Có gần 100 gốc hồng đang trong thời kỳ thu hoạch, gia đình ông Nguyễn Duy Nhi (xóm 6) là một trong những hộ gia đình có diện tích trồng hồng lớn của xã Nam Anh. Những ngày vừa qua, gia đình ông đã thu hoạch khoảng 1 tấn quả hồng gáo, bán giá 30 nghìn đồng/kg. Những gốc hồng cậy cũng chuẩn bị thu hoạch, nhiều thương lái đã đến hỏi mua.
Ông Nhi cho biết: “Hồng gáo là loại quả thon và ngọt, thu hoạch sớm hơn hồng cậy. Giống hồng cậy quả nhỏ hơn, thời gian chín muộn hơn, dự kiến khoảng vài ba tuần nữa sẽ cho thu hoạch. Hồng năm nay được mùa, được giá”.
Theo ông Nhi, hồng cậy giá chỉ bằng 2/3 hồng gáo. Gia đình ông dự kiến sẽ thu hoạch khoảng 1 tấn hồng cậy.
Diện tích hồng cậy của gia đình ông Nguyễn Duy Nhi dự kiến sẽ cho thu hoạch trong vài tuần tới. |
Có diện tích hồng lớn hơn diện tích hồng của nhà ông Nhi, tại vườn hồng gia đình ông Nguyễn Hữu Hùng (xóm 7); ông Hồ Viết Vinh, ông Bùi Đình Huệ (xóm 5)... công việc thu hoạch vẫn đang được thực hiện.
Theo các hộ dân, giá hồng năm ngoái cũng tương đối, nhưng do thời tiết không thuận lợi khiến cây khi ra hoa bị rụng, cộng với ruồi vàng gây hại khiến quả khi còn nhỏ bị thối, rụng nhiều. Còn năm nay, các gốc hồng trĩu quả, lại được giá.
Những quả hồng cậy chín bói trên cây. |
Là hộ gia đình chuyên thu mua, sơ chế hồng trong nhiều năm qua, chị Trần Thị Loan (xóm 7) cho hay: Mùa thu hoạch hồng thường bắt đầu từ tháng 7 đến giữa tháng 10 âm lịch. Trung bình, mỗi ngày cơ sở của chị thu mua từ 1 đến 1,5 tấn.
Sau khi mua về, quả hồng sẽ được phân loại, đem ủ hoặc ngâm trong nước giếng khoan từ 3-4 ngày rồi mới đem bán ra thị trường. Nếu như các năm trước hồng được thu mua với giá 18-25 nghìn đồng/kg, thì năm nay, giá hồng gáo có thời điểm hơn 30 nghìn đồng/kg.
Vào mùa hồng chín, mỗi ngày có hàng trăm lượt du khách về tham quan, chụp ảnh. (Ảnh: QUỐC ĐÀN) |
Hồng Nam Anh nổi tiếng với độ giòn, ngọt, chất lượng ổn định. Trung bình mỗi năm, người trồng hồng toàn xã thu hoạch từ 500 đến 700 tấn quả.
Đà Lạt, mùa hồng treo gió
Ông Nguyễn Thúc Quang, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nam Anh cho biết: Trên địa bàn xã có hơn 100ha đất trồng hồng, tập trung ở các xóm 5, 6, 7. Đặc biệt là vườn hồng cổ nằm ở chân núi Đại Huệ, có những gốc hơn 100 năm tuổi. Cây hồng ít công chăm sóc, ít sâu bệnh, trồng một lần thu hoạch trong nhiều năm; chiếm vị trí quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế của địa phương.
Hồng có năm được giá, năm xuống giá, tuy nhiên, thu nhập từ loại quả này trên địa bàn xã trung bình khoảng 15 đến 17 tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó, vào mùa hồng chín, mỗi ngày có hàng trăm lượt du khách về tham quan, chụp ảnh. Đây là lợi thế để xã Nam Anh đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch canh nông.