Đa dạng hóa nguồn lực để phát triển xe buýt năng lượng xanh

Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội vừa phê duyệt “Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn thành phố”. Đây là cơ sở quan trọng để thành phố sớm cụ thể mục tiêu “xanh hóa” vận tải hành khách công cộng và giảm ô nhiễm môi trường khu vực nội đô.
0:00 / 0:00
0:00
Xe buýt điện đang ngày càng nhận được sự ủng hộ của người dân. (Ảnh Vũ Khoa)
Xe buýt điện đang ngày càng nhận được sự ủng hộ của người dân. (Ảnh Vũ Khoa)

Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông thành phố Hà Nội (thuộc Sở Giao thông vận tải Hà Nội) Thái Hồ Phương cho biết, Hà Nội hiện có 1.905 xe buýt trợ giá với 281 xe dùng năng lượng sạch (139 xe CNG và 142 xe buýt điện) và hơn 1.200 xe đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 4 trở lên. Đến nay, hoạt động của các tuyến buýt điện góp phần giảm 36.000 tấn CO2.

Nhiều chuyên gia cho rằng, chuyển đổi sang xe buýt sử dụng điện và năng lượng xanh mang lại nhiều lợi ích. Tuy nhiên, phương tiện xe buýt điện có sức chứa lớn chưa có nhiều nhà cung cấp; giá xe buýt điện cao gấp ba đến bốn lần so với xe buýt sử dụng diesel cùng sức chứa, chưa kể pin xe điện chiếm khoảng 40-50% giá trị xe, dung lượng pin hao hụt sau 4-5 năm sử dụng…

Chính vì thế, Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn thành phố vừa được phê duyệt hy vọng sẽ tháo gỡ được những khó khăn kể trên. Đề án nhằm đưa ra kế hoạch chuyển đổi và phát triển xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn thành phố theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 với mục tiêu đạt được tỷ lệ 100% phương tiện sử dụng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh vào năm 2035.

Theo phương án chuyển đổi, trong đầu năm 2025, có bốn đơn vị vận tải (gồm Tổng công ty vận tải Hà Nội, Công ty cổ phần Vận tải Newway, Công ty liên doanh Vận chuyển quốc tế Hải Vân, Công ty TNHH Du lịch dịch vụ xây dựng Bảo Yến) sẽ đầu tư và vận hành thí điểm năm tuyến xe buýt điện, với 76 xe (11 xe buýt nhỏ, 65 xe trung bình), để xây dựng định mức, đơn giá cho chủng loại xe buýt điện sức chứa trung bình và nhỏ.

Đối với các tuyến buýt hết hạn thầu trong năm 2025, dự kiến thành phố sẽ chuyển đổi phương tiện động cơ diesel lớn hết khấu hao sang xe buýt điện lớn (tuyến buýt số 34 với tổng số dự kiến 27 xe). Tổng số phương tiện dự kiến chuyển đổi trong năm 2025 là 103 xe, bằng 5% tổng số phương tiện chuyển đổi. Từ năm 2026, dự kiến thành phố sẽ ban hành định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá đầy đủ cho các chủng loại xe buýt điện, các đơn vị sẽ thay thế phương tiện đã hết thời gian khấu hao (10 năm) trên từng tuyến.

Số lượng phương tiện chuyển đổi dựa trên các chỉ tiêu khai thác của tuyến và phạm vi hoạt động trong ngày của các chủng loại xe buýt điện hiện có trên thị trường. Tổng số phương tiện dự kiến chuyển đổi trong giai đoạn 2026-2030 là 1.813 xe. Tỷ lệ chuyển đổi phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đến năm 2030 dự kiến đạt 93,4% tổng số phương tiện được chuyển đổi. Giai đoạn 2031-2035, tổng số phương tiện dự kiến chuyển đổi là 238 xe. Dự kiến đến năm 2035, tỷ lệ chuyển đổi phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt 100% tổng số phương tiện được chuyển đổi.

Để thực hiện mục tiêu này, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông thành phố Hà Nội Thái Hồ Phương cho rằng, cần huy động nguồn lực từ ngân sách nhà nước (chi phí phục vụ chuyển đổi, chi phí duy trì trợ giá hằng năm...) và từ doanh nghiệp (mua xe, đầu tư hạ tầng trạm sạc/nạp khí...). “Vấn đề cần lưu tâm là nguồn lực chuyển đổi và cơ chế, chính sách cho việc này rất quan trọng. Chúng tôi mong muốn Nhà nước tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn ưu đãi đi kèm với các điều kiện về hạ tầng”, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ vận tải sinh thái Vinbus Nguyễn Công Nhật kiến nghị. Tuy nhiên, theo ông Nhật, chi phí đầu tư ban đầu cho xe buýt điện cao, nhưng chi phí khai thác, vận hành, bảo trì,... lại giảm hơn nhiều so với phương tiện sử dụng dầu diesel. Ngoài yếu tố về tài chính, xe buýt điện còn có lợi cho môi trường, sức khỏe con người. Đây là điều cần được đặt lên bàn cân khi chuyển sang xe buýt điện.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định: “Nhằm cụ thể hóa lộ trình chuyển đổi xe buýt sử dụng năng lượng dầu diesel sang năng lượng xanh giai đoạn từ nay đến năm 2035, thành phố đã giao Sở Giao thông vận tải Hà Nội làm việc với 11 doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng Thủ đô. Hiện tại, các đơn vị đều bày tỏ sự ủng hộ việc chuyển đổi này. Thành phố quyết tâm làm bằng được việc chuyển đổi toàn bộ xe buýt sang sử dụng xe điện, năng lượng xanh”.