Nhưng đến nay, các công cụ quan trắc ô nhiễm không khí của thành phố vẫn chưa được đầu tư đúng mức đô thị đặc biệt, người dân thiếu thông tin và chưa nhận thức đầy đủ về mức độ nguy hiểm và tác động của ô nhiễm không khí.
Theo nghiên cứu, hàm lượng các vật chất siêu nhỏ, còn gọi là bụi mịn (PM2.5) của Thành phố Hồ Chí Minh hiện cao gấp 4-5 lần tiêu chuẩn cho phép của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Trong đó, tỷ lệ PM2.5 từ phương tiện giao thông chiếm 36,75% nguồn phát thải bụi mịn trong thành phố. Sáng 27/7, ứng dụng IQAir đưa ra cảnh báo, chất lượng không khí tại Thành phố Hồ Chí Minh được xếp hạng không lành mạnh với nhóm nhạy cảm, nồng độ PM2.5 trong không khí cao gấp 11,1 lần tiêu chuẩn của WHO.
Người dân được khuyến cáo nên đóng cửa để tránh không khí bẩn bên ngoài, tránh tập thể dục ngoài trời. Theo thống kê, Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 1.000 người chết mỗi năm do ô nhiễm không khí. Các nguyên nhân gây tử vong có liên quan ô nhiễm không khí là nhồi máu cơ tim, bệnh lý hô hấp và ung thư phổi...
Môi trường không khí Thành phố Hồ Chí Minh từng trở lại trạng thái bình thường khi dịch Covid-19 bùng phát, UBND thành phố hạn chế đi lại để phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, khi thành phố trở lại cuộc sống “bình thường mới”, tình trạng ô nhiễm không khí lại diễn ra khi các phương tiện giao thông, các cơ sở sản xuất hoạt động sôi nổi trở lại. Tình trạng sương mù do ô nhiễm không khí trên đường vào mỗi sáng trở nên thường gặp hơn khi di chuyển trên đường phố.
Từ năm 2020, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã phê duyệt điều chỉnh Ðề án “Phát triển mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Theo đó, trong năm 2020, thành phố dự kiến đầu tư chín trạm quan trắc không khí tự động liên tục, cố định và một trạm quan trắc không khí tự động, di dộng. Ngoài ra, thành phố cũng sẽ tìm kiếm các nguồn tài trợ và xã hội hóa để tiếp tục đầu tư thêm 11 trạm quan trắc không khí tự động liên tục sau năm 2020 đến trước năm 2030.
Nhưng đến nay, công tác quan trắc và cảnh báo thông tin ô nhiễm không khí của thành phố vẫn tồn tại nhiều bất cập. Phần lớn trạm quan trắc của thành phố vẫn dùng phương pháp thủ công, lỗi thời, chậm đưa ra cảnh báo chính xác. Sau hai năm triển khai Đề án phát triển mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường thành phố đến năm 2030, chỉ có hai trạm quan trắc tự động được đầu tư tại quận Bình Tân và thành phố Thủ Đức đưa vào vận hành chính thức trong năm 2022...
Dù đã có nhiều giải pháp quan trắc ô nhiễm không khí được giới thiệu và đưa vào thử nghiệm trong thời gian gần đây, nhưng tình trạng vừa thiếu vừa yếu thiết bị quan trắc do chưa thể triển khai các dự án đúng tiến độ vẫn tiếp tục gây nhiều hệ lụy. Thời gian tới, chính quyền thành phố cũng như các quận, huyện cần triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung tháo gỡ các vướng mắc như: Đền bù giải phóng mặt bằng triển khai các dự án; bố trí nguồn vốn; tổ chức công tác thông tin, tuyên truyền rộng rãi giúp người dân nắm được thông tin chính xác, kịp thời về ô nhiễm không khí để tự bảo vệ sức khỏe.