Một góc triển lãm. |
Có thể nói, trong đời sống mỹ thuật xứ Huế những năm gần đây, những sáng tác và nhiều triển lãm chung cùng một số giải thưởng mỹ thuật danh giá của hai họa sĩ Đặng Thu An và Nguyễn Đức Huy là một hiện tượng khá nổi bật và được công chúng chú ý. Môi trường làm việc ở Trường đại học Nghệ thuật và Trường đại học Sư phạm (Đại học Huế) của hai họa sĩ đã đã tạo cho họ những sự gần gũi và cảm hứng sáng tạo cho nhau. Tình cảm gia đình và nghề nghiệp đã gắn kết những đam mê, sáng tạo của An và Huy để có nhiều sáng tác chất lượng nghệ thuật, được đón nhận ở các triển lãm trong và ngoài nước.
Họa sĩ Đặng Thu An. |
Theo PGS,TS Phan Thanh Bình, Trường đại học Nghệ thuật Huế: “Tranh sơn dầu của Đặng Thu An có sự trong trẻo ở sắc màu, sự thầm kín nội tâm qua những khuôn mặt tưởng chừng tư lự ở những tranh gợi mở về nét đẹp của người thiếu nữ Việt hiện đại, nhưng cũng có lúc “ buông” và “ thả” một cách tinh tế khi đưa ta về những nghĩ suy xa xăm mà sâu lắng. Một số tranh gợi lên những xúc cảm duyên thầm mà hình như chị rất muốn được cảm nhận đúng với chính nó như Vườn ảo mộng, Hương đêm, Lụa là 02, Vân mây đỏ, Chùm hoa lựu và màu nắng mật… Tác phẩm Ngày có nắng bỗng như cung bậc khác lạ vang lên sắc âm của những ý niệm giấu kín, khó giải bày dù có những sự “mở” đầy kín đáo và đồng cảm. Những nét đẹp lâu nay tưởng như hiển nhiên ở bóng hình thiếu nữ bỗng có lúc bí ẩn hơn, lặng thầm duyên kín khiến ta phải cảm nhận, suy tưởng chứ không chỉ là nhìn thấy. Trong Hương bưởi, chị thể hiện một sự cân nhắc khá cận trọng về tỷ lệ, hình họa và nhấn sâu hơn nội tâm, sự kín đáo đầy nữ tính của nhân vật”.
Họa sĩ Nguyễn Đức Huy. |
Còn Nguyễn Đức Huy “như muốn kể những câu chuyện tình mang tính đồng vọng bởi thời gian, tranh về chuyện tình của anh có sự đồng hiện của quá khứ và hiện tại, với những bức sơn mài có sự kết hợp sắc thái tạo hình ước lệ và điểm hoa văn trang trí gợi nhớ về màu và nét trong nghệ thuật pháp lam thời Nguyễn. Có lẽ anh nghiên cứu và vận dụng khá nhuyễn nên mỗi tranh sơn mài có một sự ẩn dấu nét đẹp pháp lam xưa trong những tà váy hiện đại, tạo ra những “ký hiệu” mang tính thời gian như những tác phẩm Vườn thiên nhiên, Duyên trăng, Mộng dưới hoa, Hương quỳnh… hiện ra một cách tự tại kiểu: “ Nó là nó nhưng nó không chắc là nó” (Hegel). Một loạt tranh như Thảo nguyên đỏ, Dưới tán cây, Dưới ánh trăng... làm người xem nhớ về những truyền thuyết cổ, nhưng chúng hiện ra trong những hình hài cấu trúc của sơn mài hiện đại. Ngay cả Tỏ tình, Đêm xanh, Nụ hôn trong gió, Tự tình… cũng phảng phất một câu chuyện tình đâu đó trên núi cao, rừng thẳm, những nụ hôn cháy bỏng giữa đại ngàn, nơi người ta yêu nhau với lời hẹn thề vang vọng trước thần Núi. Hay những vòng tay ôm ấp tình tứ mà hoang dại nơi đồng quê với làn khói lam chiều. Anh cũng tỏ ra rất bản lĩnh với một sự chuyển sắc nóng sang lạnh khá bất ngờ có sức biểu cảm cao ở những tranh Tự tình 01, Tự tình 04… đầy say đắm bởi tình yêu muôn thuở của nhân loại”.
Tác phẩm của họa sĩ Thu An. |
Tôi ấn tượng về những cô gái trong tranh của Thu An, nhất là những tà áo dài tung tăng bay trong gió, màu sắc rực rỡ lan tỏa nhiều sức sống, đầy năng lượng như chính con người hoạ sĩ. Những cô gái trong tranh của Đặng Thị Thu An như có chút bỡn cợt, như trêu đùa với người xem, chút lém lỉnh của các cô gái rất cá tính, nhưng không mất đi sự yểu điệu thục nữ trong những cá tính ấy. Ở Việt Nam đã có rất nhiều họa sĩ vẽ thiếu nữ với áo dài, nhưng những thiếu nữ áo dài trong tranh của Thu An lại có sức cuốn hút kiểu khác, sôi nổi, hướng ngoại, cá tính; đài các nhưng không xa cách, kiêu sa nhưng lém lỉnh, rực rỡ nhưng đoan trang…
Tác phẩm của họa sĩ Đức Huy. |
Có thể nói, triển lãm “An và Huy” là cuộc đối thoại của cặp vợ chồng họa sĩ có sự đồng điệu về tâm hồn nhưng vẫn mang những màu sắc cá tính riêng biệt. Họ sống trong một ngôi nhà bình yên ở Huế, làm công việc giảng dạy ở trường đại học. Họ luôn đồng hành, hỗ trợ nhau trong công việc cũng như đời sống gia đình. Triển lãm "An và Huy" lần thứ hai này cho thấy tình yêu và sức lao động bền bỉ của cặp vợ chồng họa sĩ, để định vị một cái tên trong đời sống Mỹ thuật đương đại.