Tiếp tục Phiên họp thứ 38, sáng 10/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách Nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ Quốc gia.
Trình bày tờ trình tóm tắt dự án Luật, về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, nội dung sửa đổi, bổ sung có nhóm quy định về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và nâng cao hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài sản công.
Cụ thể, Chính phủ đề xuất sửa đổi quy định về thẩm quyền quyết định trong mua sắm, thuê, quản lý, sử dụng, xử lý tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân từ cơ chế Chính phủ, Bộ, cơ quan trung ương, Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp tỉnh “phân cấp” thẩm quyền sang cơ chế phân quyền cho Chính phủ, Bộ, cơ quan trung ương, HĐND cấp tỉnh “quy định” thẩm quyền trong mua sắm, thuê, quản lý, sử dụng, xử lý tài sản công.
Theo đó, thay thế cụm từ “phân cấp”, “quyết định hoặc phân cấp” thành “quy định” tại khoản 4 Điều 13; điểm a khoản 2, khoản 8 Điều 15; khoản 1 Điều 16; khoản 2 Điều 17; khoản 4 Điều 18; khoản 4, khoản 5 Điều 26; khoản 3 Điều 29; điểm b khoản 2 Điều 69; khoản 3 Điều 107; sửa đổi quy định tại khoản 6 Điều 26 theo hướng phân quyền cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh quy định thẩm quyền quyết định tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý (đối với tài sản chưa được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức), trừ tài sản là vật tiêu hao không phải ban hành tiêu chuẩn, định mức.
Đồng thời, dự thảo sửa đổi quy định thẩm quyền phê duyệt Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết theo hướng giao Bộ, cơ quan trung ương, HĐND cấp tỉnh quy định thẩm quyền phê duyệt Đề án để tăng tính chủ động cho bộ, cơ quan Trung ương, địa phương trong công tác quản lý tài sản công thuộc phạm vi quản lý của mình, phù hợp với thực trạng tài sản và yêu cầu quản lý tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết của mỗi bộ, ngành, địa phương.
Cần bảo đảm tăng quyền phải gắn với tăng trách nhiệm
Qua thẩm tra, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý về quản lý, sử dụng tài sản công; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công.
Đối với các quy định về tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý, sử dụng tài sản công, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban nhất trí với đề xuất của Chính phủ nhằm tăng cường phân cấp về thẩm quyền quyết định trong quản lý, sử dụng tài sản công để tháo gỡ các vướng mắc hiện nay.
Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: DUY LINH) |
Trên thực tế, thực hiện quy định của Luật hiện hành, các cơ quan, đơn vị gặp nhiều khó khăn trong ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công; mua sắm, thuê, xử lý tài sản công; sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê, liên doanh, liên kết; giao, xử lý tài sản là kết cấu hạ tầng; sử dụng tài sản công để tham gia dự án theo phương thức đối tác công tư (PPP); xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản; mua sắm, thuê, phê duyệt phương án xử lý tài sản phục vụ hoạt động của dự án sử dụng vốn nhà nước...
Việc sửa đổi này sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc trao quyền chủ động của Bộ, ngành, địa phương và đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng tài sản công; giảm thủ tục hành chính; sử dụng tài sản công hiệu quả hơn. Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định về trách nhiệm nhằm bảo đảm tăng quyền gắn với tăng trách nhiệm và quy định về xử lý trách nhiệm trong trường hợp để xảy ra sai phạm.
Một số ý kiến Thường trực Ủy ban đề nghị không sửa đổi các điều khoản này vì thực chất việc thay thế các cụm từ “quyết định hoặc phân cấp”, “phân cấp” thành “quy định” chỉ là câu chữ kỹ thuật, không thay đổi bản chất các cơ quan, đơn vị vẫn là chủ thể quyết định hoặc phân cấp cho đơn vị cấp dưới thực hiện.
Về thẩm quyền phê duyệt Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết, theo quy định hiện hành mọi Đề án sử dụng tài sản công đều do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.
Về vấn đề này, Báo cáo số 924/BC-ĐGS ngày 16/5/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2021” đã phản ánh thực tiễn các đơn vị sự nghiệp công lập gặp rất nhiều vướng mắc do quy trình phê duyệt kéo dài.
Để giải quyết vướng mắc này, dự thảo Luật dự kiến sửa đổi quy định này theo hướng giao Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành các quy định về thẩm quyền phê duyệt các Đề án sử dụng tài sản công tại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của Bộ, cơ quan trung ương, địa phương vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết. Do vậy, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí với dự thảo Luật.
Một số ý kiến Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị không thay đổi thẩm quyền phê duyệt Đề án vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết các tài sản do nhà nước giao và do ngân sách nhà nước đầu tư như nội dung dự thảo nêu vì việc sửa đổi này dẫn tới sự không thống nhất giữa các quy định của một số Luật, ngay cả Luật Thủ đô. Đề nghị tiếp tục cần đánh giá kỹ lưỡng tác động của việc điều chỉnh quy định này.
Trước mắt nếu thực sự cần thiết, đề nghị chỉ sửa đổi khoản 2 Điều 58 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công quy định “Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt đề án sử dụng tài sản tại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của địa phương vào mục đích liên doanh, liên kết không cần xin ý kiến của Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp”.