Cuộc gặp gỡ của “Đào, Phở và Piano” và “Hà Nội mùa đông năm 46”

NDO - Tại không gian “Cà-phê thứ 7” của Hà Nội một ngày cuối xuân, với sự dẫn dắt của nhạc sĩ Dương Thụ, khán giả Hà Nội đã được gặp gỡ, trò chuyện và lắng nghe những chia sẻ của hai nhà làm phim từ hai thế hệ, những người cùng có chung tác phẩm điện ảnh về đề tài Hà Nội trong cuộc chiến chiến 63 ngày đêm cuối năm 1946, đầu năm 1947. Đó là đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh và đạo diễn Phi Tiến Sơn.
0:00 / 0:00
0:00
Cuộc gặp gỡ của “Đào, Phở và Piano” và “Hà Nội mùa đông năm 46”

Đây cũng là lần đầu tiên không gian “Cà-phê thứ 7” đón nhiều khán giả trẻ như vậy, có lẽ do sức hút của “Đào, Phở và Piano” và sự có mặt của đạo diễn Phi Tiến Sơn, mặc dù chỉ là online, vì hiện tại anh đang ở Mỹ.

Nói về cuộc chiến 63 ngày đêm của người Hà Nội vào cuối năm 1946, nhạc sĩ Dương Thụ chia sẻ, đối với nhiều người Hà Nội được chứng kiến hoặc nghe kể lại qua người thân, bạn bè, đó là cuộc chiến không thể nào quên, nhưng ngày nay, nhiều bạn trẻ chưa được biết. Với cuộc chuyện trò giữa hai đạo diễn của cả hai bộ phim về đề tài này, ông mong muốn góp phần đem đến cho khán giả trẻ những khơi gợi về ký ức, về lịch sử dân tộc…

Nhạc sĩ Dương Thụ cũng cho biết, những ngày qua, sức nóng của “Đào, Phở và Piano” chưa hề giảm, và nhiều bạn trẻ đã tìm kiếm thêm thông tin về “Hà Nội mùa đông năm 46” của đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh, một bộ phim cùng đề tài, cùng bối cảnh lịch sử.

Những ngày này, đạo diễn Phi Tiến Sơn đang ở Mỹ, và anh chia sẻ mình đã bất ngờ khi biết bộ phim của mình gây nên một cơn sốt ở Việt Nam như vậy. Anh cho biết, một cách vô tình, “Đào, Phở và Piano” cũng rất có duyên với “Hà Nội mùa đông 1946”, khi bộ phim của NSND Đặng Nhật Minh là những ngày đầu tiên của cuộc chiến, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh phát lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, còn “Đào, Phở và Piano” ở ngày cuối cùng”.

Cuộc gặp gỡ của “Đào, Phở và Piano” và “Hà Nội mùa đông năm 46” ảnh 1

Khán giả trẻ chụp ảnh cùng đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh.

Cùng về đề tài chiến tranh cách mạng, cả hai bộ phim còn có mối duyên chung là đều xuất phát từ tình cảm, từ những thôi thúc của cá nhân đạo diễn. Đạo diễn Đặng Nhật Minh cho biết, ông sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, chứng kiến nhiều thay đổi của thành phố. Bộ phim do chính ông viết từ những thôi thúc trong tim mình. Nhạc sĩ Dương Thụ bổ sung thêm rằng, đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh là người nặng lòng với Hà Nội, gia đình cũng có nhiều cống hiến cho công cuộc bảo vệ Tổ quốc. Kịch bản ban đầu đạo diễn nộp lên không được duyệt, tuy nhiên khi đó có sự can thiệp của Bộ trưởng Trần Hoàn, nên bộ phim mới có cơ hội ra đời.

Còn đạo diễn Phi Tiến Sơn chia sẻ, ông cũng sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, gắn bó cùng thành phố này qua nhiều năm tháng: “Tôi rất ấn tượng với vết đạn bắn trên cổng Bắc Bộ Phủ, hình ảnh này đi theo và ấn tượng mãi trong tôi. Sau này tôi luôn mong muốn làm một điều gì đó tri ân Hà Nội. Và bộ phim chính là xuất phát từ tình cảm, từ những thôi thúc bên trong tôi”.

Phim lịch sử là một đề tài hấp dẫn, nhưng cũng đầy thách thức đối với các nhà làm phim. Đạo diễn Phi Tiến Sơn chia sẻ, anh rất thích làm phim về đề tài lịch sử, nhưng không dám làm phim chính sử mà chọn hình thức lấy cảm hứng từ lịch sử để kể câu chuyện của những nhân vật hư cấu. “Làm phim lịch sử hay viết tiểu thuyết lịch sử đều rất khó. Bao giờ cũng phải có những ý kiến nhận xét, đánh giá, mà mỗi người lại có những quan điểm lịch sử khác nhau, chưa kể có những sự việc bản thân người tham gia còn không nhớ cụ thể, thì cũng khó có căn cứ để làm lại cho thật chính xác”.

Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh cũng cho biết, với phim về đề tài lịch sử, công việc nặng nề, khó khăn và quan trọng nhất thuộc về họa sĩ thiết kế. Vai trò này cũng được họa sĩ Phạm Quốc Trung, người thực hiện phần thiết kế cho bộ phim “Hà Nội mùa đông năm 46” chia sẻ: “Ở Việt Nam, họa sĩ thiết kế làm phim là bắt đầu từ con số không, phải tự sưu tầm, làm mới, sửa chữa mọi thứ phục vụ cho bộ phim, chứ không có sẵn phim trường, đạo cụ, phục trang như nhiều nước khác”.

Cuộc gặp gỡ của “Đào, Phở và Piano” và “Hà Nội mùa đông năm 46” ảnh 2

Họa sĩ Phạm Quốc Trung kể về những ngày làm phim "Hà Nội mùa đông năm 46".

Họa sĩ Phạm Quốc Trung cho biết, để có được bối cảnh Hà Nội vào thập niên 40, đoàn làm phim đã phải rất khó khăn khi đi tìm, chọn trong thành phố. “Chúng tôi không thể tìm được 3 ngôi nhà cổ nguyên vẹn liền nhau, nhà trong phố cổ Hà Nội hiện nay đều đã bị tu sửa rất nhiều và có nhiều dấu vết hiện đại. Chúng tôi phải đặt sản xuất riêng một chiếc tàu điện, phải tính toán sao cho chiếc tàu đó chạy được, chịu được tải trọng của bản thân nó và của các diễn viên trên đó”.

Còn đạo diễn Phi Tiến Sơn chia sẻ, đoàn làm phim đã phải thuê một khu đất tại một doanh trại quân đội cũ ở Vĩnh Phúc, xây dựng lại hoàn toàn những ngôi nhà, rồi đập đi, bôi đen, làm cho cũ đi…

Tuy nhiên, những bộ phim về đề tài lịch sử cũng đem lại cho các nhà làm phim những trải nghiệm vô giá. Đạo diễn Phi Tiến Sơn kể lại, có những phân cảnh, cả đoàn làm phim lặng đi vì xúc động, các diễn viên thì khóc. “Chúng tôi như được chứng kiến lại những thời khắc lịch sử đó, rất xúc động” – anh chia sẻ.

Còn đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh thì chia sẻ, sau khi bộ phim “Hà Nội mùa đông năm 46” hoàn thành, ông đã đem bộ phim đi chiếu ở nhiều nơi, như Ấn Độ, Canada và cả Pháp. Khi chiếu phim cho khán giả Pháp xem, ông cũng lo lắng, bởi bộ phim làm về một giai đoạn lịch sử khá nhạy cảm giữa hai nước, nhưng rất may khán giả Pháp đã hoan nghênh và đánh giá cao ý nghĩa của tư tưởng hiếu hòa, yêu chuộng hòa bình trong phim. “Trong quá trình tìm kiếm tư liệu để làm phim, tôi đã đọc được bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Chính phủ và nhân dân Pháp, nói rõ tư tưởng yêu hòa bình và không muốn chiến tranh của Việt Nam. Tôi đã đưa tinh thần đó vào bộ phim” – NSND Đặng Nhật Minh cho biết.

Những bộ phim làm từ tình yêu Hà Nội, tình yêu dân tộc, và tình yêu nước, được làm từ những thôi thúc của chính trái tim nhà làm phim, cũng chính là những cánh cửa để giới trẻ ngày nay có thể thấy được một phần lịch sử của cha ông. Sức hút của “Đào, Phở và Piano” cho thấy những cánh cửa này đã được mở đúng, như lời nhạc sĩ Dương Thụ nói, các đạo diễn đã làm sống lại những ký ức, đã chạm được tới cảm xúc của người xem, đó là những ký ức đẹp nhất của dân tộc.