Covid-19 làm bộc lộ rõ hơn, sớm hơn một số hạn chế của thị trường lao động

Sau hơn hai năm diễn biến phức tạp, dịch Covid-19 đã để lại những tác động nặng nề, đồng thời bộc lộ một số hạn chế của thị trường lao động nước ta. Do đó, rất cần những giải pháp tích cực nhằm phục hồi, ổn định thị trường lao động trong nước sau đại dịch.
0:00 / 0:00
0:00
Thị trường đang thiếu hụt nguồn nhân lực có có kỹ năng (Ảnh minh họa: Lưu Hà).
Thị trường đang thiếu hụt nguồn nhân lực có có kỹ năng (Ảnh minh họa: Lưu Hà).

Covid-19 và những tác động khó lường đến thị trường lao động

Đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực, ảnh hưởng mạnh đến thị trường lao động thời gian qua. Tính trong quý II năm 2022, cả nước vẫn còn hơn 8 triệu người từ 15 tuổi trở lên chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Trong đó, có 0,4 triệu người bị mất việc, chiếm 5,3%; 0,5 triệu người không tìm được việc làm, chiếm 5,7%; 2,2 triệu người phải tạm nghỉ, tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh, chiếm 27,6%; 2,4 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, chiếm 29,5%. Cùng với đó, 6,5 triệu lao động bị giảm thu nhập, chiếm 81,7%.

Tại Hội nghị "Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập" diễn ra ngày 20/8, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhận định, đại dịch Covid-19 đã làm bộc lộ rõ hơn, sớm hơn một số hạn chế của thị trường lao động nước ta.

Covid-19 làm bộc lộ rõ hơn, sớm hơn một số hạn chế của thị trường lao động ảnh 1

Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung (Ảnh: Trần Hải).

Cụ thể, trước hết, trên bình diện cả nước, cung lao động còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập. Điều này thể hiện ở số lượng lao động có trình độ, kỹ năng nghề cao còn nhỏ. Chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của thị trường lao động; năng lực cạnh tranh quốc gia còn thấp, chưa tận dụng được hết cơ hội của thời kỳ dân số vàng để thu hút nguồn lực đầu tư FDI. Hạn chế về trình độ, kỹ năng nghề khiến lao động khó có thể có được việc làm bền vững và chuyển dịch linh hoạt trong một thị trường lao động đang biến chuyển không ngừng.

Đại dịch Covid-19 đã làm bộc lộ rõ hơn, sớm hơn một số hạn chế của thị trường lao động nước ta (Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung)

Thứ hai, cầu lao động của nền kinh tế cũng chưa đủ “hiện đại”, chưa có đủ việc làm bền vững để đáp ứng nhu cầu việc làm phù hợp với nguyện vọng của người lao động.

Tổng cầu của nền kinh tế hiện tại thể hiện thông qua số người đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân. Cầu lao động còn chưa hiện đại thể hiện qua các số liệu sau: Tổng số lao động đang làm việc hiện nay là 50,54 triệu người, bao gồm 13,9 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 27,5% tổng số; khu vực công nghiệp và xây dựng 16,8 triệu người, chiếm 33,24%; khu vực dịch vụ 19,8 triệu người, chiếm 39,18%. Lao động dịch chuyển khỏi ngành nông nghiệp, đa số chuyển sang làm việc trong các ngành công nghiệp gia công, lắp ráp. Lao động đi làm việc có hợp đồng ở ngoài nước chủ yếu tham gia các công việc giản đơn, giá trị gia tăng thấp hay các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng thấp.

Thứ ba, nhìn tổng thể, ở thời điểm hiện tại thị trường lao động Việt Nam vẫn là một thị trường dư thừa lao động, có trình độ, kỹ năng thấp và sự phát triển không đồng đều. Tình trạng mất cân đối cung-cầu lao động cục bộ giữa các vùng miền, khu vực, ngành nghề kinh tế đã và đang tồn tại. Cơ chế kết nối cung-cầu và tự cân bằng của thị trường còn yếu, mà lý do chính là hệ thống thông tin trên thị trường lao động chưa được phát triển đầy đủ.

Thứ tư, phương thức quản trị thị trường lao động còn nhiều yếu kém, rời rạc, thiếu tính kết nối. Năng lực cán bộ là khâu yếu nhất của quản trị thị trường lao động. Thiếu các chuyên gia và đội ngũ cán bộ có đủ kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm để dự báo, phân tích xu thế và đề xuất giải pháp quản lý thị trường lao động có hiệu quả.

Thứ năm, hệ thống an sinh xã hội phát triển chưa bền vững, lưới an sinh xã hội chưa đủ sức đảm đương phòng ngừa, khắc phục và chống chịu rủi ro bền vững cho người lao động.

Thời gian qua, Chính phủ đã tập trung tháo gỡ những “nút thắt” về thể chế để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư để tạo việc làm. Song hành với đó là xây dựng hệ thống thông tin thị trường lao động, phân tích dự báo thị trường lao động; triển khai các hoạt động hỗ trợ kết nối cung-cầu lao động, tạo việc làm cho người lao động.

Trong hai năm 2020 và 2021, để hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ “chưa từng có tiền lệ”.

Cụ thể, thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Nghị quyết số 116/NQ-CP, từ năm 2021 đến nay, trung ương và các địa phương đã dành tổng kinh phí hơn 82 nghìn tỷ đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ. Qua đó, gần 728.500 lượt người sử dụng lao động và hơn 49,7 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác đã được hỗ trợ.

Mới đây nhất, cuối tháng 3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Chính sách nhân văn đầy ý nghĩa này nhằm "giữ chân" người lao động và “thu hút” lao động trở lại làm việc.

Phục hồi, ổn định thị trường lao động

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, thế giới việc làm và thị trường lao động quốc tế đã và đang thay đổi nhanh chóng dưới tác động cộng hưởng của đại dịch Covid-19. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng đặt ra những vấn đề mới. Nhiều việc làm, kỹ năng cũ sẽ mất đi hoặc giảm mạnh, xuất hiện nhiều việc làm mới, kỹ năng mới; trí tuệ nhân tạo, robot, máy móc sẽ đóng vai trò ngày một lớn trong sản xuất và thay thế nhiều vị trí việc làm hiện tại. Nước ta cũng có tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ thấp, mới đạt 26,2%. Đây là một thách thức không nhỏ trong bối cảnh hiện nay.

Trong mô hình tăng trưởng mới, quy mô thị trường lao động đến năm 2025 là gần 60 triệu người. Trong đó, hơn 70% làm việc trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ. Việt Nam sẽ là thị trường lao động theo hướng hiện đại với nhiều ngành nghề mới, nhiều phân lớp thị trường nhân lực, đòi hỏi những tiêu chuẩn lao động mới, kỹ năng mới.

Nhằm phục hồi, ổn định thị trường lao động sau đại dịch Covid-19, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trước mắt cần triển khai một số giải pháp.

Thứ nhất, tăng cường công tác thông tin truyền thông để khẳng định với các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước: Thị trường lao động minh bạch, hệ thống giáo dục quốc dân, giáo dục nghề nghiệp Việt Nam đủ điều kiện, khả năng để cung ứng nhân lực theo yêu cầu của các doanh nghiệp.

Thứ hai, khẩn trương rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực theo từng ngành, lĩnh vực, từng vùng để kịp thời kết nối việc cung ứng nhân lực. Đặc biệt là đánh giá nhu cầu nhân lực của các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.

Thứ ba, rà soát, đánh giá, sắp xếp tổ chức, đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thứ tư, tổ chức thực hiện các biện pháp để giải quyết nhu cầu thiếu nhân lực cục bộ, giảm sự mất cân đối cung-cầu lao động. Phát triển các hình thức giao dịch việc làm theo hướng hiện đại trên nền tảng công nghệ số; thu hút lao động tại chỗ, đào tạo, đào tạo lại, đào tạo thích ứng cho lực lượng lao động đang làm việc.

Về lâu dài, để phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề xuất bảy giải pháp cụ thể.

Trước hết, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để phát triển đồng bộ các yếu tố của thị trường lao động, nâng cao hiệu quả hoạt động của các định chế trung gian của thị trường, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động. Nâng cao hiệu quả tổ chức, vận hành thị trường lao động.

Tiếp đó, thúc đẩy tạo việc làm bền vững, sử dụng lao động hiệu quả thông qua các chương trình, đề án, chính sách tín dụng hỗ trợ tạo việc làm, tham gia thị trường lao động, đặc biệt quan tâm đến các nhóm lao động đặc thù, lao động yếu thế.

Cùng với đó, nghiên cứu, rà soát, đánh giá năng lực hệ thống các cơ sở đào tạo, các kiến nghị và đóng góp ý kiến của yêu cầu của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp FDI để kịp thời triển khai các giải pháp đào tạo, nâng cao năng lực kỹ năng nghề cho công nhân lao động, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh đào tạo nghề nghiệp cho người lao động cả trước-trong-sau quá trình tham gia thị trường lao động; cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề, trình độ của lao động trong các doanh nghiệp, doanh nghiệp FDI, nhất là các ngành nghề khoa học-kỹ thuật-công nghệ và đào tạo các chuyên ngành mới trong chuyển đổi số như trí tuệ nhân tạo (AI), khoa học dữ liệu, dữ liệu lớn, IoT, chuỗi khối,… Tổ chức thực hiện các giải pháp phù hợp để phân luồng học sinh, sinh viên, hướng tới phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao và cơ cấu phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế.

Thêm nữa, đầu tư công tác dự báo cung-cầu, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động với nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động hiện đại, đồng bộ. Cơ sở dữ liệu này có sự kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu dân cư, đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm.

Ngoài ra, hỗ trợ phát triển lưới an sinh và bảo hiểm thông qua cung cấp thông tin và dịch vụ tư vấn pháp lý miễn phí cho người lao động khi tham gia thị trường lao động.

Cuối cùng, phổ biến các hệ thống chứng nhận nghề, kỹ năng theo tiêu chuẩn quốc tế để hỗ trợ người lao động được tham gia các thị trường lao động trong và ngoài nước. Đồng thời, xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển thị trường lao động đặc thù, nhất là cho phát triển thị trường lao động nông thôn, phát triển lao động làm công ăn lương trong khu vực kinh tế tư nhân và phát triển thị trường lao động trình độ cao.