Đã có những thiệt hại
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kịch bản BĐKH tại ĐBSCL cho thấy: Nếu nước biển dâng thêm 1m thì khoảng 70% diện tích đất vùng này bị xâm nhập mặn, mất khoảng hai triệu ha đất trồng lúa. Nhiều địa phương sẽ bị chìm trong nước. Thời gian úng ngập có thể kéo dài từ 4-5 tháng, 38% diện tích đồng bằng bị nhấn chìm, 90% diện tích đồng bằng có thể bị nhiễm mặn. |
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Viện Nghiên cứu quản lý biển và hải đảo, tại các tỉnh ven biển và hải đảo khu vực ĐBSCL, BĐKH, đặc biệt là nước biển dâng có thể làm gia tăng độ cao sóng ven bờ, tác động tới cán cân bùn cát và làm gia tăng sói lở, gây suy thoái mạnh, thâm chí các rừng ngập mặn ven biển sẽ bị biến mất. Mức nước biển càng dâng cao thì lũ lụt do thủy triều, nước dâng bão và lũ thượng nguồn gây ra càng lớn. Đây là mối đe dọa lớn nhất đối với các vùng nông nghiệp ven biển, đất thấp, đất trũng. Hiện tượng “nước vật” do mực nước dâng cao ở hạ nguồn cũng làm gia tăng ngập lụt do lũ ở thượng nguồn. Lũ về sớm, rút chậm, thời gian ngập úng cao hơn và mực nước lũ cao hơn…
Tác động của BĐKH mà cụ thể là biến số về thời tiết bao gồm nhiệt độ, không khí, lượng mưa… cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng lúa gạo và vùng nuôi trồng thủy sản ở ĐBSCL.
Theo các nhà khoa học Trường Đại học Cần Thơ, sự thay đổi của các biến số thời tiết sẽ gây ra thiệt hại về sản lượng lương thực khoảng15% ở các vùng cần tưới tiêu và 24% ở các vùng ngập mặn. Đối với nghề nuôi cá tra thâm canh nước ngọt và nuôi tôm ở vùng ven biển mặc dù tác hại không rõ rệt bằng nghề trồng lúa nhưng cũng tác động gián tiếp. Mức tăng trưởng của cá thấp vào thời điểm nhiệt độ cực thấp tháng Mười Hai và tháng Một, cũng như mức tăng trưởng thấp và chết của tôm lúc nhiệt độ cực nóng và lượng mưa bất thường vào mùa khô.
Nhóm các nhà khoa học Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng đề xuất những giải pháp thích ứng với BĐKH trong hoạt động nuôi trrồng thủy sản, về các giải pháp kỹ thuật như: gia cố các đầm nuôi trong giới hạn có thể; đa dạng sản xuất cải tiến kỹ thuật và công nghệ nuôi trồng thủy sản phù hợp giới hạn chịu mặn, nhiệt độ của cá tra và tôm sú; đầu tư cơ sở hạ tầng, các công trình thủy lợi có thể đưa nước ngọt vào khu vực đầm nuôi cá tra trong khu vực bị nhiễm mặn; trồng và bảo vệ rừng ngập mặn, khôi phục hệ sinh thái; hỗ trợ tăng cường năng lực thích ứng và giảm thiểu thông qua mô hình quản lý và phòng chống thiên tai.
Về giải pháp chính sách, nên có chính sách hỗ trợ gia tăng giá trị sản phẩm; tăng khả năng thích ứng thông qua các mô hình, đồng quản lý nuôi trồng thủy sản quy mô nhỏ, xây dựng năng lực và quy chế quản lý, khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản bền vững; lập kế hoạch BĐKH liên ngành và thực hiện kế hoạch hành động thích ứng và giảm thiểu BĐKH…
Chia sẻ nguồn nước sông Mê Kông
Vấn đề hợp tác phát triển các nước tiểu vùng sông Mê Kông đối với việc ứng phó với BĐKH cũng được nhiều diễn giả đề cập. Theo Ths Nguyễn Thị Hoàn, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, BĐKH đã đặt ra cho Việt Nam cũng như các nước tiểu vùng sông Mê Kông nhiều vấn đề cần nỗ lực quan tâm giải quyết chung, mà trước hết là vấn đề bảo vệ nguồn nước và đa dạng sinh học. Việc xây dựng các đập thủy điện tại thượng nguồn và hạ lưu sông Mê Kông đã gây nên những vấn đề nghiêm trọng về môi trường và các đập thủy điện cũng đang gây nhiều tranh cãi.
Ths Nguyễn Thị Hoàn cho biết: Trung Quốc kiểm soát đến 16% lượng nước của sông Mê Kông và đang xây dựng tám nhà máy thủy điện công suất lớn với một hệ thống các đập lớn, nhỏ. Bốn nước Campuchia, Lào, Thái Lan, Việt Nam cũng đang có 11 dự án xây đập thủy điện. Các công trình thủy điện tuy phục vụ nhu cầu phát triển nhưng cũng gây ra những tác hại cho môi trường và đa dạng sinh vật của dòng Mê Kông, ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của người dân sống ven sông. Và nằm ở hạ nguồn, nơi dòng Mê Kông đổ ra biển, Việt Nam là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Các đập thủy điện sẽ chặn phù sa xuống ĐBSCL, ảnh hưởng đến nguồn cá và sản xuất nông nghiệp. 17 triệu người Việt Nam sẽ phải trực tiếp chịu các hệ quả của môi trường mà các dự án năng lượng gây ra. Không chỉ có nông dân Việt Nam, nông dân các nước hạ nguồn như Lào và Campuchia cũng đang chịu nhiều thiệt hại của tác động môi trường liên quan đến dòng Mê Kông.
Chính vì vậy, các nước ven sông phải cùng nhau nổ lực phát triển và bảo vệ nguồn tài nguyên nước. Để phát triển nhà máy thủy điện một cách bền vững, vấn đề đặt ra là phải hạn chế ảnh hưởng tiêu cực và duy trì được môi trường sinh thái.
Các nước có dòng Mê Kông chảy qua cần phải ký kết một thỏa thuận chung về việc chia sẻ nguồn nước của sông. Quản lý nguồn nước phải có sự phối hợp, chia sẻ và minh bạch trong thông tin; theo dõi lượng mưa, dòng chảy và chất lượng nước là điều cần thiết để hợp tác thực hiện và cần phải thảo luận thông tin về mùa khô, cơ chế hoạt động của các hồ chứa nước, trong trường hợp khẩn cấp hay khi có thay đổi trong vận hành các đập so với kế hoach cũng phải chia sẽ thông tin kịp thời. Việc vận động Trung Quốc và Mi-an-ma tự nguyện tham gia Ủy ban sông Mê Kông là việc rất cần thiết và cực kỳ quan trọng. Một giải pháp song phương đối với các vấn đề sông Mê Kông là điều khó đạt được vì có 6 nước sử dụng chung sông Mê Kông.
Nhiều đoạn đê biển ở Kiên Giang đã biến thành khu dân cư.
Sống chung với BĐKH
Trong số gần 40 tham luận được gửi đến hội thảo, vấn đề được đề cập nhiều nhất là làm thế nào để ứng phó với biến đổi khí hậu và sống chung với biến đổi khí hậu. Tham luận của Ths Trần Thanh Tâm về “Hạn chế tác động của biến đổi khí hậu ở ĐBSCL: Giải pháp từ cây dừa nước” được nhiều đại biểu quan tâm.
Theo Ths Trần Thanh Tâm, sử dụng dừa nước như là một loại vật liệu sống tự nhiên trong việc kiến tạo hành lang “xanh” ngăn chống việc xâm thực, sạt lở các vùng đất ven sông, rạch, hoặc bờ biển bùn có thể giúp hình thành các vùng “cọc” tự nhiên trong quá trình phát triển hệ thống đê biển.
Ths Kỷ Quang Vinh, Sở Tài nguyên và Môi trường Cần Thơ đưa ra ba đề xuất rất cụ thể để hơn 17 triệu dân ĐBSCL sống thích ứng với biến đổi khí hậu. Thứ nhất, xây dựng đê bao biển và đê sông chống xâm nhập mặn có khả năng điều tiết nước, để bảo đảm cho dân cư sống tại chỗ với rất ích thay đổi. Thứ hai, nâng nền khu dân cư cao hơn mức nước ngập cao nhất và chuyển đổi nghề nghiệp, cây trồng, vật nuôi, tạo nguồn sống mới ổn định cho tất cả cư dân. Thứ ba, di dời toàn bộ dân cư đến vùng cao hơn như: Tây nguyên và Đông nam bộ. Ths Kỷ Quang Vinh đề nghị, cần có một nghiên cứu ở quy mô vùng để tính toán chi phí và lợi ích của ba đề xuất trên. Kết quả nghiên cứu nhằm xác định đề xuất nào là có lợi nhiều nhất kể cả về kinh tế và môi trường, sinh thái.
PGS.TS.NGND Huỳnh Văn Hoàng, Viện Khoa học và công nghệ Phương Nam đưa ra vấn đề “Bảo vệ ĐBSCL do BĐKH”. Diễn giả kiến nghị: Trong công tác đối ngoại, cần có chiến dịch ngoại giao mạnh mẽ kêu gọi Liên hiệp quốc, các nước nhất là các nước giàu có tổ chức quốc tế xây dựng chiến lược cụ thể chống BĐKH; kêu gọi, gây áp lực quốc tế để tất cả các nước đều giảm thiểu khí thải; đề nghị các nước giàu có trách nhiệm giúp đỡ, hỗ trợ Việt Nam về tài chính, công nghệ ứng phó có hiệu quả. Đối với chúng ta, tuyên truyền sâu rộng nâng cao nhận thức cho nhân dân, nhất là tại các khu-cụm công nghiệp. Chính phủ cần thành lập Ban tổ chức ứng phó với BĐKH ở cấp cao nhất; thành lập một viện có nhiều phòng thí nghiệm chuyên đề mạnh và hợp tác với các viện của các bộ để quan trắc, giám sát và nghiên cứu những ảnh hưởng. Nghiên cứu, rà soát lại tất cả quy hoạch; thúc đẩy việc trồng và bảo vệ rừng; có chính sách khuyến khích sản xuất và sử dụng năng lượng sạch…
Bài và ảnh: VIỆT TIẾN