Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng 27/5, các đại biểu đã thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Đề xuất tăng số lần được nghỉ khám thai cho lao động nữ
Nêu quan điểm tại phiên thảo luận, đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Đoàn tỉnh Hậu Giang) đề nghị quy định thêm thời gian nghỉ chăm sóc con ốm đau, với trường hợp con dưới 16 tuổi hoặc quy định người lao động được hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 44 và khoản 2 Điều 44 Luật này.
Tại khoản 1 Điều 53, đại biểu đề nghị nghiên cứu tăng số lần đi khám thai tối thiểu là 5 lần. Số lần có thể nhiều hơn 5 lần đối với trường hợp có chỉ định của người hành nghề trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Đoàn tỉnh Bến Tre) đề nghị cần nên xem xét, quy định lựa chọn có thể nghỉ tối đa 5 lần, mỗi lần không quá 2 ngày hoặc tăng số lần khám thai lên 9 - 10 lần trong thai kỳ để đảm bảo cho lao động nữ được theo dõi đầy đủ sức khỏe cho thai nhi phát triển tốt. (ẢNH: DUY LINH) |
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Đoàn tỉnh Bến Tre) cho biết, qua tiếp xúc cử tri và công nhân… trong các doanh nghiệp, nhiều lao động nữ mang thai đi khám thai định kỳ bác sĩ thường chỉ định khám lại sau 30 ngày.
“Tuy nhiên theo quy định hiện hành và dự thảo Luật quy định cho lao động nữ chỉ được nghỉ việc đi khám thai tối đa 5 lần. Nếu thai phát triển trong điều kiện bình thường, còn nếu thai phát triển không bình thường thì bác sĩ chỉ định sau 1 tuần, 10 ngày, 15 ngày,... phải đi tái khám để bác sĩ theo dõi”, đại biểu nói.
Trong khi đó, dự thảo luật và luật hiện hành chỉ được nghỉ không quá 5 lần là quá thấp với những trường hợp thai không phát triển bình thường. Do đó, đại biểu đề nghị cần nên xem xét, quy định lựa chọn có thể nghỉ tối đa 5 lần, mỗi lần không quá 2 ngày hoặc tăng số lần khám thai lên 9 - 10 lần trong thai kỳ để đảm bảo cho lao động nữ được theo dõi đầy đủ sức khỏe cho thai nhi phát triển tốt.
Đại biểu Nguyễn Tri Thức (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, Điều 53, đối với việc khám thai, nên chia ra thành 2 nhóm là thai bình thường và thai bệnh lý. Đối với thai bệnh lý, đại biểu cho rằng nên để bác sỹ điều trị quyết định số ngày khám.
Đại biểu Nguyễn Tri Thức trình bày quan điểm tại phiên thảo luận. (Ảnh: DUY LINH) |
Cùng quan tâm tới vấn đề nêu trên, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn tỉnh Hải Dương) thông tin, thông qua quá trình tiếp xúc cử tri, đa phần công nhân lao động đều đề nghị tăng số lần nghỉ khám thai. Theo đại biểu, việc quy định này cần căn cứ vào những yêu cầu về chăm sóc và thăm khám sức khỏe thai kỳ theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Hiện nay, theo khuyến cáo thông thường, trong thai kỳ người phụ nữ cần đi khám thai ít nhất là 8 lần vào mốc thời gian nhất định.
Vì vậy, đại biểu đề nghị với nội dung này cần tham khảo thêm ý kiến chuyên gia quy định về số lần được nghỉ khám thai của lao động nữ và cần phải đảm bảo ít nhất số lần tối thiểu phải khám thai theo khuyến cáo của y tế. Điều này vừa mang tính nhân văn và vừa đáp ứng được đông đảo nguyện vọng của cử tri.
Cần bổ sung chính sách khuyến khích người muốn sinh con, tăng quyền lợi cho người lao động
Quang cảnh phiên thảo luận sáng 27/5. (Ảnh: DUY LINH) |
Trong khi đó, đại biểu Trần Kim Yến (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) đề xuất bổ sung các chính sách khuyến khích những người muốn sinh con, bởi Việt Nam đang có tốc độ già hóa dân số nhanh.
“Theo báo cáo của Tổng Cục Thống kê, tỷ suất sinh của Việt Nam đang có xu hướng giảm trong những năm gần đây và được dự báo là sẽ tiếp tục giảm. Ngoài ra, theo số liệu gần nhất của Tổng Cục Thống kê, tỷ lệ người độc thân tại Việt Nam đang có xu hướng tăng nhanh từ 6,23% năm 2004 đến hơn 10% năm 2019. Trong vòng 15 năm, tỷ lệ người chọn không kết hôn đã tăng gấp đôi”, đại biểu thông tin.
Căn cứ vào dữ liệu này, đại biểu đề nghị bổ sung chính sách khuyến khích những người muốn sinh con, tức là bổ sung vào nghỉ hưởng chế độ Bảo hiểm xã hội khi đi khám và điều trị hiếm muộn…
Đại biểu Trần Kim Yến đề xuất cần bổ sung chính sách khuyến khích người muốn sinh con. (Ảnh: DUY LINH) |
Đại biểu Hà Hồng Hạnh (Đoàn tỉnh Khánh Hòa) góp ý: Về thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau tại Điều 45 dự thảo Luật, Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu có chính sách quy định thời gian hưởng chế độ cho người lao động chăm sóc con ốm đau ở độ tuổi độ tuổi từ 7 đến dưới 16 tuổi.
Liên quan đến quyền lợi người lao động, đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn tỉnh Thái Bình) đề xuất, thời gian tới, cần có định hướng truyền thông tham gia Bảo hiểm xã hội để hướng đến có chế độ an sinh bền vững cho người lao động khi ốm đau, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, Bảo hiểm y tế, lương hưu khi về già. Việc khuyến khích tham gia và không hưởng Bảo hiểm xã hội một lần còn phụ thuộc vào tình hình phát triển kinh tế-xã hội, lao động-việc làm. Đồng thời cần nghiên cứu để có chính sách hỗ trợ tín dụng với lãi suất ưu đãi với người lao động mất việc làm, bệnh tật, ... để vượt qua khó khăn trước mắt.
Góp ý thêm Điều 47 trong dự thảo Luật về dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau, đại biểu Nguyễn Tri Thức (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng vẫn có những từ ngữ vẫn chưa rõ ràng như: nghỉ 10 ngày đối với người lao động sức khỏe chưa hồi phục, 7 ngày đối với người lao động chưa hồi phục sau thời gian phẫu thuật,… Đại biểu đánh giá quy định này vẫn còn mơ hồ, nên để cho các nhà chuyên môn có quyết định theo từng trường hợp cụ thể. Ông Thức cũng đề nghị xem xét bỏ quy định về đối tượng được rút Bảo hiểm xã hội một lần là người đang mắc một trong những bệnh: ung thư, bại liệt, xơ gan cổ trướng, lao nặng, AIDS. Theo đại biểu, một số bệnh nếu được phát hiện và điều trị sớm, người lao động hoàn toàn có thể điều trị được dứt điểm và có thể quay lại làm việc bình thường.“Đối với từng trường hợp cụ thể nên xác định khả năng lao động dựa trên quyết định của Hội đồng giám định y khoa”, ông Thức nói.
Trước đó, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết: Về thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khi khám thai (Điều 53), có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định tại khoản 1 về số lượng 5 lần, nên theo nguyên tắc đóng - hưởng và chỉ định của bác sĩ. Có ý kiến đề nghị tăng thời gian khám thai quy định tại khoản 1 từ 5 lần lên 8 lần.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, quy định này kế thừa quy định của Luật hiện hành (tối đa 5 lần), tuy nhiên, dự thảo Luật đã bổ sung quy định thời gian khám thai "mỗi lần từ 1 đến 2 ngày theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh", tức là tối đa được nghỉ đi khám thai 10 ngày, nhằm bảo đảm tốt hơn quyền lợi cho người lao động và bảo đảm hài hòa, không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sử dụng lao động, đặc biệt đối với những đơn vị sử dụng lao động có số lượng lớn lao động nữ.