Nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công

NDO - Mỗi năm, Kiểm toán Nhà nước thực hiện hàng trăm cuộc kiểm toán, trong đó có nội dung liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công tại các địa phương nhằm hỗ trợ đắc lực cho Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong việc quản lý, điều hành, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng trên địa bàn.
0:00 / 0:00
0:00
Kiểm toán Nhà nước ký Quy chế phối hợp với các địa phương.
Kiểm toán Nhà nước ký Quy chế phối hợp với các địa phương.

Tập trung kiểm toán những vấn đề dư luận quan tâm

Kiểm toán Nhà nước mới đây đã thực hiện ký lại, ký điều chỉnh Quy chế phối hợp (Quy chế) với 18 địa phương và đang tiếp tục triển khai để ký Quy chế với một số địa phương khác. Thời gian qua, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Kiểm toán Nhà nước với các địa phương mang lại lợi ích to lớn, góp phần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan.

Thông qua mối quan hệ hai chiều, việc thực hiện Quy chế giúp Kiểm toán Nhà nước nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ kiểm toán, đồng thời góp phần vào việc thực hiện hiệu quả các hoạt động giám sát, quản lý và điều hành ngân sách nhà nước tại các địa phương.

Là một trong những địa phương ký Quy chế từ năm 2014, đồng chí Trần Mạnh Dũng, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa cho biết công tác phối hợp giữa Kiểm toán Nhà nước và Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh luôn được quan tâm chú trọng, nhất là trong việc chia sẻ với Kiểm toán Nhà nước thông tin về dự toán ngân sách địa phương, báo cáo quyết toán ngân sách địa phương; các nghị quyết của Hội đồng nhân dân, các văn bản chỉ đạo, điều hành về tài chính ngân sách do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành...

Qua đó, Kiểm toán Nhà nước nắm được đầy đủ thông tin về những chính sách cụ thể liên quan đến công tác quản lý kinh tế-xã hội của địa phương, có ý kiến đánh giá và kết luận kiểm toán chính xác, phù hợp giúp Hội đồng nhân dân tỉnh trong hoạt động giám sát, thẩm tra, quyết định dự toán ngân sách, phê chuẩn quyết toán ngân sách, quản lý và điều hành ngân sách.

Năm 2023, kinh tế-xã hội tỉnh Khánh Hòa tiếp tục phục hồi, phát triển với các chỉ tiêu tăng so với năm 2022 như: Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 10,35%; GRDP bình quân đầu người đạt 86,44 triệu đồng/người; các chế độ về an sinh, phúc lợi xã hội cho nhân dân được thực hiện đầy đủ, chính sách giảm nghèo cho các huyện miền núi, xã đặc biệt khó khăn tiếp tục được quan tâm, cập nhật phù hợp tình hình thực tế…

Để đạt được những kết quả đó, bên cạnh sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh còn có sự quan tâm, hỗ trợ của các ban, bộ, ngành Trung ương, trong đó có vai trò rất lớn của Kiểm toán Nhà nước.

Với vị thế cơ quan kiểm tra tài chính do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước đã kịp thời thời phát hiện, chấn chỉnh những sai sót trong công tác quản lý tài chính công, tài sản công tại các cơ quan, đơn vị.

Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Kiểm toán Nhà nước đã xây dựng kế hoạch kiểm toán tập trung vào những vấn đề được xã hội đặc biệt quan tâm; lĩnh vực trọng yếu dễ xảy ra thất thoát, tham nhũng, lãng phí như đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản...

Đối với Thành phố Hồ Chí Minh, sự đồng hành của Kiểm toán Nhà nước thông qua việc ký Quy chế đã góp phần tích cực cùng các cấp chính quyền Thành phố trong việc xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, lập và điều hành dự toán ngân sách hằng năm, phòng chống tham nhũng, tiêu cực và lãng phí, phát huy vai trò giám sát của các cấp chính quyền Thành phố đối với hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân được giao quản lý, sử dụng tài chính công và tài sản công.

Các kết luận kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước đã được các cấp chính quyền Thành phố quan tâm, sát sao chỉ đạo thực hiện. Đặc biệt, trong năm 2023, Kiểm toán Nhà nước khu vực IV đã phối hợp chặt chẽ với Thành phố rà soát việc thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán ngân sách địa phương và chuyên đề tồn đọng (niên độ 2006-2020), tiếp tục thu hồi vào ngân sách Thành phố số tiền hơn 7.531 tỷ đồng; phối hợp, hỗ trợ các đơn vị tháo gỡ các khó khăn trong quá trình thực hiện kiến nghị kiểm toán, góp phần đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả thực hiện kiến nghị kiểm toán.

Phối hợp chặt chẽ ngay từ khi xây dựng kế hoạch kiểm toán

Trên cơ sở hợp tác giữa các bên, mối quan hệ phối hợp công tác giữa Kiểm toán Nhà nước với Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh ngày càng đi vào thực chất và hiệu quả, góp phần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan; nâng cao hiệu lực và hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước cũng như trong tổ chức các hoạt động kiểm tra, giám sát, quản lý và điều hành ngân sách nhà nước tại các địa phương theo quy định của pháp luật.

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh, qua 30 năm xây dựng và phát triển, Kiểm toán Nhà nước ngày càng khẳng định được vai trò là công cụ hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng tài chính công, tài sản công, góp phần phòng, chống lãng phí, tiêu cực và phòng, chống tham nhũng.

Qua 30 năm xây dựng và phát triển, Kiểm toán Nhà nước ngày càng khẳng định được vai trò là công cụ hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng tài chính công, tài sản công, góp phần phòng, chống lãng phí, tiêu cực và phòng, chống tham nhũng.

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn

Để có được những thành tích đó, ngoài sự cố gắng của ngành, Kiểm toán Nhà nước còn nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt sự phối hợp của các địa phương.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong thời gian tới, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn mong muốn các địa phương phối hợp chặt chẽ với Kiểm toán Nhà nước ngay từ khi xây dựng kế hoạch kiểm toán để bảo đảm chất lượng kiểm toán và đúng quy định pháp luật.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai thực hiện kế hoạch kiểm toán, nhất là trong việc chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, tài liệu phối hợp với Đoàn kiểm toán trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm toán; cử cán bộ có trách nhiệm nắm chắc vấn đề, thường xuyên trao đổi với Đoàn kiểm toán để bảo đảm chất lượng báo cáo kiểm toán, đưa ra kết luận, kiến nghị đúng, trúng và đầy đủ bằng chứng.

Từ sự phối hợp chặt chẽ trong công tác, Kiểm toán Nhà nước có điều kiện phát huy vai trò tư vấn cho chính quyền địa phương trong các lĩnh vực mà Kiểm toán Nhà nước giàu kinh nghiệm, đặc biệt là về quản lý tài chính công, tài sản công và sẵn sàng tiếp tục mở các lớp đào tạo theo yêu cầu của các địa phương về kiến thức về quản lý tài chính công, tài sản công đối với cơ quan dân cử, đặc biệt là đại biểu Hội đồng nhân dân.

Với đặc thù của địa phương có vai trò là đầu tàu kinh tế cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh cũng mong muốn trong quá trình tiếp tục triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 thời gian tới, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục đồng hành với các cấp chính quyền Thành phố trong việc kiểm tra giám sát, xây dựng các cơ chế, chính sách quản lý điều hành tài chính, ngân sách, huy động và sử dụng nguồn lực ngân sách hiệu quả, tiết kiệm và minh bạch. Qua đó góp phần thúc đẩy, phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh, giữ vững vai trò đầu tàu, tạo sức lan tỏa cho vùng Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía nam.