Phóng viên: Xin anh chia sẻ suy nghĩ khi bộ phim “Đào, phở và piano” bất ngờ nhận được sự quan tâm rất lớn từ công chúng?
NSND Trần Lực: Khác với mục đích làm phim vì lợi nhuận của đơn vị tư nhân, các bộ phim do nhà nước sản xuất chủ yếu phục vụ nhiệm vụ chính trị hay bảo tồn, phát huy lịch sử, văn hóa dân tộc... Tuy nhiên do hạn chế về vốn sản xuất, những bộ phim lịch sử như thế thường ít kinh phí cho hoạt động truyền thông. Bởi vậy, bản thân tôi và đoàn làm phim rất bất ngờ khi “Đào, phở và piano” được đông đảo khán giả, đặc biệt là các bạn trẻ hết sức quan tâm những ngày qua.
Nhưng ngẫm lại, nếu làm tốt về truyền thông và bộ phim chất lượng thực sự tốt sẽ đem lại kết quả như vậy. Tôi phải công nhận rằng truyền thông truyền miệng của cộng đồng là một kênh quảng bá mạnh mẽ không kém gì những người có sức ảnh hưởng (KOL) trên mạng xã hội.
Kết hợp chất “xúc tác” ban đầu kể trên, bản thân bộ phim cũng hấp dẫn, trước tiên ở cách kể chuyện sáng tạo, hợp với khán giả của thế kỷ 21. Nội dung phim vừa khơi dậy cảm xúc bi tráng của lòng yêu nước, vừa chạm vào trái tim người xem theo cách nhẹ nhàng, giản dị như cuộc sống đời thường, đồng thời nhấn mạnh được tính nhân văn trong quan hệ của người Hà Nội với nhau.
Nhân vật ông họa sĩ già bám trụ Hà Nội trước cuộc chiến do NSND Trần Lực thể hiện. |
Phóng viên: Là một đạo diễn và diễn viên nhiều năm kinh nghiệm, xin anh chia sẻ về nhân vật họa sĩ già mà anh đóng và các tuyến nhân vật khác trong phim, cũng như một vài kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình làm phim.
NSND Trần Lực: Tôi làm điện ảnh cũng hơn 20 năm với nhiều bộ phim nhưng đây là lần đầu tiên tôi đóng nhân vật không tên, chỉ đơn giản là một ông họa sĩ già, giống các nhân vật khác như ông bán phở, chú bé đánh giày, anh lính tự vệ... Tất cả các nhân vật trong phim đại diện cho các tầng lớp người dân Hà Nội năm 1947, nhưng để ý kỹ sẽ thấy tất cả họ quy tụ lại thành hình tượng người Hà Nội xưa. Trong đó có sự lãng mạn, mãnh liệt khi yêu của đôi trẻ, tinh tế trong văn hóa ẩm thực của ông bán phở, tài năng hào hoa và lãng mạn của ông họa sĩ, tình yêu hòa bình và tận hiến của cha xứ...
Còn nhớ trước khi làm phim, tôi và nhiều thành viên đoàn có ngồi cà-phê với đạo diễn Phi Tiến Sơn và anh chia sẻ mong muốn làm một bộ phim để “trả ơn” Hà Nội, mảnh đất sinh thành. Tôi chợt nhận ra bao năm làm nghề cũng chưa đóng góp được gì để cho mọi người thấy Hà Nội đẹp thế nào. Thế là cá nhân tôi và anh, chị em trong đoàn làm phim đều tham gia bộ phim với tâm thế tri ân, tâm huyết hết sức với vai diễn của mình.
Phóng viên: Góp phần làm nên thành công của bộ phim “Đào, phở và piano” là sự chỉn chu, đầu tư nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử. Đặc biệt, không quá khi nói đây là phim lịch sử đầu tiên được nhà nước đầu tư xây dựng phim trường công phu. Là một đạo diễn lâu năm, anh nhận xét như thế nào về yếu tố này?
NSND Trần Lực: May mắn tham gia nhiều phim đề tài chiến tranh quy mô trước đây, nhưng đây là phim hiếm hoi có phim trường hoành tráng. Trước đây khi tham gia một số phim như “Hoa ban đỏ”, “Người đi tìm dĩ vãng”... đoàn làm phim chủ yếu tận dụng môi trường tự nhiên hoặc dựng thêm đạo cụ vào. Nhưng phải khẳng định, phim trường đầu tiên tại Việt Nam của “Đào, phở và piano” thực sự tạo cảm xúc mạnh hơn cho các diễn viên khi hóa thân vào nhân vật. Các họa sĩ và bộ phận thiết kế đã tạo dựng thành công một góc Hà Nội với không khí kháng chiến của năm 1947.
Cảnh trong phim. |
Phóng viên: Hiện tại đã có hai đơn vị tư nhân tham gia chiếu phim phi lợi nhuận cùng với Trung tâm chiếu phim quốc gia. Xin anh cho biết ý kiến về một viễn cảnh khi nhà nước kết hợp với các đơn vị tư nhân để làm phim lịch sử?
NSND Trần Lực: Hiện nay, quản lý nghệ thuật còn nhiều điểm bất cập. Thí dụ như việc phát hành “Đào, phở và piano” đã cho thấy sự lúng túng. Nguyên nhân là chưa có luật hay cơ chế để phim do nhà nước tài trợ được phát hành rộng rãi như phim tư nhân ngoài thị trường. Thực ra có nhiều lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nhìn nhận được vấn đề này, nhưng giải pháp lại cần sự đồng bộ của các bộ, ban ngành khác.
Không chỉ ở Việt Nam mà ngay ở nước ngoài, nếu như chưa có sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước nhiều và bài bản hơn, như thành lập quỹ điện ảnh hoặc đầu tư thêm dự án riêng lẻ, thì điện ảnh quốc gia rất khó phát triển. Nghệ thuật ngoài giải trí phải gắn với một thông điệp ý nghĩa để không bị chìm vào quên lãng. Thế nhưng hiện tại, chúng ta mới chỉ làm những bộ phim giải trí để thu lợi nhuận. Đó là điều tốt nhưng chưa đủ vì cần thêm những tác phẩm điện ảnh chất lượng cao để dung hòa giữa nghệ thuật và thương mại.
Ngoài ra, anh chị em làm nghề rất mong có thêm cơ chế và điều luật để phim lịch sử được tài trợ hoặc hợp tác sản xuất giữa nhà nước với tư nhân, đặc biệt sau đó là khâu phát hành. Lợi ích của việc này trước tiên là đem các bộ phim lịch sử đến gần khán giả, thứ hai là bắt buộc những người làm phim phải làm thật hay. Nếu không đạt chất lượng thì chính họ sẽ bị khán giả phê bình, suy giảm uy tín với các đơn vị sản xuất và khó tiếp tục làm phim khác.
Phóng viên: Xin cảm ơn anh!