Cùng hành động để phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới

NDO - Ngày 5/12, hơn 100 đại biểu đại diện đại diện Ủy ban bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em ASEAN, Ban Thư ký ASEAN; đại diện các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, cơ quan của Liên hợp quốc, tổ chức phi Chính phủ quốc tế, tổ chức xã hội; một số sở, ban, ngành và đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ người bị bạo lực ở địa phương đã tham gia thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm triển khai các mô hình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tại Việt Nam và các nước khu vực Đông Nam Á (ASEAN).
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa. (Nguồn: UNICEF)
Ảnh minh họa. (Nguồn: UNICEF)

Hội thảo do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam đồng tổ chức nhằm góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021-2025 và Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới 2030, hướng đến đẩy mạnh việc hiện thực hóa Chương trình nghị sự toàn cầu Mục tiêu Phát triển Bền vững 2030.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ Chương trình chung Xóa bỏ Bạo lực với Phụ nữ và Trẻ em tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 do UN Women, UNFPA và UNICEF phối hợp với chính phủ Việt Nam thực hiện với sự tài trợ của chính phủ Úc.

Đây cũng là hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023 (diễn ra từ ngày 15/11-15/12) và Chiến dịch Đoàn kết toàn cầu (UniTE)16 ngày hành động chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới của Liên hợp quốc (25/11-10/12).

Phát biểu tại Hội thảo, bà Caroline Nyamayemombe, Quyền Trưởng đại diện Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam (UN Women) cho biết: “Đại dịch Covid-19, các thảm họa do biến đổi khí hậu và xung đột vũ trang gần đây càng làm gia tăng tỷ lệ bạo lực trên cơ sở giới trên toàn cầu, phủ bóng đen lên cuộc sống của vô số cá nhân trong xã hội, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái. Vấn đề này không chỉ đòi hỏi sự quan tâm của các chính phủ mà còn cần tới những nỗ lực, hành động tập thể và các phương pháp tiếp cận sáng tạo, bền vững để thúc đẩy sự thay đổi. Sự hiện diện của lãnh đạo các cơ quan hữu quan tại Việt Nam cũng như đại diện của các nước khu vực ASEAN cho thấy một cam kết chung và quyết tâm giải quyết những thách thức sâu xa do BLTCSG đặt ra một cách tổng thể và có hệ thống, hướng đến một xã hội không có bất kỳ hình thức bạo lực nào đối với mọi người”.

Năm nay, chiến dịch Đoàn kết toàn cầu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư tài chính cho phòng ngừa bạo lực trên cơ sở giới. Trên toàn cầu, ước tính việc thực hiện các chương trình phòng ngừa và ứng phó nhằm chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới ở 132 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình vào năm 2030 sẽ cần tới 42 tỷ USD.

Theo Nghiên cứu Quốc gia về Bạo lực đối với Phụ nữ ở Việt Nam năm 2019, bạo lực đối với phụ nữ đang khiến Việt Nam thiệt hại ước tính khoảng 1,8% GDP mỗi năm (2018). Các chi phí liên quan đến việc sống chung với bạo lực như chăm sóc sức khỏe, dịch vụ pháp lý và thu nhập bị hao hụt, cũng như giảm năng suất do hiệu suất làm việc giảm và tình trạng vắng mặt - chiếm gần 2% GDP của đất nước.

Nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của khủng hoảng, việc đầu tư vào các hoạt động phòng ngừa bạo lực với phụ nữ và trẻ em không chỉ là tốt hơn cho phụ nữ, trẻ em và hộ gia đình mà còn mang lại những lợi ích bền vững cho nền kinh tế.

Trước thực trạng đó, Việt Nam và các quốc gia thành viên ASEAN đã nỗ lực trong việc thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới (BLTCSG) và đạt được những bước tiến tích cực, trong đó có việc thực hiện các mô hình hiệu quả nhằm phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới dựa trên bằng chứng.

Hội thảo là cơ hội để Việt Nam và các quốc gia trong khu vực chia sẻ, học hỏi chính sách, chiến lược, kinh nghiệm về các mô hình thành công và bài học rút ra từ thực tế cho việc triển khai công tác này một cách hiệu quả hơn.

Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu đã lắng nghe chia sẻ về Tổng quan công tác phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tại Việt Nam và các mô hình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới nổi bật, đầy hứa hẹn tại Việt Nam theo khung lý thuyết và thực hành toàn cầu về phòng ngừa bạo lực trên cơ sở giới “Respect Women” (tạm dịch: tôn trọng phụ nữ) và Khung ứng phó bạo lực giới toàn cầu có tên Gói dịch vụ thiết yếu cho phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực (ESP).

Bên cạnh đó, Hội thảo còn có sự tham dự và chia sẻ của Ban Thư ký ASEAN về tổng quan công tác phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trong khu vực. Các quốc gia Thái Lan, Campuchia, Philippines, Malaysia cũng đã mang đến hội thảo các mô hình điển hình của mình trong việc phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.