Một trong những nét đẹp văn hóa truyền thống của người Dao ở bản Thanh Phán, xã Ðồng Văn, huyện Bình Liêu còn được gìn giữ và duy trì đến ngày nay, là lễ hội kiêng gió được ấn định vào ngày mồng 4/4 âm lịch hằng năm.
Vào ngày này, không một thành viên nào ở nhà vì họ quan niệm nếu trong nhà có người thì thần gió sẽ không vào. Họ lặng lẽ rời nhà từ sớm, để khi thần gió vào nhà sẽ mang đi những rủi ro, phiền muộn của năm cũ và đem vào nhà những điều tốt lành, sự ấm no, sung túc.
Người Dao ở đây tin rằng trong ngày 4/4 âm lịch, dù có làm bất cứ điều gì cũng không thuận lợi, dựng nhà thì nhà đổ, làm nương thì cây lúa chẳng trổ bông... Họ tạm gác lại mọi công việc, thả trâu lên rừng, cả bản rủ nhau "mì sèng phẩy hêy dảo" (tiếng Dao nghĩa là "đi chơi chợ mùng 4 tháng tư").
Áo đỏ người Dao, áo xanh người Sán Chỉ, áo chàm người Tày dập dìu, già trẻ trai gái ríu rít trong phiên chợ đông vui. Người hẹn hò gặp gỡ kết thân, kẻ tâm sự ôn chuyện quá khứ, nói chuyện tương lai, hát câu Pả dung, thi kéo co, đẩy gậy, thi chim…
Ông Tô Hiệu, Phụ trách Trung tâm Truyền thông văn hóa huyện Bình Liêu cho biết: Tuy chỉ diễn ra một lần trong năm, nhưng đối với người Dao ở Thanh Phán, lễ hội kiêng gió rất thiêng liêng. Trong ngày này diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật và hội chợ, tạo sân chơi cho các lứa tuổi, nhất là các nam, nữ thanh niên. Đây cũng là dịp các chàng trai, cô gái dân tộc Dao gặp gỡ, cùng hát giao duyên, hát đối đáp với các làn điệu sán cố, tấu kèn Piêng diệt, hát then... ca ngợi quê hương, đất nước, ca ngợi tình yêu đôi lứa.
Với khách du lịch Bình Liêu thì lễ hội kiêng gió thật sự là một ngày hội, một dịp hiếm có để chứng kiến nét văn hóa đặc sắc của vùng cao Bình Liêu.
Chợ tình Đồng Văn ở Bình Liêu là nơi để các đôi nam, nữ, bạn bè lâu năm có thể tìm lại, gặp gỡ nhau, cùng hàn huyên câu chuyện hoặc tìm hiểu nhau.
Vào ngày hội kiêng gió này, vợ, chồng sẽ được quyền gặp lại những người bạn cũ mà không cần lo lắng người kia có ghen hay không.
Bà Phùn Sám Múi ở xã Đồng Văn chia sẻ: Ngày hội kiêng gió là hội của dân tộc Dao cho nên năm nào tôi cũng đi gặp gỡ, giao lưu, trò chuyện với mọi người. Vui nhất là được giao lưu văn nghệ, cùng hát với nhiều bạn, người Tày, Sán Chỉ ở các địa phương khác trong ngày hội.
Bên cạnh các hoạt động giao lưu văn nghệ, tham quan, mua sắm tại các gian hàng... du khách còn được chiêm ngưỡng sự khéo léo của các cô gái dân tộc Dao trong chương trình thi thêu hoa văn trên trang phục của người Dao Thanh Phán.
Đến lễ hội kiêng gió, du khách sẽ được hòa mình trong sắc đỏ rực của trang phục của người Dao nơi chợ phiên; trải nghiệm tại khu ẩm thực, khu bán nông lâm sản, trang phục dân tộc và nhiều công cụ lao động sản xuất.
Các du khách còn được tham gia và hòa mình vào không khí đậm chất văn hóa vùng cao nơi đây qua các phần tái hiện về phong tục đón dâu của người Dao Thanh Phán, nghi lễ Then cổ giải hạn của người Tày, nghi lễ cấp sắc của người Dao…
Ngày hội kiêng gió ở xã Đồng Văn là dịp quảng bá, giới thiệu những nét đẹp văn hóa truyền thống và phong tục tập quán của đồng bào Dao Thanh Phán, từ đó, khuyến khích việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tạo thêm sản phẩm du lịch độc đáo, đặc sắc phục vụ du khách khi đến với Bình Liêu.