Thuốc lá điện tử có hại cho người dùng…
Trên thế giới, thuốc lá điện tử có tuổi đời còn khá non trẻ so với thuốc lá truyền thống, nó xuất hiện khoảng đầu những năm 2000 tại Trung Quốc. 10 năm sau, thuốc lá điện tử bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam. Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012 của Việt Nam vẫn chưa đề cập các loại thuốc lá điện tử. Bởi khi đó người hút thuốc lá điện tử không nhiều, thuốc lá truyền thống vẫn đang “thống trị” thị trường.
Nhưng 5-7 năm trở lại đây, thuốc lá điện tử phát triển bùng nổ với các nhóm sản phẩm mới. Từ các loại thuốc lá điện tử có nicotine (Electronic nicotine delivery systems-ENDS) cho đến các loại thuốc lá nung nóng (Heated tobacco products-HTP) và cuối cùng là loại hỗn hợp (Hybrid) được coi là một loại thuốc lá nung nóng cả sợi thuốc lẫn dung dịch. Đặc điểm chung của tất cả các loại này là đều dùng máy có pin, nung nóng sợi thuốc hoặc dung dịch có chứa nicotine.
Hiện đang tồn tại một thực tế đáng lo ngại là tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử ở Việt Nam đang có dấu hiệu gia tăng mà nhiều người lý giải rằng, nguyên nhân khiến tỷ lệ sử dụng tăng nhanh là bởi tính tiện dụng và thông tin mập mờ về các tác hại của chúng. Theo anh Nguyễn Việt (30 tuổi, Long Biên, Hà Nội), anh sử dụng thuốc lá điện tử thay vì thuốc lá điếu bởi nó không gây mùi hôi khi sử dụng, không gây khó chịu cho người chung quanh nên dễ dàng sử dụng ở những nơi công cộng. Và hơn hết, nó vẫn có một hàm lượng nicotine nhất định giống với thuốc lá điếu. Còn về tác hại của chúng, theo anh Việt thì thông tin còn khá mù mờ(?).
Thực tế, dù là sản phẩm mới hay cũ, thuốc lá truyền thống hay điện tử đều có những tác hại khôn lường. Theo thông tin từ Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá của Bộ Y tế, có ít nhất 60 hợp chất hóa học được tìm thấy trong dung dịch thuốc lá điện tử (thường được gọi là tinh dầu) và nhiều hợp chất khác có trong khí/khói tạo ra từ thuốc lá điện tử. Trong thành phần của dung dịch này có chất glycerin và propylene glycol. Propylene glycol có thể tạo thành propylene oxide - một chất gây ung thư khi nung nóng và hóa hơi. Các chất độc hại được tìm thấy trong khói/khí thuốc lá điện tử có thể kể đến là ethylene glycol, aldehydes… hay chất đặc biệt gây ung thư nitrosamines, acroleine, formaldehyde… Một số loại thuốc lá điện tử còn chứa cả vitamin E axetat và Tetrahydrocannabinol (THC), đó là một chất kích thích hệ thần kinh có trong cần sa.
Thuốc lá nung nóng là sản phẩm sinh sau (khoảng 10 năm tuổi) trong họ nhà thuốc lá điện tử. Ban đầu nó được quảng cáo, tiếp thị như một sản phẩm thay thế an toàn hơn thuốc lá truyền thống. Tuy nhiên, các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm khẳng định thuốc lá nung nóng tạo ra các hóa chất độc hại giống như thuốc lá điếu, nó còn kèm theo các phụ gia hương liệu và kim loại nặng…
Các linh kiện trong thuốc lá điện tử có thể hỏng, lỗi gây nổ trong quá trình sử dụng. Tai nạn xảy ra, sẽ có các chấn thương nghiêm trọng tác động trực tiếp đến khuôn mặt hay cơ thể của người dùng. Thống kê tại Mỹ trong hai năm từ 2015-2017 đã xảy ra 2.035 ca cấp cứu do nổ pin thuốc lá điện tử.
… nhưng đang được sử dụng tràn lan
Thuốc lá điện tử ở Việt Nam hiện nay chưa được cấp phép lưu hành nhưng vẫn chưa có chế tài cấm sử dụng hay là cảnh báo độ tuổi được phép sử dụng. Trên các trang mạng xã hội, hay tìm kiếm với các từ khóa trên internet như “thuốc lá điện tử”, “vape”, “iqos” sẽ có hàng trăm kết quả xuất hiện. Có thể kể ra vài địa chỉ bán công khai như: vapechinhhang.com, thevapeclub.vn, vietvape.vn, iqosgo.vn, thuocvip.com… Nhiều trang web được chăm chút cẩn thận, có hình ảnh sinh động như những lời mời chào hấp dẫn cho những người đang tìm hiểu để sử dụng, đặc biệt là đều khẳng định thuốc lá điện tử “là một công cụ để thay thế cho thuốc lá truyền thống mà không gây các ảnh hưởng xấu đến sức khỏe”. Khách hàng chỉ cần chọn được loại ưng ý, click chuột, trả tiền và 30 phút sau sẽ được giao đến tận nhà. Không chỉ có trên mạng, các cửa hàng này cũng công khai địa chỉ để các “thượng đế” có thể đến tận nơi xem hàng và được tư vấn trực tiếp.
Theo GS, TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, tại Việt Nam trong ba năm trở lại đây, số lượng người sử dụng thuốc lá điện tử đang gia tăng. Kết quả nghiên cứu về các hành vi, nguy cơ đối với sức khỏe học sinh THCS và THPT tại Hà Nội do Viện Chiến lược và Chính sách y tế, Bộ Y tế thực hiện năm 2020 chỉ ra tỷ lệ học sinh hiện đang sử dụng thuốc lá điện tử ở các lớp từ 8-12 là 8,35%, ở học sinh lớp 10-12 là 12,6%. Cũng theo kết quả khảo sát này, năm 2015, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở 34 tỉnh, thành phố chỉ khoảng 0,2%, đến năm 2020 đã tăng gấp 18 lần, lên khoảng 3,6%.
Trong vai một khách hàng tìm hiểu mua thuốc lá điện tử, chúng tôi tìm đến một cửa hàng bán thuốc lá điện tử tại một con ngõ nhỏ ở quận Cầu Giấy. Cửa hàng chưa đầy 10m2, nhưng bày bán đủ loại thuốc lá điện tử vape, pod... Điểm sơ qua cũng có hàng chục loại máy hút vape, pod… khác nhau, tất cả đều được sản xuất từ Trung Quốc, dù đó có được giới thiệu là sản phẩm của Mỹ hay Nhật Bản...
Các thiết bị hút thuốc lá điện tử được làm bằng chất liệu đa dạng, thiết kế kiểu dáng bắt mắt. Từ những chiếc pod nhỏ như một ổ USB, cho đến những máy vape nằm gọn trong lòng bàn tay, có loại còn có dây đeo tiện dụng, vừa như thứ đồ chơi hay món trang sức…
Các loại dung dịch (tinh dầu) để hút còn phong phú hơn hẳn, lên đến vài chục loại, hầu hết sản xuất tại Trung Quốc nhưng cũng có loại trên nhãn mác ghi sản xuất tại Mỹ, Malaysia hay Nga… Người bán cam kết đây đều là hàng “xịn”, chất lượng miễn bàn… nhưng tất cả đều không có giấy tờ hay chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Không có giấy tờ (trốn thuế) và người bán đều tự tin khẳng định hàng của mình còn rẻ hơn cả khi mua ở các nước sản xuất ra tinh dầu đó.
Trong lúc phóng viên được tư vấn về thuốc lá điện tử, tình cờ một cán bộ công an phường xuất hiện tại cửa hàng. Những tưởng nhân viên bán hàng sẽ lo lắng, nhưng thực tế chỉ có một cuộc nói chuyện ngắn xoay quanh việc cảnh báo cấm bán sản phẩm cho học sinh. Nhân viên này khẳng định không bán cho học sinh. Nhưng theo cán bộ công an thì cửa hàng này có bán thuốc lá điện tử cho học sinh, theo lời phụ huynh phản ánh. Chủ cửa hàng không có mặt nhưng được thông báo mời lên công an phường làm việc vào ngày hôm sau.
Cần cấm buôn bán và sử dụng thuốc lá điện tử
Chuyện cấm bán thuốc lá điện tử cho học sinh cũng là một vấn đề nan giải. Thực tế, không phải lúc nào các em cũng mặc đồng phục vào mua hàng, thậm chí các em có thể nhờ ai đó mua giúp, hoặc đặt mua hàng trực tuyến một cách dễ dàng…
Cấm mua bán đã khó, nhưng cấm dùng còn khó hơn nữa. Em T.N.M, một nữ sinh lớp 12 khi được hỏi về tình trạng hút thuốc lá điện tử trong trường học đã cho chúng tôi biết: “Ở lớp cháu có khá nhiều bạn hút thuốc lá điện tử. Các bạn không dám hút ở trường nhưng mở cặp 10 bạn chắc cũng có 2-3 bạn có thuốc lá điện tử. Bản thân cháu trước cũng hút nhưng sau bị mẹ “bắt” nên giờ vẫn sợ chưa dám hút lại”. Mẹ của M vẫn khá bức xúc khi được hỏi về chuyện con mình sử dụng thuốc lá điện tử. Chị cho biết mình không trực tiếp nhìn thấy con sử dụng, nhưng trong một lần cháu để quên thuốc lá điện tử trên lớp, cô giáo thấy được và báo cho phụ huynh. Sau một buổi tối tâm sự, cháu giãi bày muốn dùng thử để có thể tập trung hơn trong lúc học, đồng thời cam kết sẽ không bao giờ sử dụng lại.
Còn em Đ.X.B, học sinh lớp 10 ở Hà Nội nói với chúng tôi: “Có thời điểm trường cháu tổ chức thi nghề, một số bạn ở trường khác đến thi hút thuốc lá điện tử ngay giữa sân trường”. Có thể thấy, việc sử dụng thuốc lá điện tử hiện nay đang trở nên dễ dàng được chấp nhận ở lứa tuổi học sinh. Không chỉ số lượng học sinh dùng thuốc lá điện tử tăng lên mà các học sinh nữ cũng bắt đầu dùng thuốc lá điện tử thường xuyên hơn. Theo Đ.X.B thì cứ 10 bạn hút thuốc thì có đến ba bạn là nữ.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện nay có ít nhất 34 quốc gia và vùng lãnh thổ đã áp dụng chính sách cấm hoàn toàn các sản phẩm thuốc lá điện tử. Có bảy quốc gia cho phép nhưng áp dụng quy định quản lý chặt chẽ cấp phép như dược phẩm… Đặc biệt tại Australia, nicotine vẫn nằm trong danh mục “chất độc dược” và chỉ được sử dụng khi có giấy phép. Trong khối ASEAN đã có 5 quốc gia cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử là Thailand, Singapore, Lào, Brunei, Campuchia.
Ở Việt Nam cũng đã có những nhóm chuyên gia đề xuất, kiến nghị sửa luật và các nghị định của Chính phủ quy định về thuốc lá. Nội dung chính là tuyên truyền, vận động hướng tới việc cấm hoàn toàn sản phẩm này. Bộ Y tế cũng đã có đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ cấm sản phẩm này tại Việt Nam. Gần đây nhất, ngày 24/5 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã thay mặt Chính phủ ký Quyết định số 568/QĐ-TTg ban hành Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030, với các mục tiêu và giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ để tăng cường hiệu quả của công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, trong đó có các sản phẩm thuốc lá điện tử.