NSND Đặng Nhật Minh kể chuyện người Hà Nội từ những mảnh ghép của cuộc sống

NDO - “Hoa Nhài”, bộ phim tạm coi là tác phẩm cuối cùng của NSND Đặng Nhật Minh, vị đạo diễn năm nay đã ở vào tuổi 84, trong buổi công chiếu đầu tiên đã không còn một chỗ trống. Trung tâm chiếu phim quốc gia lần đầu tiên đã phải mở thêm một phòng chiếu song song với 200 ghế nữa để phục vụ khán giả.
0:00 / 0:00
0:00
Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh trong buổi ra mắt phim tại Trung tâm chiếu phim quốc gia. (Ảnh: KHIẾU MINH)
Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh trong buổi ra mắt phim tại Trung tâm chiếu phim quốc gia. (Ảnh: KHIẾU MINH)

“Hoa Nhài” là bộ phim không có ngôi sao. Thậm chí, những nhân vật trong tuyến chính còn là những gương mặt hết sức mới mẻ đối với màn ảnh rộng như Đức Minsu, Trần Doãn Hoàng… Phim có sự tham gia của một số nghệ sĩ gạo cội như Hoàng Huy, Minh Phương…, cùng sự góp mặt đặc biệt của GS, nghệ sĩ piano Tôn Thất Triêm.

Nhưng điều lớn nhất mà bộ phim không có ngôi sao này đem lại cho khán giả sau khi khép lại là những cảm xúc thật đẹp, cảm xúc về cái tình của con người với nhau dù ở những hoàn cảnh rất ngặt nghèo, cảm xúc về cốt cách, tinh thần và lối sống của người Hà Nội, giản dị, khiêm nhường, thanh tao mà tỏa hương, giống như hình ảnh mang tính biểu tượng về bông hoa nhài trong phim.

NSND Đặng Nhật Minh kể chuyện người Hà Nội từ những mảnh ghép của cuộc sống ảnh 1

Đoàn làm phim trong buổi chiếu ra mắt.

Bộ phim là những câu chuyện kể đan xen, những lát cắt của cuộc sống bình dị ở Hà Nội thập niên 2000. Đó là câu chuyện của chú bé đánh giày cùng quê với vợ chồng ông già cắt tóc, lăn xả kiếm tiền chăm mẹ bệnh và nuôi em. Câu chuyện của hai vợ chồng ông già cắt tóc trong căn nhà cũ kỹ, nhỏ bé, sống giản dị nhưng chưa bao giờ thiếu sự lễ nghĩa, trân trọng nhau, và cả câu chuyện của những người con “cả năm không thấy mặt nhưng hễ nghe thấy có tiền đền bù thì kéo đủ về thăm”.

Câu chuyện của ông giáo dạy nhạc già đã đưa tay nắm lấy một số phận, kéo ra khỏi những cạm bẫy của cuộc đời. Câu chuyện của chị phụ nữ cùng quê với cậu bé đánh giày, đi làm thuê kiếm tiền nuôi con, từ đó hé lộ câu chuyện của anh chàng bệnh nhân liệt nửa người, chỉ mong ngóng được gặp lại con vào dịp cuối tuần như một sự “ban ơn” từ người vợ…

Những câu chuyện cứ đan xen, cài vào nhau, thắt nút rồi mở nút, và từ đó dẫn đến một cái kết nhẹ nhàng, nhân hậu như bản thân những nhân vật trong phim.

Chất Hà Nội hiện lên trong phim rất tinh tế, ở những chi tiết nhỏ nhất, từ chiếc ấm pha trà, đĩa hoa nhài mới hé... cho đến những câu đối đáp đầy trân trọng giữa cặp vợ chồng già.

NSND Đặng Nhật Minh kể chuyện người Hà Nội từ những mảnh ghép của cuộc sống ảnh 2

Phòng chiếu không còn một chỗ trống.

“Hoa Nhài” của đạo diễn Đặng Nhật Minh “hợp nhãn” với những khán giả yêu cái đẹp của sự cũ kỹ. Vốn là người kỹ tính, chỉn chu trong từng cảnh quay, góc máy, ở bộ phim này, bối cảnh ông lựa chọn hoàn toàn cũ kỹ. Từ căn nhà nhỏ với bộ sa-lông cũ, chiếc nồi cơm điện của thập kỷ trước, cái bát, cái rèm… cho đến những bậc cầu thang, hàng quán…, tất cả đều mang màu sắc bàng bạc của những gì còn sót lại từ quá khứ vẫn hiện diện đâu đó quanh đây trong đời sống.

Ở bộ phim này, vị đạo diễn 84 tuổi lựa chọn một cách kể chuyện thật khác biệt. Ông không xây dựng bối cảnh cầu kỳ, không dàn dựng, mà chỉ đơn thuần là đặt diễn viên vào nhân vật, và đặt nhân vật vào cuộc sống đời thường. Trong phim, người ta sẽ thấy ông già cắt tóc ngoài phố đối đáp với một thanh niên “đu trend” David Beckham, với cách phát tên cầu thủ đúng kiểu “đường phố”, thấy Đức đi mời khách đánh giày thật sự ở những quán cà phê, hay ngồi ăn một đĩa nộm ngoài hè phố cùng những người khách, chủ quán ngoài đời, hoặc chạy hớt hải giữa dòng người nườm nượp ngược xuôi trên phố đi bộ.

Người nhạc sĩ già chơi đàn và dạy hát cho học trò khiếm thị chính là lớp học thật sự ngoài đời của thầy trò GS, nhạc sĩ Tôn Thất Triêm. Trường dạy nghề Hoa Sữa cũng “vào phim” với tên thật, lớp học thật và cảnh làm bánh cũng hết sức thật. Khung cảnh trong phim cũng rất quen thuộc, từ những ngõ phố nhỏ lắt léo, những quán xá vỉa hè, cây cầu nhỏ bắc qua mương…, tưởng chừng có thể thấy ở bất cứ góc nào của Hà Nội.

NSND Đặng Nhật Minh kể chuyện người Hà Nội từ những mảnh ghép của cuộc sống ảnh 3

Đức Minsu và các diễn viên gạo cội Hoàng Huy, Minh Phương trong Lễ khai mạc Liên hoan phim.

Đức Minsu, diễn viên chính thủ vai cậu bé đánh giày chia sẻ, ở bộ phim này đạo diễn không hề dàn dựng. Tất cả những cảnh quay bên ngoài, trừ các diễn viên đảm nhận các nhân vật trong phim, còn lại nhân vật phụ hoàn toàn là người ngoài đường, và họ cũng hoàn toàn không để tâm (hoặc không biết đến) sự hiện diện của mình trên phim. “Bác nói với em là vào mua nộm ăn đi, em vào mua và ngồi ăn thật luôn để thực hiện cảnh quay. Cảnh đánh giày hay bưng phở cũng vậy” – Đức Minsu chia sẻ.

Tuổi đã cao, sức yếu, đi lại phải có người đỡ, nhưng vị đạo diễn vẫn rất hào hứng khi nói về bộ phim của mình: “Bộ phim là những gì tôi thấy được ở cuộc sống chung quanh mình. Tôi xin được cảm ơn Hà Nội và những người Hà Nội, những người tôi gặp hằng ngày trên đường phố, đã truyền cho chúng tôi cảm hứng để thực hiện bộ phim này. Không có Hà Nội, không có những người Hà Nội, thì chúng tôi không có bộ phim này”.

NSND Đặng Nhật Minh kể chuyện người Hà Nội từ những mảnh ghép của cuộc sống ảnh 4

Bộ phim được thực hiện từ năm 2018, trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, và cũng chịu ảnh hưởng trong giai đoạn làm hậu kỳ cho nên bị kéo dài. NSND Đặng Nhật Minh nói ông cũng bất ngờ khi phim của mình được lựa chọn dự tranh giải Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VI, bởi vì ở tuổi của ông, làm phim chỉ để thỏa mãn đam mê, để thấy tự do và hạnh phúc.

Còn khán giả cũng bất ngờ với bộ phim cuối cùng của ông, không phải bởi vì nó được làm ra từ bàn tay một đạo diễn ở tuổi bát tuần, mà còn vì cách ông nhìn và cho khán giả nhìn thấy những góc khác nhau của Hà Nội và người Hà Nội, dù tối, dù sáng, đều đẹp và đầy cốt cách, tinh thần Hà Nội.