Đầm Hà hướng tới nông thôn mới kiểu mẫu

Là huyện miền núi có xuất phát điểm khá thấp, tuy nhiên sau 13 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh, đã có sự thay đổi rõ nét cả về kết cấu hạ tầng và đời sống nhân dân.
0:00 / 0:00
0:00
Mô hình nuôi gà bản ở xã Quảng Lâm, huyện Đầm Hà mang lại giá trị kinh tế cao.
Mô hình nuôi gà bản ở xã Quảng Lâm, huyện Đầm Hà mang lại giá trị kinh tế cao.

Đến nay, Đầm Hà đã khoác lên mình diện mạo mới, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp và chất lượng cuộc sống của người dân từng bước được nâng lên.

Huyện Đầm Hà bắt đầu xây dựng nông thôn mới năm 2001, trong bối cảnh là huyện nghèo, còn nhiều khó khăn, nhưng với tinh thần dám nghĩ, dám làm, phát huy nội lực và sự đoàn kết đồng lòng của nhiều thế hệ cán bộ, nhân dân, đến năm 2021, huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và đến năm 2022 đã cán đích huyện nông thôn mới nâng cao.

Giao thông đi trước một bước

Ngay sau khi đạt tiêu chí huyện nông thôn mới vào năm 2021, huyện Đầm Hà đã bắt tay vào thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025.

Để hoàn thành mục tiêu này, huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch và tiến hành rà soát lại tất cả các tiêu chí, chỉ tiêu, trong đó chú trọng đến những tiêu chí, chỉ tiêu khó như: Cứng hóa, mở rộng đường liên thôn, liên xã, đường vào khu vực sản xuất tập trung; môi trường; nâng cao thu nhập cho người dân.

Chỉ tính riêng trong năm 2022, huyện đã thực hiện nâng cấp, mở rộng hơn 50km đường giao thông nông thôn và tiếp tục đầu tư các thiết chế văn hóa, thể thao, giáo dục, y tế… đáp ứng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Bà Nguyễn Thị Sơn ở thôn Tân Phú, xã Tân Lập cho biết: Từ khi có chương trình xây dựng nông thôn mới, giao thông đi lại giữa các thôn, khu trong xã thuận lợi hơn. Việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông-lâm-ngư nghiệp đã giúp người dân chuyển đổi mạnh mẽ về nhận thức trong sản xuất hàng hóa, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt mang lại thu nhập cao, đời sống của người dân được thay đổi rõ rệt.

Không chỉ ở xã Tân Lập, mà tất cả tám xã của huyện Đầm Hà đều có sự đổi thay tích cực, rõ nét từ khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

Từ nguồn vốn được đầu tư, huyện tập trung nâng cấp hạ tầng giao thông kết nối, cấp nước, cấp điện nhằm tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Đến nay, huyện đã mở rộng, hoàn thành bốn tuyến đường trục xã với tổng chiều dài 7,8km, bê-tông hóa bốn tuyến đường nội đồng 1,5km, xây ba tuyến mương có tổng chiều dài 1,16km...

Nhờ vậy, đến nay hầu hết các tuyến đường liên thôn trên địa bàn xã đều được bê-tông hóa, nhựa hóa; hạ tầng điện, đường, trường, trạm khang trang, trong đó có sự chung tay đóng góp của người dân.

Hướng đến nông thôn mới kiểu mẫu

Với khát vọng vươn lên làm giàu, anh Trương Thế Đô, ở thôn Đông, xã Dực Yên đã mạnh dạn cải tạo lại ruộng trồng lúa kém hiệu quả chuyển sang trồng cây dưa lưới ứng dụng công nghệ cao.

Anh Đô cho biết: Sau thời gian tìm hiểu, năm 2019, anh mạnh dạn đầu tư thử nghiệm mô hình với hơn 1.000m2 và kết quả dưa lưới phát triển tốt, cho thu nhập ổn định.

Đến nay, gia đình đã mở rộng mô hình lên 7.000m2 nhà màng để trồng dưa lưới. Sản lượng bình quân hằng năm đạt từ 40 đến 50 tấn quả, cho doanh thu gần hai tỷ đồng/năm.

Từ mô hình này, mỗi năm trừ chi phí, gia đình anh thu lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng và tạo việc làm cho 10 lao động thời vụ là người của địa phương với mức thu nhập ổn định.

Cùng với phát triển kết cấu hạ tầng, huyện Đầm Hà còn rất quan tâm đến thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho người dân. Huyện thường xuyên vận động, tuyên truyền để bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, liên kết tạo chuỗi trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng những sản phẩm mang thương hiệu địa phương; tạo điều kiện cho các hộ dân vay vốn phát triển sản xuất.

Trong năm 2022, huyện tạo điều kiện cho 71 hộ vay vốn ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, với tổng nguồn vốn 5,5 tỷ đồng, 152 hộ được tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng để phát triển kinh doanh hộ gia đình. Hiện nay, trên địa bàn huyện có rất nhiều mô hình kinh tế từ trồng quế, trồng cây ăn quả, trồng rau, chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Nhờ làm tốt công tác quy hoạch vùng nông nghiệp trên địa bàn, huyện đã chủ động thu hút đầu tư, xây dựng mô hình kinh tế ứng dụng khoa học-công nghệ gắn với liên kết sản xuất theo mô hình chuỗi, bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng, sản phẩm, thu nhập cho người dân.

Trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng sản xuất theo hướng tập trung quy mô lớn, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp như:

Dự án khu phức hợp sản xuất tôm chất lượng cao của Tập đoàn Việt-Úc, Công ty cổ phần Tập đoàn BIM với dự án trung tâm sản xuất công nghệ cao và nuôi thực nghiệm giống thủy sản với diện tích 125ha; khu trồng dưa lưới trong nhà màng của Công ty cổ phần Thương mại và Xây dựng Đầm Hà cho sản lượng đạt 250 tấn dưa sạch mỗi năm.

Tính đến nay, huyện Đầm Hà đã có năm hợp tác xã và 178 trang trại, gia trại nuôi tôm, tổng sản lượng năm 2022 đạt gần 3.600 tấn.

Năm 2023, huyện Đầm Hà tiếp tục nỗ lực đẩy mạnh việc chuyển đổi số áp dụng trong việc tiêu thụ nông đặc sản của địa phương. Trong đó, huyện đã đưa 11/13 sản phẩm OCOP từ ba sao trở lên của các đơn vị, doanh nghiệp và hợp tác xã trên địa bàn huyện lên sàn thương mại postmart.vn.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đầm Hà Hoàng Vĩnh Khuyến cho biết: Xây dựng nông thôn mới là quá trình lâu dài, liên tục, có mở đầu nhưng không có kết thúc. Vì vậy, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm giữ vững và nâng cao chất lượng, hiệu quả các tiêu chí nông thôn mới nâng cao; đồng thời đề ra mục tiêu phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025.