Cơ hội mới cho đào tạo trực tuyến

Ðào tạo trực tuyến, từ biện pháp tình thế để thích ứng hoàn cảnh khách quan đã trở thành giải pháp hữu hiệu và hiện khá phổ biến tại nhiều quốc gia. Tuy vậy, để thuyết phục người học, các chương trình trực tuyến phải chất lượng và hấp dẫn, công cụ tương tác phải thân thiện…
0:00 / 0:00
0:00
Tọa đàm "E-learning hậu Covid-19: Cơ hội cho người tiên phong" do Tổ hợp Công nghệ Giáo dục TOPICA tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Tọa đàm "E-learning hậu Covid-19: Cơ hội cho người tiên phong" do Tổ hợp Công nghệ Giáo dục TOPICA tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Ðại dịch Covid-19 dẫn đến nhiều thay đổi trong vận hành toàn hệ thống, giáo dục cũng không ngoại lệ. Khi học sinh, sinh viên không thể đến trường trong thời gian dài, đào tạo trực tuyến (E-learning) từ biện pháp tình thế trở thành giải pháp hữu hiệu.

Chính trong giai đoạn khó khăn nhất của đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp công nghệ giáo dục (EdTech) tại Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung đã có những bước đột phá, cho ra đời các dòng sản phẩm phù hợp với nhu cầu thực tế, đáp ứng tốt thị hiếu người dùng. Trước đại dịch, thị trường EdTech trong nước có khoảng 500 sản phẩm, đến thời điểm này đã tăng thêm hơn 200 sản phẩm.

Tại Việt Nam, EdTech là một trong ba lĩnh vực nhận đầu tư nhiều nhất trong những năm qua. Với 82% người dùng đáp ứng được việc học trực tuyến trong giai đoạn chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vừa qua (cao hơn so với mức trung bình toàn cầu 15%), Việt Nam được đánh giá là thị trường nhiều tiềm năng cho lĩnh vực công nghệ giáo dục. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, không ít doanh nghiệp EdTech đã phải đóng cửa hoặc ghi nhận mức sụt giảm nghiêm trọng về doanh thu khi chỉ có thể duy trì tầm 30% lượng truy cập thường xuyên.

Theo ông Phạm Trí Thiện, chuyên viên Phòng Giáo dục tiểu học (Sở Giáo dục và Ðào tạo Thành phố Hồ Chí Minh), công nghệ sẽ luôn vận động, nếu biết tận dụng thế mạnh và có sự chuyển đổi linh hoạt, các doanh nghiệp EdTech sẽ bước sang giai đoạn mới, nhiều cơ hội và tiềm năng. Giáo dục trực tuyến vẫn có thể đóng vai trò quan trọng ngay cả khi học sinh, sinh viên đã quay trở lại trường học. Khi có nội dung và phương pháp tốt, học trực tuyến sẽ hỗ trợ hiệu quả cho học trực tiếp tại trường.

"Với công nghệ, chúng ta nên là người tiên phong chứ đừng thấy người ta làm rồi mới bắt chước. Công nghệ sẽ là chìa khóa giúp các doanh nghiệp thay đổi cục diện đào tạo trực tuyến trong giai đoạn tới. Khi thiết kế các chương trình EdTech cần có nhiều giải pháp sáng tạo để tạo hứng thú cho người học nhưng vẫn phải bảo đảm yếu tố chất lượng", ông Phạm Trí Thiện cho biết thêm.

Ông Nguyễn Trí Hiển, đồng Trưởng làng Công nghệ giáo dục TECHFEST 2021-2022, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Giáo dục Thiên Hà Xanh cho rằng, thị trường hậu Covid-19 vẫn còn nhiều tiềm năng để các doanh nghiệp mạnh về EdTech tập trung khai thác. Thay vì "đánh" mạnh về số lượng sản phẩm, tận dụng nhiều công nghệ, các bên cần chú trọng cách xây dựng nội dung sao cho thiết thực, dễ dàng tiếp cận, ứng dụng. Thị trường sẵn sàng trả số tiền lớn để sở hữu các sản phẩm EdTech có nội dung khác biệt, sáng tạo thay vì cứ na ná nhau.

Cũng theo ông Nguyễn Trí Hiển, việc thay đổi tư duy, tạo ra các sản phẩm sát với nhu cầu thực tế là điều mà các doanh nghiệp EdTech cần hướng tới để tận dụng thế mạnh thị trường, nhất là trong giai đoạn nhiều người đã và đang nhận ra ưu điểm của học trực tuyến so với trước kia. Trong đào tạo trực tuyến, việc tập trung bảo đảm chất lượng là cần thiết nhưng phương thức đào tạo có thể khác nhau nhằm mang lại sự thích thú khi tương tác. Nội dung học cần được khai thác theo hướng giải trí, làm sao người dùng thấy hứng thú ngồi trước máy tính và dễ dàng thực hiện các yêu cầu của chương trình đề ra.

Là một trong những đơn vị tiên phong trong lĩnh vực EdTech tại Việt Nam, đến thời điểm hiện tại, TOPICA đã tạo được hệ sinh thái đào tạo trực tuyến cho nhiều độ tuổi. Ðơn vị này vừa ra mắt chương trình dạy và học tiếng Anh trực tuyến chất lượng cao theo hình thức tương tác 1:1 cho trẻ em với tên gọi TOPICA Kid.

Theo kế hoạch, đến hết năm 2023, TOPICA sẽ hoàn thiện hệ sinh thái dạy và học tiếng Anh trực tuyến cho mọi lứa tuổi. Bên cạnh chương trình đạt chuẩn quốc tế được xây dựng phù hợp với văn hóa Việt Nam, cách tổ chức lớp học, tích hợp công cụ tương tác và phương pháp giảng dạy sáng tạo làm cho chương trình này được nhiều phụ huynh đánh giá cao.

Ông Nguyễn Ðình Phát, Giám đốc điều hành Tổ hợp Công nghệ giáo dục TOPICA, cho rằng, muốn thuyết phục, các chương trình trực tuyến phải chất lượng và hấp dẫn, công cụ tương tác phải thân thiện. Ðể làm được vậy, các đơn vị chuyên về EdTech phải đầu tư nhiều hơn về mặt nội dung sản phẩm như cách nhiều nước trong khu vực đã làm hiệu quả.

Thay vì liên tục tìm khách hàng mới, cần có dòng sản phẩm chất lượng đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng thực tế của người học để giữ chân họ. Khi có dịch, bắt buộc người học phải chọn hình thức giáo dục trực tuyến, giờ đây, họ có quyền chọn cái phù hợp, hiệu quả. Muốn người học đến với mình, người tạo ra sản phẩm EdTech phải nhạy bén với thị trường, có kiến thức sâu về giáo dục và liên tục đổi mới về nội dung, cách thức.