Sáng 1/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022 và những tháng đầu năm 2023.
Đề xuất xử lý hình sự việc mua bán, lưu thông thuốc lá điện tử
Phát biểu ở hội trường, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) đánh giá, tình hình kinh tế trong 4 tháng đầu năm nay gặp nhiều khó khăn, đặt ra không ít thách thức cho việc hoàn thành các chỉ tiêu Quốc hội đề ra.
Tuy nhiên, trong bối cảnh ấy, tình hình quốc phòng và an ninh vẫn duy trì ổn định trong một thế giới bất ổn, khó lường, đứt gãy; nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự điều hành của Chính phủ.
Đại biểu cho rằng, đây sẽ là các yếu tố giúp đất nước có thể đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội trong năm nay.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí bày tỏ mong muốn tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ có được các kết luận giúp giải quyết dứt điểm những tình trạng mà đại biểu Quốc hội đã nêu như: chậm giải ngân vốn đầu tư công, tình trạng lãi suất tiền vay quá cao, kéo dài gây khó khăn cho doanh nghiệp trong tiếp cận vốn…
Đại biểu Quốc hội nêu những con số đáng báo động về sử dụng thuốc lá ở Việt Nam
Đồng tình với giải trình của Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trong phiên họp chiều qua về các quy định phòng cháy, chữa cháy, đại biểu Nguyễn Anh Trí hy vọng nghị quyết mới của Chính phủ ra đời trong thời gian tới sẽ có hướng dẫn phòng cháy bằng các biện pháp khả thi và hữu hiệu hơn.
Bên cạnh vấn đề phòng cháy, chữa cháy, đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng đề nghị cần chú trọng đến công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết phải chấm dứt việc lưu hành thuốc lá điện tử tại Việt Nam.
Theo đại biểu, các loại thuốc lá thế hệ mới như thuốc lá điện tử, nung nóng, shisha đã xuất hiện tại Việt Nam gây tác hại rất nghiêm trọng đối với sức khỏe con người, liên quan đến bệnh tật và nghiện ngập ma túy. Tuy nhiên, đến nay, hầu như chưa có động thái nào để giải quyết tác hại của các loại thuốc lá này.
Các đại biểu dự phiên họp. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
Đại biểu đoàn Hà Nội đề nghị Quốc hội cho sửa Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá như đại biểu Thái Thị An Chung (đoàn Nghệ An) đã phát biểu, hoặc có 1 văn bản quy phạm pháp luật khác để chấm dứt ngay việc mua bán, lưu thông, sử dụng thuốc lá điện tử tại Việt Nam.
“Thuốc lá điện tử là độc hại, là thứ giết người, cho nên các hành vi vi phạm đều phải bị xử phạt hình sự”, đại biểu nhấn mạnh.
Góp ý kiến về đường sắt Việt Nam, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, qua hơn 100 năm, hệ thống đường sắt trong nước đã trở nên lạc hậu mặc dù cũng trải qua nhiều lần sửa chữa. Mấy năm gần đây có khá hơn nhưng vẫn kém nhiều so với một số nước.
Vì lý do đó, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm và có những quyết định thực chất để nâng cấp, đổi mới hệ thống đường sắt nhằm hoàn thiện một hệ thống giao thông nòng cốt cho quốc gia, giúp tăng cường kết nối, giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới với gần 1,5 tỷ dân, cũng như cả vùng Đông Nam Á năng động.
Lưu tâm vấn đề con người trong sai phạm về phòng cháy, chữa cháy
Vấn đề về quy chuẩn phòng cháy, chữa cháy tiếp tục nhận sự quan tâm, góp ý kiến của nhiều đại biểu trong phiên thảo luận ở hội trường sáng nay.
Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý (đoàn Đồng Nai) đề nghị Chính phủ quan tâm đến những quy định mới về phòng cháy, chữa cháy, vì các quy định hiện nay đang gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tuân thủ.
Đại biểu cho rằng cần tính toán để không làm phát sinh thêm chi phí cho doanh nghiệp, đồng thời cần quy định cụ thể những ngành, nghề nào cần thiết phải có quy định chặt chẽ về phòng cháy, chữa cháy...
Đề xuất một số giải pháp, đại biểu Nguyễn Thị Như Ý kiến nghị cần xem xét thời gian áp dụng quy chuẩn phòng cháy, chữa cháy mới cho phù hợp, có lộ trình, từng bước để xã hội thích ứng; không nên quy định áp dụng ngay khi các điều kiện chưa được sẵn sàng.
Bên cạnh đó, khi điều chỉnh quy định cần tính đến tính khả thi, chi phí tuân thủ của người dân và doanh nghiệp. “Nếu đặt ra quy định cao quá mức, đôi khi chi phí tuân thủ còn lớn hơn lợi ích thu được từ việc giảm cháy nổ”, đại biểu nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý tham gia ý kiến thảo luận. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
Đặc biệt, đại biểu nhấn mạnh cần phân loại ngành, nghề để áp dụng quy chuẩn; ngành, nghề nào nguy cơ cháy cao thì phải quy định đầu tư phòng cháy, chữa cháy thật tốt; ngành, nghề nào khó cháy, thậm chí là không thể tránh thì không nên bắt buộc đầu tư quá nhiều cho chi phí phòng cháy, chữa cháy.
Cũng theo đại biểu, phần lớn kết luận nguyên nhân gây ra cháy, nổ là do chập điện; do vậy, kiến nghị cần sớm xây dựng, ban hành quy chuẩn an toàn thiết kế và thiết lập hệ thống điện trong dân dụng và điện công nghiệp.
Đồng thời, cần đẩy mạnh việc xây dựng các chương trình tuyên truyền rộng khắp với nội dung thực tiễn trong khu dân cư để cập nhật, nâng cao nhận thức người dân về vấn đề phòng cháy, chữa cháy.
Tháo gỡ vướng mắc về phòng cháy, chữa cháy để phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp
Phát biểu tranh luận liên quan nội dung này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) nêu quan điểm, sai phạm trong phòng cháy, chữa cháy không phải do thiếu luật mà do con người.
Đại biểu chỉ ra một đặc trưng, khiếm khuyết của thể chế hiện tại, đó là cứ mỗi lần có sự cố xảy ra, nhất là những chuyện dư luận lên tiếng mạnh mẽ, các cơ quan quản lý lại nghĩ ngay đến việc phải đặt ra chế tài nặng hơn, cao hơn, lấy cái đó để áp dụng, như đối với các vấn đề: phá rừng, khai thác cát bí mật, chống say rượu lái xe…
“Tất cả những việc này có phải do luật không có hay không đủ không?”, đại biểu đặt vấn đề.
Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, cái gốc ở đây là con người. Nếu không rút ra các bài học và giải quyết dứt điểm vấn đề này thì sẽ có vô số vòng kim cô cho doanh nghiệp, cho xã hội, mà vẫn không khắc phục được những yếu kém hiện nay.