Cô giáo trên điểm trường mù sương

Sinh ra và lớn lên dưới chân đèo Lũng Lô, xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn (Yên Bái), đam mê nghề sư phạm và yêu trẻ, cô Trần Thị Yến sau khi học xong phổ thông đã chọn theo học ngành học giáo dục mầm non. Năm 2011, ngay sau tốt nghiệp Trường cao đẳng sư phạm Hà Nam, cô tự nguyện xin về Mù Cang Chải, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Yên Bái, dạy tại Trường mầm non Hoa Huệ, xã Hồ Bốn.
0:00 / 0:00
0:00
Cô Trần Thị Yến hướng dẫn trẻ lớp ba tuổi ở xã Chế Tạo nhận biết con vật qua tranh.
Cô Trần Thị Yến hướng dẫn trẻ lớp ba tuổi ở xã Chế Tạo nhận biết con vật qua tranh.

Thử thách đầu đời nghề giáo mà cô Yến trải qua là khi được nhà trường phân công giảng dạy lớp mẫu giáo ghép 4 và 5 tuổi tại điểm trường lẻ bản Háng Á, rồi Trống Chở, là những bản khó khăn nhất của huyện Mù Cang Chải. Ðiểm trường cách trung tâm xã 21 km đường núi, đi xe máy phải vòng qua xã Mường Cang, huyện Than Uyên (Lai Châu) mới đến được. Hai năm đầu, cô Yến đi bộ đường tắt vượt núi hơn 5 giờ đồng hồ từ xã mới đến được điểm trường, đến năm thứ ba nhờ tích góp mua được xe máy cho nên việc đi lại đỡ vất vả hơn.

Dù cơ sở vật chất còn thiếu thốn, trang thiết bị phục vụ cho các hoạt động hạn chế, đồng lương giáo viên hợp đồng ít ỏi, nhưng cô không hề nản lòng, luôn tận tụy, chịu khó, tìm tòi, học hỏi đồng nghiệp để tích lũy kiến thức chuyên môn cho bản thân. Bằng tất cả nghị lực, cô đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách và luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Cô Yến không ngừng học tập trau dồi kiến thức, học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp để vận dụng vào công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ. Cô tự học tiếng H’Mông, cùng cha mẹ học sinh tu sửa lại lớp học để không bị dột mỗi khi mùa mưa gió về. Cô trở thành “người mẹ” thứ hai, nhiều học sinh nhờ có cái chữ đầu đời, nay đã theo học tại các trường dân tộc nội trú của huyện và tỉnh, tạo nguồn cán bộ ở vùng cao còn nhiều khó khăn này.

Ðỉnh Háng Gàng và Chế Tạo mùa này luôn có mây mù che phủ, dốc dựng ngược. Ðiểm trường mầm non xã Chế Tạo nơi đây vừa được đầu tư xây mới, nằm trên đỉnh cao hơn 1.500 m so với mực nước biển, hiện có tám lớp với 187 trẻ người H’Mông của các bản Nả Háng, Chế Tạo, Tà Dông. Lớp cô Yến phụ trách có 21 cháu, nhiều trẻ chưa rõ tiếng phổ thông, cô phải dùng tiếng địa phương để dạy trẻ.

Trao đổi về gia cảnh của mình, cô Yến kể, chồng làm cán bộ Tòa án nhân dân huyện, có hai con đã đi học. Chiều thứ 6 hằng tuần, cô đi xe máy vượt gần 40 km đường núi, xuyên qua khu rừng nguyên sinh, có đoạn hơn 10 km không có nhà dân, để về thăm chồng con. Rồi chiều chủ nhật lại một mình băng rừng trở lại với lớp học giữa đỉnh trời Chế Tạo.

Hơn 13 năm gắn bó với nghề, cô Yến luôn ý thức được vai trò, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của một giáo viên mầm non cắm bản. Nhiều năm liền, cô đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Công đoàn viên xuất sắc”. Với vai trò là đảng viên trong chi bộ của trường, là Phó Chủ tịch công đoàn cơ sở, cô luôn giúp đỡ, dìu dắt đoàn viên quần chúng ưu tú giới thiệu kết nạp Ðảng. Vì vậy nhiều năm qua, cô Trần Thị Yến luôn được Liên đoàn Lao động huyện tặng giấy khen “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”.

Trưởng phòng Giáo dục huyện Mù Cang Chải Nguyễn Anh Thủy cho biết: Hiện nay, huyện có hơn 5.000 học sinh bậc mầm non, 351 giáo viên mầm non, 53 điểm lớp ở bản lẻ có giáo viên “cắm bản”. Chính sách của tỉnh Yên Bái là giáo viên dạy giỏi, có 10 năm công tác vùng đặc biệt khó khăn được xét chuyển vùng về vùng thấp. Cô Trần Thị Yến là giáo viên cắm bản tận tụy là tấm gương sáng cho đồng nghiệp học tập và noi theo bởi sự vượt khó, hy sinh, hết lòng cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”.