai gây ra, hỗ trợ kịp thời; tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền về tình hình mưa lũ, các điểm có nguy cơ sạt lở đất… để người dân nắm bắt, chủ động ứng phó nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai.