Ngày 15/10, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, bệnh nhân Đặng Huy Hùng, (31 tuổi, trú quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng) đã qua cơn nguy kịch, được chuyển từ Khoa Cấp cứu lên Khoa Hồi sức tích cực chống độc tiếp tục theo dõi sức khoẻ.
Theo người nhà bệnh nhân, trước đó bệnh nhân rời nhà đi câu cá tại bờ kè đá dưới chân cầu Thuận Phước (quận Hải Châu) từ 19 giờ tối 13/10. Đến khoảng 21 giờ, người nhà gọi điện cho bệnh nhân nhưng mất liên lạc, ra bờ kè đá tìm nhưng không thấy. Đến 4 giờ sáng ngày 14/10, người nhà vẫn không thấy anh Hùng về nhà, đã đi tìm và phát hiện xe máy của anh Hùng bỏ lại trên bờ kè nên đã trình báo với lực lượng công an.
Ngay sau đó, lực lượng chức năng, bạn bè trong hội câu cá và Đội thiện nguyện cứu hộ cứu nạn SOS Đà Nẵng đã đi bộ dọc bờ kè đá, dùng xuồng chạy ra khu vực biển cửa sông Hàn tìm kiếm nhưng không có kết quả. Trời Đà Nẵng đêm có mưa.
Đến 5 giờ sáng nay (15/10), một người dân đi tập thể dục dưới bờ biển Nguyễn Tất Thành giao với đường Tôn Thất Đạm (quận Thanh Khê) đã phát hiện anh Hùng trôi dạt vào bờ biển.
Bệnh nhân Đặng Huy Hùng sống sót thần kỳ sau 32 giờ trôi dạt trên biển Đà Nẵng. (Ảnh: ANH ĐÀO) |
Theo người nhà bệnh nhân, lúc đầu khi phát hiện anh Hùng trôi dạt vào bờ biển, họ tưởng anh Hùng đã tử vong nên gọi điện cho người nhà đến nhận dạng. Nhưng sau đó thấy ngón tay út của anh Hùng còn nhúc nhích nên đã hô hấp nhân tạo, đốt lửa và dùng chăn sưởi ấm.
Vị trí anh Hùng được tìm thấy cách nơi bị nạn khoảng 4km. Nạn nhân sau đó được đưa đến Bệnh viện Đà Nẵng trong tình trạng mê man, sau đó dần tỉnh.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Hà Sơn Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Đà Nẵng, cho biết: Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, Bệnh viện đã có cuộc họp khẩn tập trung vào tình trạng sức khỏe của bệnh nhân và các biện pháp điều trị hiện tại.
Bệnh nhân đã được hỗ trợ hô hấp và oxy, tình trạng đã cải thiện. Các biện pháp điều trị khác như ủ ấm và điều trị rối loạn điện giải cũng đã được thực hiện.
Bệnh nhân trong tình trạng lơ mơ nhưng có thể nhớ lại một số sự kiện liên quan đến việc rơi xuống nước. Bệnh nhân này quá may mắn khi phao cứu sinh lại chính là cái ba lô chứa vật dụng nổi, giúp duy trì sự nổi trên mặt nước.
Bác sĩ Bình khuyến cáo với cộng đồng, khi cộng đồng phát hiện ra những trường hợp này, cần xem xét tình trạng bệnh nhân kỹ hơn để kịp thời hỗ trợ về y tế trong trường hợp khẩn cấp.
Sức khỏe đã ổn định dần sau khi được các y bác sĩ chăm sóc tích cực, anh Đặng Huy Hùng cho biết, anh đi câu cá đến gần 21 giờ tối ngày 13/10 thì cần cầu bị mắc dưới bờ kè đá nên đã lặn xuống gỡ lưỡi câu, không may bị hụt chân và bị nước cuốn trôi, sau đó rơi vào hôn mê.
Anh sống sót nhờ ôm chặt balo bên trong có hai hộp nhựa đựng đồ câu, trong khi trôi dạt ra biển thì vớ được một miếng xốp nổi trên mặt nước nên nhét vào bụng và nằm sấp xuống mặt nước.