“Đào, Phở và Piano” cháy vé – Cơ chế nào để phim Nhà nước tiếp cận khán giả?

NDO - “Đào, Phở và Piano” đang trở thành bộ phim được quan tâm đến nhiều nhất hiện nay, với sức nóng vượt qua cả “Mai” - phim đang có doanh thu kỷ lục gần 400 tỷ đồng của Trấn Thành. Với một bộ phim đề tài lịch sử do Nhà nước đặt hàng thì đây là một hiện tượng hiếm thấy.
0:00 / 0:00
0:00
Khán giả xếp hàng dài đợi xem phim. (Ảnh: VŨ ANH)
Khán giả xếp hàng dài đợi xem phim. (Ảnh: VŨ ANH)

“Cơn sốt” trên mạng xã hội

Một trong những hình ảnh ấn tượng nhất của những ngày này là cảnh khán giả xếp thành nhiều hàng dài chờ đợi mua vé xem phim “Đào, Phở và Piano” hoặc chờ vào phòng chiếu. Có lẽ từ lâu lắm rồi Hà Nội mới thấy lại cảnh tượng như vậy, đặc biệt là với một phim do Nhà nước đặt hàng, với đề tài lịch sử chiến tranh. Ngay cả với những phim có sức hút lớn về truyền thông, doanh thu “khủng” hàng trăm tỷ đồng cũng chưa từng thấy cảnh xếp hàng dài mua vé này.

“Đào, Phở và Piano” đã từng được công chiếu miễn phí cho khán giả Hà Nội, một số thành phố lớn và Đà Lạt hồi cuối năm 2023 trong khuôn khổ Tuần phim chào mừng Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23. Khi đó, cũng như nhiều phim khác trong Tuần phim, “Đào, Phở và Piano” chưa được chú ý đến nhiều, ngay cả khi phim sau đó giành giải Bông Sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23.

“Đào, Phở và Piano” cháy vé – Cơ chế nào để phim Nhà nước tiếp cận khán giả? ảnh 1

Một số diễn viên của phim đã bất ngờ xuất hiện và giao lưu với khán giả trong một suất chiếu. (Ảnh: VTV)

Chỉ đến khi phim được ra rạp một cách chính thức trong khuôn khổ dự án khai thác thương mại thí điểm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cùng với một phim truyện khác là “Hồng Hà nữ sĩ” và 6 phim hoạt hình, “Đào, Phở và Piano” mới tạo nên cơn sốt. Chỉ sau chưa đầy 1 tuần chiếu, bộ phim trở thành hiện tượng lan tỏa trên khắp các diễn đàn.

Khác với “Mai” của Trấn Thành được phát hành cùng thời điểm - phim thị trường vốn thường ra rạp với một chiến dịch truyền thông bài bản, “Đào, Phở và Piano” gần như hoàn toàn được “đặt” vào tay khán giả và chính giới trẻ lại là những người có phản hồi tích cực và lan tỏa mạnh mẽ về phim. Và liên tục, cơn sốt săn vé “Đào, Phở và Piano” dường như đã đẩy sức nóng của bộ phim vượt qua cả “Mai”.

“Đào, Phở và Piano” cháy vé – Cơ chế nào để phim Nhà nước tiếp cận khán giả? ảnh 2

“Đào, Phở và Piano” tăng suất chiếu nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu khán giả.

Trong mấy ngày gần đây, trên các diễn đàn đang lên cơn sốt "săn vé" xem phim "Đào, Phở và Piano". Nhiều bạn trẻ cho biết rất muốn đi xem phim nhưng không mua được vé.

Tuấn Vũ và Mai Linh, hai sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội săn được vé xem “Đào, Phở và Piano” qua một ứng dụng của ngân hàng. “Mua qua ứng dụng ngân hàng thì không bị quá tải và không bị out, nhưng khi chúng em chọn vé cũng đã gần như kín hết chỗ của các suất chiếu trong ngày, chỉ còn sót lại đúng hai chỗ ngồi của suất chiếu giữa trưa, hơi bất tiện nhưng cũng còn hơn không mua được vé” – hai bạn trẻ chia sẻ.

Còn với Minh Anh, một phóng viên trẻ thì không được may mắn như vậy khi app ngân hàng của cô sử dụng không có Trung tâm Chiếu phim Quốc gia trong danh sách, vì thế cô đã phải đến tận nơi xếp hàng mua vé ngay trong ngày đầu tiên và chấp nhận xem suất chiếu vào đầu buổi sáng. “Tấm vé em mua cũng là tấm vé duy nhất còn lại của ca đó” – Minh Anh cho biết.

Không chỉ khán giả Hà Nội, đông đảo khán giả ở nhiều tỉnh, thành phố khác cũng bày tỏ mong muốn phim nhanh chóng được chiếu rộng rãi ở địa phương mình. Có thể nhận thấy ở các diễn đàn trên mạng xã hội, các trang fanpage bàn về phim ảnh, những post nhiều tương tác nhất đều có chủ đề về “Đào, Phở và Piano”.

Và nghịch lý phát hành

Một nghịch lý cho “Đào, Phở và Piano” là trong khi nhu cầu khán giả xem phim rất cao thì số lượng suất chiếu phim và địa điểm chiếu phim vẫn quá ít so với nhu cầu. Những ngày đầu, chỉ có vỏn vẹn 3 suất chiếu mỗi ngày tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, trong khi “Mai” có số suất chiếu cao hơn gấp 20 lần, còn các phim khác cũng phải gấp vài lần là ít nhất.

Theo thống kê của Box Office Việt Nam cuối tuần trước, “Đào, Phở và Piano” có 19 suất chiếu (chỉ ở Trung tâm Chiếu phim Quốc gia), trong khi các phim thương mại khác có số suất chiếu từ vài trăm đến vài nghìn, cao nhất là “Mai” với 13.234 suất chiếu, ở khắp cả nước.

Hiện nay, phim đã tăng số suất chiếu lên 16 suất mỗi ngày, nhưng cũng chưa bằng một nửa so với 38 suất mỗi ngày của “Mai”. Kể từ ngày 23/3, số suất chiếu của “Đào, Phở và Piano” tăng lên từ 19-23 suất chiếu mỗi ngày, tùy vào ngày thường hay cuối tuần.

Cuối tuần trước và đầu tuần này, số lượng khán giả tiếp cận được vé “Đào, Phở và Piano” rất ít và rất khó khăn. Người vào được ứng dụng hoặc web cũng phải chờ đợi khá lâu hoặc bị out. Vé xem “Đào, Phở và Piano” giai đoạn này được ví như vé xem Blackpink hoặc vé trúng thưởng xổ số độc đắc.

“Đào, Phở và Piano” cháy vé – Cơ chế nào để phim Nhà nước tiếp cận khán giả? ảnh 3

Trang web của Beta Cinema quá tải, không hoạt động được.

Số người truy cập vào Web và app của Trung tâm Chiếu phim Quốc gia quá đông khiến cả hai quá tải đến mức chưa thể phục hồi và cụm rạp này đã phải bán vé theo phương thức truyền thống là tại quầy. Nhiều người đến xếp hàng từ sớm ngay sau khi biết thông báo này và thậm chí chấp nhận xem suất sớm nhất trong ngày (khoảng hơn 8 giờ sáng) mặc dù vẫn đang trong tuần. Quầy vé và các phòng chiếu lại tiếp tục quá tải với những hàng người xếp dài chờ mua vé hoặc chờ vào xem phim.

Những diễn biến này đã khiến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Cục Điện ảnh phải vào cuộc. Cục Điện ảnh đã đề xuất chiếu rộng rãi “Đào, Phở và Piano” trên phạm vi toàn quốc, còn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khuyến khích các đơn vị, cơ sở phát hành chiếu phim. Hai đơn vị tư nhân đầu tiên nhận chiếu phim là Beta Cinema và Cinestar, và rất nhanh sau đó, trang web của Beta Cinema cũng rơi vào tình trạng quá tải và tê liệt. Beta cũng phải chuyển sang bán vé trực tiếp tương tự như Trung tâm Chiếu phim Quốc gia.

Hiện tại, với hệ thống rạp chiếu của Beta Cinema, khán giả tại 11 tỉnh, thành phố, và khán giả tại Thành phố Hồ Chí Minh với cụm rạp Cinestar có thể xem được phim bắt đầu từ ngày 22 hoặc 23/2 tùy theo lịch chiếu của từng rạp. Nhưng sức nóng của “Đào, Phở và Piano” có vẻ vẫn chưa hạ nhiệt.

Làm sao để phim Nhà nước đến được với đông đảo công chúng?

Việc khán giả khó tiếp cận dòng phim Nhà nước đầu tư là một thực trạng không thể phủ nhận hiện nay. Không khó để thấy, hằng năm vẫn có một số phim Nhà nước được đầu tư chỉn chu về đề tài lịch sử, cách mạng, chiến tranh, có tính giáo dục, nghệ thuật cao, nhưng phần lớn chỉ được chiếu trong các tuần phim, đợt phim tuyên truyền với số buổi chiếu hạn hẹp. Số đông công chúng rất khó tiếp cận được các phim này. Một số phim may mắn hơn, được tải lên một số nền tảng như Youtube, hoặc chiếu trên VTV, nhưng không phải ai cũng có thông tin và tiếp cận được, và hiển nhiên là chất lượng phim khi xem ngoài rạp khác hoàn toàn với xem trên mạng qua các thiết bị.

“Đào, Phở và Piano” cháy vé – Cơ chế nào để phim Nhà nước tiếp cận khán giả? ảnh 4

Chưa từng có cảnh khán giả xếp hàng chờ đợi xem phim lịch sử như thế này tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia.

Một trong những lý do, là thiếu kinh phí phổ biến phim. Cục trưởng Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết, “Đào, Phở và Piano” được Nhà nước đầu tư kinh phí sản xuất, nhưng chưa có kinh phí phát hành, vì thế khi chiếu trên toàn quốc cần có thêm quy định về tỷ lệ phần trăm cho nhà phát hành.

Nữ đạo diễn, biên kịch, sản xuất phim Nguyễn Thị Hồng Ngát cũng từng chia sẻ về phim “Hồng Hà nữ sĩ” rằng, phim chỉ được đầu tư kinh phí sản xuất, và cũng phải “cân đo đong đếm” rất nhiều, hoàn toàn không có kinh phí phát hành.

“Hơn 300 rạp trong cả nước đều của tư nhân, Trung tâm Quốc gia có chiếu phim Nhà nước nhưng cũng phải hạch toán. Tôi đã từng làm việc với CGV là hệ thống phát hành tư nhân lớn nhất ở Việt Nam hiện nay, họ rất ủng hộ phim, nhưng để phát hành được ở đây cũng phải mất vài tỷ đồng cho phát hành, cùng với quảng bá, chạy trailer, quảng cáo, thông tin báo chí. Với phim này, họ chỉ lấy khoảng 1 tỷ đồng, nhưng chúng tôi cũng không có tiền” – bà Hồng Ngát cho biết. Với “Hồng Hà nữ sĩ”, phía CGV mở ra khả năng trừ tiền phát hành vào doanh thu vé phim, nhưng nữ đạo diễn cho biết, bà sợ khả năng bán vé của phim lịch sử, nghệ thuật không cao như phim thị trường nên không dám “mạo hiểm”.

Với trường hợp của “Đào, Phở và Piano”, hai cụm rạp Beta Cinema và Cinestar nhận chiếu hoàn toàn phi lợi nhuận, tiền vé thu được nộp lại vào ngân sách Nhà nước.

Như vậy, có thể thấy khó khăn chung của dòng phim Nhà nước khi đến với công chúng không chỉ còn là thiếu kinh phí phát hành, mà còn thiếu cả cơ chế phù hợp. Sức nóng của “Đào, Phở và Piano” cho thấy một thực tế rằng, nếu như phim tốt, có câu chuyện thu hút, có cách kể chuyện chạm đến cảm xúc của người xem, thì có thể đem lại tác động rất lớn. Với những hàng dài khán giả kiên nhẫn chờ đợi đến lượt mình được sở hữu một tấm vé xem “Đào, Phở và Piano”, hoặc đơn giản hơn là chờ vào rạp, có lẽ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần có những cơ chế phù hợp hơn để phổ biến những bộ phim tuyên truyền, vừa đáp ứng được nhu cầu khán giả, vừa đạt được mục tiêu tuyên truyền, giáo dục, đưa những giá trị thẩm mỹ, nhân văn… đến với công chúng.