Theo Chỉ số theo dõi phục hồi kinh tế toàn cầu Brookings-FT (Tiger) mới nhất, Trung Quốc, Mỹ, Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), Ấn Độ và Anh đều tăng trưởng nhanh hơn so với mức dự báo vào cuối năm ngoái, với niềm tin tiêu dùng và doanh nghiệp đều tăng sau khi năm 2022 kết thúc đầy khó khăn. Điều này trái ngược với dự báo của các ngân hàng trung ương và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hồi tháng 1 năm nay, cho rằng kinh tế thế giới có thể bước vào một cuộc suy thoái nghiêm trọng.
Chỉ số Tiger cũng chỉ ra rằng các nền kinh tế mới nổi hàng đầu đang hưởng lợi từ sự năng động vốn có và khung chính sách được cải thiện, đồng thời hiện nay có rất ít dấu hiệu suy thoái mà một số nhà phân tích lo ngại, bất chấp lạm phát cao cùng rủi ro địa chính trị và tài chính gia tăng.
Theo chỉ số nói trên, các điều kiện kinh tế hiện nay đã gần với mức trung bình lịch sử ở cả các nền kinh tế tiên tiến và mới nổi, với các chỉ số niềm tin và thị trường tài chính đã tăng. Trung Quốc có khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng 5% trong năm nay, trong khi Mỹ tiếp tục tăng trưởng bất chấp các thách thức từ lạm phát. Eurozone và Anh đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất kể từ năm 2022, với giá khí đốt bán buôn giảm hơn 80% so với mức đỉnh vào mùa hè năm ngoái.
Trong khi đó, Ấn Độ đã thu được lợi ích từ những cải cách kinh tế trong những năm gần đây và sẵn sàng cho một năm tăng tốc về kinh tế. Nghiên cứu được đưa ra khi cuộc họp mùa xuân của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) đang diễn ra tại Washington (Mỹ) trong tuần này và nhiều khả năng tại cuộc họp, IMF sẽ xác nhận nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng với tốc độ mạnh hơn so với dự báo tại các cuộc họp cuối cùng vào tháng 10 năm ngoái.
Tuy nhiên, bên cạnh các tín hiệu lạc quan nêu trên, kinh tế thế giới vẫn đối mặt nhiều khó khăn trong năm nay và triển vọng trung hạn không sáng sủa. “Bóng ma” lạm phát hiện vẫn đe dọa kinh tế Mỹ và các nền kinh tế khác trên toàn cầu.
Giới phân tích nhận định, thông báo cắt giảm sản lượng bất ngờ của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) đang làm phức tạp thêm nhiệm vụ “hạ nhiệt nền kinh tế” của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và có thể làm trầm trọng thêm vấn đề lạm phát tại Xứ cờ hoa. Kevin Book, Giám đốc điều hành của ClearView Energy Partners dự báo rằng, động thái của OPEC+ có thể khiến giá xăng tăng thêm hơn 50 xu/gallon từ mức trung bình 3,5 USD/gallon hiện nay trên toàn nước Mỹ.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) trong báo cáo vừa công bố đầu tuần này cũng đã dự báo tăng trưởng kinh tế ở Đông Nam Á sẽ giảm từ 5,6% năm ngoái xuống còn 4,6% trong năm nay do lạm phát dai dẳng và suy thoái kinh tế toàn cầu.
Trong khi đó, nợ công và những bất ổn trong hệ thống tài chính cũng là những lực cản đối với sự phục hồi và tăng trưởng của các nền kinh tế. Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva vừa cho biết, khoảng 15% số quốc gia có thu nhập thấp đang lâm vào cảnh nợ nần chồng chất và 45% đối mặt với tình trạng dễ bị tổn thương do nợ cao.
Tổng cộng, khoảng 25% số nền kinh tế mới nổi có rủi ro cao và phải đối mặt với tình trạng gần như vỡ nợ. Theo đó, nội dung trọng tâm của Hội nghị mùa xuân của WB và IMF năm nay sẽ là tìm giải pháp giúp các nước nghèo nhất thoát khỏi bế tắc về nợ nần. Tại các nền kinh tế phát triển, mối quan ngại về hệ thống tài chính yếu kém vẫn gia tăng. Eswar Prasad, chuyên gia tại Viện Brookings (Mỹ), vừa nhận định rằng những bất ổn gần đây trong ngành ngân hàng ở châu Âu và Mỹ đang phơi bày những điểm yếu của hệ thống tài chính tại các nền kinh tế lớn và làm tăng thêm lo ngại về tăng trưởng trung hạn.
Theo ông, các nhà hoạch định chính sách, đặc biệt là các ngân hàng trung ương, đang lúng túng trong một môi trường rủi ro tăng nhanh.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang ở thế giằng co giữa tăng trưởng và nguy cơ suy thoái như trên, ổn định giá “vàng đen” để ngăn chặn bão lạm phát và hỗ trợ nước nghèo trả nợ, lành mạnh hóa hệ thống tài chính, đang là những việc cần làm ngay.
Tuy nhiên, để không rơi vào tình cảnh “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, đòi hỏi các định chế tài chính, các chính phủ, nhất là các nước lớn, phải đoàn kết và chung sức đồng lòng. Nếu để kinh tế thế giới rơi vào suy thoái trong năm nay, tất cả các nền kinh tế trên thế giới đều trở thành kẻ thua cuộc và có thể cùng phải gánh chịu “một thập kỷ mất mát” như từng xảy ra trong quá khứ.