Long An triển khai nhiều giải pháp ứng phó với các loại hình thiên tai

NDO - Để chủ động phòng, chống, ứng phó với các loại hình thiên tai trước, trong và sau mùa mưa, bão, mùa nước nổi năm 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An đang phối hợp các huyện, thị xã và thành phố triển khai nhiều giải pháp, trong đó, phương châm 4 tại chỗ (lực lượng, vật tư, phương tiện và nguồn lực) ứng trực 22/24 để xử lý các sự cố về thiên tai xảy ra là giải pháp cấp bách.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An thăm hỏi, động viên người dân xã Hòa Phú (Châu Thành, Long An) có nhà bị lốc xoáy làm tốc mái hoàn toàn xảy ra vào chiều tối ngày 8/9/2023.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An thăm hỏi, động viên người dân xã Hòa Phú (Châu Thành, Long An) có nhà bị lốc xoáy làm tốc mái hoàn toàn xảy ra vào chiều tối ngày 8/9/2023.

Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh Long An Võ Kim Thuần cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay trên địa bàn tỉnh Long An đã xảy nhiều vụ giông, lốc xoáy, làm hơn 500 căn nhà của người dân bị tốc mái, mưa giông, xảy ra sét đánh làm 1 người chết, 2 người bị thương.

Gần nhất là vụ giông, lốc xoáy xảy ra vào chiều tối ngày 8/9/2023 trên địa bàn huyện huyện Châu Thành (Long An) làm hơn 359 căn nhà dân của 4 xã Hòa Phú, Bình Quới, Vĩnh Công và Phú Ngãi Trị (huyện Châu Thành) bị tốc mái, trong đó, khoảng 50% tốc mái hoàn toàn, tổng giá trị thiệt hại về nhà ở gần 1 tỷ đồng.

Giông, lốc xoáy đã làm gãy đổ 7 trụ điện trung thế, 4 trụ điện hạ thế, tốc mái 1 trường học. Ước tổng thiệt hại về nhà ở khoảng 350 triệu đồng. Lốc xoáy cũng đã làm thiệt hại khoảng 100 triệu đồng hoa màu và vật nuôi của người dân.

Long An triển khai nhiều giải pháp ứng phó với các loại hình thiên tai ảnh 1

Người dân xã Vĩnh Công (Châu Thành, Long An) sửa lại mái nhà sau khi cơn lốc xoáy xảy ra vào chiều tối ngày 8/9/2023.

Để phòng, chống thiên tai, triều cường, kiểm soát mực nước lũ đầu nguồn, chủ động bảo vệ sản xuất vụ thu đông 2023, ngành nông nghiệp Long An đang triển khai duy tu sửa chữa các công trình thủy lợi tại các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, thị xã Kiến Tường, Cần Đước, Cần Giuộc, Thủ Thừa, Tân Trụ, Châu Thành.

Cùng với đó, tập trung đôn đốc các chủ đầu tư, đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình gia cố đê bao, bờ bao để sớm hoàn thành trước mùa mưa, bão, lũ năm 2023 kịp ngăn lũ, bảo vệ an toàn diện tích sản xuất nông nghiệp và dân sinh.

Đẩy mạnh công tác diễn tập phòng, chống thiên tai đến tận các xã và tiếp tục xây dựng kế hoạch duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa nâng cấp các tuyến đê bao, cống thoát nước dưới đê trong các ô đê bao tại các khu thị trấn trên vùng Đồng Tháp Mười. Cụ thể là ô đê bao thị trấn Tân Hưng (huyện Tân Hưng, Long An), mỗi khi có mưa lớn là ngập sâu làm ảnh hưởng gần 2.700 nhân khẩu đang sinh sống tại khu vực thị trấn Tân Hưng.

Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Long An chỉ đạo các huyện, thị xã và thành phố duy trì phương châm 4 tại chỗ để kịp thời ứng phó khi có sự cố thiên tai xảy ra.

Tổ chức tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, rà soát các tuyến đê bao, bờ bao bảo vệ an toàn đê điều trước, trong và sau mùa mưa bão, nhất là tại các khu vực trũng thấp, đê bao xung yếu hoặc khu vực chưa có đê bao, bờ bao bảo vệ; tập trung gia cố, chống tràn, bảo vệ các tuyến đê bao, bờ bao có nguy cơ bị vỡ; sửa chữa các cống dưới đê bị xuống cấp, rò rỉ nước.

Long An triển khai nhiều giải pháp ứng phó với các loại hình thiên tai ảnh 2

Ngành nông nghiệp huyện Vĩnh Hưng (Long An) đưa cơ giới gia cố đê bao bảo vệ diện tích lúa thu đông 2023.

Chủ động hiệp đồng và phối hợp chặt chẽ với các lực lượng quân đội, biên phòng đóng trên địa bàn để kịp hỗ trợ người dân thu hoạch sớm diện tích lúa thu đông khi nước lên nhanh, không để người dân bị mất mùa do ngập úng với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An Nguyễn Thanh Truyền cho biết, để chủ động phòng, chống, ứng phó với các loại hình thiên tai như: Giông, lốc xoáy, triều cường, sạt lở, sụt lún đất trong mùa mưa, bão năm 2023 và bảo vệ an toàn diện tích sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và bảo vệ an toàn dân sinh trên toàn tỉnh, Long An kiến nghị Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét bố trí nguồn vốn 76,5 tỷ đồng để Long An xử lý cấp bách, xung yếu công trình đê điều, phòng, chống thiên tai, bảo vệ sản xuất và giúp nhân dân ổn định cuộc sống trong những năm tiếp theo.