Các đơn vị cung ứng hàng hóa thiết yếu trên địa bàn thành phố, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ lớn, đơn vị cung ứng thịt gia súc, gia cầm chuẩn bị hàng hoá phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán nhìn chung tăng 20-30% so với năm trước.
Các mặt hàng như: gạo nếp 352 tấn; thịt các loại hơn 4.000 tấn; thực phẩm chế biến, đóng hộp 647 tấn; thực phẩm khô 288 tấn; bánh kẹo mứt hạt dưa các loại 796 tấn; rau củ quả gần 900 tấn.
Hệ thống dự trữ, cung ứng xăng dầu trên địa bàn thành phố gồm 8 kho, tổng lượng dự trữ xăng dầu nhập gần 1,2 triệu m3. Lượng tiêu thụ xăng dầu dịp Tết dự kiến tăng 20% so với ngày thường. Các đơn vị đầu mối, phân phối bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu phục vụ nhu cầu sử dụng của người dân.
Để kích cầu tiêu dùng dịp Tết, thành phố Đà Nẵng sẽ tổ chức hội chợ Xuân với 250 gian hàng, tập trung vào các mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao; các quận, huyện cũng tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại, điện tử kích cầu như Ngày hội tôn vinh hàng Việt – Thanh Khê năm 2022; hội chợ triển lãm, kết nối giao thương và ứng dụng thương mại điện tử Liên Chiểu 2022.
Điểm bán thịt heo bình ổn giá phục vụ Tết Nguyên đán được duy trì thực hiện. |
Các hoạt động bán thịt heo bình ổn giá phục vụ Tết Nguyên đán, tổ chức đưa hàng về phục vụ người dân xã miền núi Hòa Bắc và Hòa Ninh (huyện Hòa Vang) cũng được tiếp tục duy trì thực hiện.
Sở Công thương thành phố Đà Nẵng sẽ thành lập các tổ để theo dõi tình hình thị trường, giá cả hàng hóa thiết yếu trước, trong và sau Tết Nguyên đán và giám sát bán hàng bình ổn Tết Nguyên đán 2023.
Sở cũng phối hợp với Cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng, các đơn vị liên quan theo dõi, chủ động nắm bắt tình hình, thông tin thị trường; theo dõi, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi đầu cơ, găm hàng, cạnh tranh không lành mạnh, gây bất ổn thị trường; đấu tranh chống buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và các hành vi gian lận thương mại khác.