Toàn tỉnh Long An có trên 400 nghìn lao động trong và ngoài tỉnh làm việc trong các doanh nghiệp thuộc ngành dệt may, da giày, điện, điện tử, cơ khí, xây dựng, chế biến… Đời sống của người lao động còn gặp nhiều khó khăn, thu nhập thấp và chưa ổn định; không có nhà ở; giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng cao; thiếu nhà nhà trẻ cho con công nhân, tình trạng tín dụng đen đang bủa vây công nhân...
Công nhân Nguyễn Văn Nam, Công ty Trách nhiệm hữu hạn giày Ching Luh Việt Nam phản ánh tình trạng tín dụng đen và đòi nợ thuê “kiểu giang hồ” trở nên phổ biến.
Nhiều trường hợp, giám đốc công ty và nhân viên nhân sự nhận được các cuộc gọi đe dọa để đòi nợ; thậm chí là bôi nhọ, làm xấu hình ảnh doanh nghiệp và cá nhân trên mạng xã hội vì những “món nợ” không liên quan, điều này gây ảnh hưởng lớn về mặt tâm lý, tinh thần của nhiều người và hoạt động của doanh nghiệp.
Mặc dù pháp luật có quy định xử lý hành vi trên như Bộ luật Hình sự, Luật An ninh mạng..., song thực tế tình trạng này vẫn còn tiếp diễn.
Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Long An Hồ Văn Dân cho biết, trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục tăng cường các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.
Đồng thời, tập trung xử lý vấn đề sim rác, yêu cầu hủy khỏi hệ thống những số thuê bao không có thông tin đầy đủ hoặc thông tin không chính xác…; phối hợp với cơ quan Công an tăng cường điều tra, xử lý các đối tượng vi phạm nhằm hạn chế, răn đe các hành vi vi phạm pháp luật.
Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông Long An giải đáp ý kiến của của công nhân. |
Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp Long An Bùi Thị Ngọc Trang phản ánh tình trạng nhiều doanh nghiệp ngưng hoạt động sản xuất kinh doanh, chủ doanh nghiệp bỏ trốn… nợ lương và bảo hiểm xã hội; từ đó, quyền lợi của người lao động bị xâm phạm nghiêm trọng, do không chốt được sổ bảo hiểm xã hội, không được bảo hiểm xã hội để giải quyết chế độ ốm đau, thai sản….
Đối với vấn đề này, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Long An Lê Thành Liếp cho biết, đơn vị đang tiến hành các thủ tục liên quan và đã được xác nhận thời gian tham gia bảo hiểm xã hội của công nhân trên sổ đến thời điểm đã đóng đủ bảo hiểm xã hội để làm căn cứ giải quyết chế độ cho công nhân.
Giám đốc Chi nhánh Công ty Trách nhiệm hữu hạn may thêu Thuận Phương Phạm Tuấn Hoài Mạc cho biết, nhiều doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng lao động nhưng thực tế đang gặp nhiều khó khăn, không tuyển dụng đủ số lượng.
Vấn đề này, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với các sở, ban ngành tổ chức sàn giao dịch việc làm trực tiếp và lưu động tại các khu, cụm công nghiệp và các địa phương có nhu cầu để kết nối người lao động với doanh nghiệp.
Cùng với đó, phối hợp các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh lân cận tổ chức sàn giao dịch việc làm trực tuyến, kết nối cung-cầu trực tuyến giữa doanh nghiệp và lao động tại các tỉnh để hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động.
Đồng thời, vận động doanh nghiệp cải thiện mức lương, các chế độ ưu đãi hợp lý như: tiền thưởng, hỗ trợ tiền đi lại, bố trí xe đưa rước, tiền nhà trọ và các hỗ trợ khác… để giữ nguồn lao động trong tỉnh an tâm làm việc và lan tỏa thu hút nguồn lao động từ các tỉnh lân cận.
Chủ tịch Công đoàn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cheng Da II (Khu công nghiệp Đức Hòa II) Hoàng Khắc Vân kiến nghị tỉnh Long An cần sớm đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ở xã hội. |
Bà Nguyễn Thị Thanh Hồng, công nhân, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Liên Cường Việt Nam (Bến Lức) chia sẻ: "Người lao động chúng tôi đang thấp thỏm, lo sợ mất việc làm bất cứ lúc nào. Vì từ đầu năm đến nay đã có nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Long An giải thể, không thể duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhiều công nhân lao động bị ảnh hưởng do giảm giờ làm, cho thôi việc, nghỉ việc luân phiên".
Chủ tịch Công đoàn Công ty trách nhiệm hữu hạn Cheng Da II (Khu công nghiệp Đức Hòa II) Hoàng Khắc Vân kiến nghị, tỉnh Long An cần sớm đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ở xã hội và các chính sách đi kèm để người lao động có thu nhập thấp được tiếp cận để thụ hưởng. Cùng với đó là đầu tư thêm nhà trẻ công lập để giúp công nhân gửi con việc đi làm sau 6 tháng nghỉ thai sản.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Long An Huỳnh Văn Sơn đề nghị các sở, ngành tỉnh tiếp tục tăng cường phối hợp chặt chẽ với Liên đoàn Lao động về việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân lao động, nhằm tạo thêm động lực để công nhân lao động tích cực thi đua lao động, sản xuất, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Đồng thời, tiếp tục triển khai xây dựng thiết chế công đoàn phục vụ công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Các ngành chức năng khẩn trương hoàn thành các thủ tục đầu tư để sớm khởi công xây dựng thiết chế công đoàn trên diện tích gần 4ha tại xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa, Long An.
Đối với doanh nghiệp, thực hiện tốt quy chế dân chủ trong doanh nghiệp về thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc. Trong đó, thực hiện tốt việc công khai trích nộp kinh phí công đoàn, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; quyền của người lao động tại doanh nghiệp; những nội dung mà người lao động được quyết định và được kiểm tra, giám sát…
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Long An Huỳnh Văn Sơn phát biểu chỉ đạo. |
Đối với công nhân lao động, phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, tuân thủ tốt kỷ luật lao động, các quy định của doanh nghiệp, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp đã ký kết, thỏa thuận, làm tốt nhiệm vụ của mình để có nguồn thu nhập tốt hơn cho bản thân và gia đình.
Đối với các cấp, các ngành, thực hiện tốt phương châm “Đồng hành cùng doanh nghiệp”; coi khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp là khó khăn, vướng mắc của tỉnh và cùng nhau bàn bạc, giải quyết, tháo gỡ vì sự phát triển của doanh nghiệp và sự phát triển của Long An, vì mục tiêu bảo đảm việc làm, nâng cao đời sống cho người lao động.