Cân nhắc phương án bảo hiểm xã hội một lần

Hưởng bảo hiểm xã hội một lần là vấn đề khó, phức tạp. Vì vậy, dù đã được góp ý, tiếp thu và chỉnh lý, song hai phương án về rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần trong dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lấy ý kiến mới nhất đều chưa nhận được sự đồng thuận hoàn toàn của các đại biểu.
0:00 / 0:00
0:00
Người lao động chờ làm thủ tục bảo hiểm xã hội. Ảnh: BẮC SƠN
Người lao động chờ làm thủ tục bảo hiểm xã hội. Ảnh: BẮC SƠN

Vẫn còn những băn khoăn

Sau khi tiếp thu và chỉnh lý, tại hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách vừa qua, Thường trực Ủy ban Xã hội tiếp tục đề xuất hai phương án rút BHXH một lần trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đối với những người chưa đủ tuổi hưởng lương hưu, không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và có yêu cầu nhận một lần.

Phương án 1: Chia làm hai nhóm, gồm: Nhóm 1: Tiếp tục được áp dụng hưởng BHXH một lần như quy định tại Nghị quyết 93 của QH. Cụ thể, người lao động tham gia BHXH trước khi luật có hiệu lực (dự kiến 1/7/2025), sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm. Thời gian đóng bảo hiểm còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ của bảo hiểm. Nhóm 2: người lao động tham gia BHXH từ ngày luật có hiệu lực trở đi không được áp dụng quy định này.

Phương án 2: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm bắt buộc, không tham gia bảo hiểm tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần, nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ của bảo hiểm.

Dù ủng hộ với phương án 1, bà Lý Tiết Hạnh, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bình Định cho rằng khi xem xét các trường hợp rút BHXH một lần, cần quy trình đánh giá thêm việc rút BHXH một lần theo phương án này đã thật sự đáp ứng nhu cầu tài chính trước mắt của người lao động chưa, tức là chúng ta có sự kiểm soát. Trường hợp bất khả kháng không thể khác, Nhà nước phải tính toán phương án để hỗ trợ cho người lao động, như chính sách về tín dụng cho người lao động, để họ không phải rút BHXH một lần. “Tôi mong muốn người lao động có thêm cơ hội cân nhắc có nên rút BHXH một lần hay không?”, bà Hạnh nêu rõ.

Ngược lại, đồng tình với phương án 2, ông Nguyễn Đại Thắng, ĐBQH tỉnh Hưng Yên lại đề nghị bỏ điều kiện “sau 12 tháng” và giảm thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm xuống còn 15 năm. Bởi, việc đưa ra thời hạn 12 tháng gây khó khăn cho người lao động khi cần tiền trang trải nhu cầu cấp bách trước mắt, đồng thời khiến cơ quan BHXH gặp khó khăn trong việc quản lý, kiểm soát.

Cùng chung quan điểm với ĐBQH tỉnh Hưng Yên, bà Trần Thị Hoa Ry, ĐBQH tỉnh Bạc Liêu cũng không đồng tình với phương án 1 do sẽ tạo “lát cắt” giữa người tham gia BHXH trước và sau khi luật có hiệu lực. Hiện có khoảng 17 triệu người, tức khoảng 38% số lao động có thời gian đóng BHXH dưới 20 năm. Chúng ta không có gì bảo đảm rằng đối tượng này sẽ không tiếp tục rút BHXH một lần. Còn người bắt đầu tham gia BHXH từ sau ngày 1/7/2025 lại không được rút một lần.

“Rút BHXH một lần nhiều nhất là giai đoạn dịch Covid-19, để giải quyết vấn đề cuộc sống trước mắt. Nếu đây là nguyên nhân chính, cần giữ chân người lao động và cho rút 50%. Đồng thời, hỗ trợ cho vay thông qua ngân hàng chính sách để giúp họ vừa có điều kiện tham gia BHXH, vừa giải quyết được khó khăn về kinh tế”, bà Ry nêu rõ.

Làm rõ ưu, nhược điểm của từng phương án

Qua thảo luận, Thường trực Ủy ban Xã hội cho biết, đa số ý kiến ủng hộ phương án 1 của Chính phủ đề xuất. Song đề nghị Chính phủ làm rõ hơn nữa ưu điểm, nhược điểm của từng phương án, dự báo tác động tới một bộ phận người lao động và những phát sinh khi luật có hiệu lực thi hành. Đối với phương án 1 cần xác định rõ hơn về điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần gắn với nỗ lực tìm kiếm việc làm của người lao động và kết quả giới thiệu việc làm của các trung tâm dịch vụ việc làm. Đồng thời, nghiên cứu quy định chặt chẽ hơn, theo hướng có thể giảm quyền lợi nếu hưởng BHXH một lần.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần sớm báo cáo Ủy ban Thường vụ QH đề án tổng thể về hỗ trợ người lao động gặp khó khăn phát sinh do thất nghiệp, mất việc làm, bệnh tật... thông qua các chính sách tín dụng xã hội, hỗ trợ tạo việc làm và các chính sách khác giúp người lao động có thể vượt qua khó khăn; Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về vấn đề hưởng bảo hiểm xã hội một lần, an sinh xã hội lâu dài và khi gặp rủi ro...

“Ủy ban Thường vụ QH đề nghị đại biểu QH cho ý kiến và cho phép lấy ý kiến đại biểu QH bằng phiếu về quy định này nhằm bảo đảm dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể của đại biểu QH và bảo đảm thận trọng, trách nhiệm trong xử lý vấn đề hưởng BHXH một lần. Đây là vấn đề liên quan đến quyền lợi và đang “trở thành thói quen” mặc nhiên của khá nhiều người lao động, người tham gia bảo hiểm xã hội”, Thường trực Ủy ban Xã hội nêu rõ.

Thấy còn nhiều ý kiến khác nhau và Chính phủ cũng chưa chọn phương án nào chính thức để bảo đảm trình tại kỳ họp, bà Ma Thị Thúy, ĐBQH tỉnh Tuyên Quang đề nghị QH, Chính phủ cân nhắc thông qua dự luật này sau khi cải cách chính sách tiền lương. Bởi, cải cách tiền lương là một chính sách lớn, khó, phức tạp, tác động mạnh đến nhiều lĩnh vực, nhóm hoạt động khác nhau trên toàn xã hội. Cần có thời gian triển khai cải cách tiền lương để điều chỉnh, xử lý các vấn đề phát sinh nếu có cho phù hợp với thực tiễn. Khi chính sách ổn định mới có cơ sở quy định các chính sách BHXH cũng được sửa đổi theo cải cách tiền lương.

“Cần cân nhắc thời điểm thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trước hay sau cải cách tiền lương cho phù hợp, khả thi, tránh vừa thông qua lại phải rà soát, sửa đổi ngay. Vì vậy, dự luật có thể thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024), thay vì tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024)”, bà Thúy đề nghị.