Đề nghị thanh tra toàn diện công tác phát triển nhà ở xã hội

NDO - Dẫn ý kiến cho rằng nhà ở xã hội trên thực tế được mua bán, trao đổi, cho thuê chủ yếu bởi những người giàu, thậm chí cả người nước ngoài, không phải công nhân, người lao động, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ thanh tra toàn diện công tác phát triển nhà ở xã hội những năm qua để có giải pháp hiệu quả; nghiên cứu có biện pháp mạnh đối với vi phạm chính sách pháp luật về nhà ở xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh báo cáo tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 9/10. (Ảnh: DUY LINH)
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh báo cáo tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 9/10. (Ảnh: DUY LINH)

Thủ tục phức tạp và đầu cơ khiến người có nhu cầu khó tiếp cận nhà ở xã hội

Báo cáo thẩm tra về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024 tại phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 9/10, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, thị trường bất động sản có tín hiệu phục hồi nhưng còn khó khăn.

Cơ quan thẩm tra nêu rõ, từ đầu năm 2024, giá căn hộ chung cư ở vị trí trung tâm hay vùng ven của thành phố Hà Nội đều ghi nhận mức tăng đột biến.

Theo Ủy ban Kinh tế, có ý kiến cho rằng, nguyên nhân cơ bản là do nguồn cung căn hộ tại thành phố Hà Nội đang thực sự khan hiếm. Số lượng dự án ngày càng hạn chế trong những năm gần đây, trong khi nhu cầu của khách hàng, đặc biệt là các gia đình trẻ còn rất lớn.

Cơ cấu sản phẩm trên thị trường thiếu cân đối khi phân khúc chung cư bình dân khan hiếm, khiến giá nhà chung cư ở phân khúc sơ cấp và thứ cấp bị đẩy lên cao, dẫn đến người có nhu cầu thực về nhà ở khó có khả năng tiếp cận.

"Ngay cả đối với nhà ở xã hội, hiện nay đang diễn ra thực trạng người có nhu cầu không thể mua do thủ tục phức tạp và tình trạng đầu cơ, chênh giá rất lớn giữa giá bán chủ đầu tư đăng ký với Nhà nước và giá bán thực tế.

Có ý kiến cho rằng, nhà ở xã hội trên thực tế được mua bán, trao đổi, cho thuê chủ yếu bởi những người giàu, thậm chí cả người nước ngoài, không phải công nhân, người lao động, người có nhu cầu thực đối với loại hình nhà ở này”, báo cáo thẩm tra nêu.

Ủy ban Kinh tế dẫn thông tin truyền thông và dư luận xã hội phản ánh thực trạng nhiều người nước ngoài thuê, sống trong các dự án nhà ở xã hội tại Bắc Giang, Bắc Ninh - hai thủ phủ công nghiệp phía bắc.

Các khu có nhiều người nước ngoài sinh sống gồm Evergreen Bắc Giang, Vân Trung, Nội Hoàng (Bắc Giang), Kinh Bắc, V-city, Cát Tường, Thống Nhất (Bắc Ninh). Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh kiểm tra tình trạng người nước ngoài thuê, sống trong các khu nhà xã hội trên địa bàn.

Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ thanh tra toàn diện công tác phát triển nhà ở xã hội những năm qua để có giải pháp hiệu quả; nghiên cứu có biện pháp mạnh đối với vi phạm chính sách pháp luật về nhà ở xã hội.

Cùng với quá trình tăng giá đột biến của căn hộ chung cư, cơ quan thẩm tra của Quốc hội nêu thực tế giá đất nền tại các quận nội thành và ven đô Hà Nội đã có dấu hiệu tăng nhanh trở lại, nhất là đối với các huyện có thông tin lên quận.

Đề nghị thanh tra toàn diện công tác phát triển nhà ở xã hội ảnh 1

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, dẫn thực tế giá nhà đất và chung cư được đẩy lên rất cao khiến người lao động khó tiếp cận, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan chức năng làm sao quản lý tốt về giá, giúp thị trường bất động sản hoạt động ổn định. (Ảnh: DUY LINH)

Đặc biệt, thời gian vừa qua, loạt phiên đấu giá tại các huyện ven Hà Nội gây xôn xao thị trường. Cụ thể, tại huyện Hoài Đức, hàng trăm nhà đầu tư tham gia phiên đấu giá kéo dài xuyên đêm, đẩy giá hơn chục lô đất trúng với mức trên 100 triệu đồng/m2. Lô cao nhất trúng với giá hơn 133 triệu đồng/m2 - gấp 18 lần mức khởi điểm.

Trong đó, một số cuộc thu hút hàng nghìn hồ sơ tham dự, gấp hơn chục lần số lô đất được bán ra và trúng đấu giá cũng gấp hàng chục lần giá khởi điểm. Tình trạng "bỏ cọc" sau khi trúng đấu giá tác động tiêu cực đến mặt bằng giá và thị trường nhà ở.

Bên cạnh đó, tình trạng lũng đoạn, thổi giá, tạo sóng, đầu cơ đất đai đẩy giá đất lên cao khiến việc mua bán hầu như chỉ diễn ra trong giới đầu cơ.

Báo cáo thẩm tra cũng phản ánh ở nhiều vùng ngoại thành của các thành phố lớn, tỷ lệ lấp đầy sau "phân lô, bán nền" chỉ là 5%; nghĩa là sau nhiều năm thực hiện phân lô, bán nền 100 lô đất, chỉ có 5 lô được sử dụng (xây nhà), còn 95 lô còn lại bỏ hoang, gây lãng phí nguồn lực xã hội.

Vấn đề tồn kho bất động sản dở dang cũng rất đáng được quan tâm khi hàng nghìn căn nhà bị bỏ hoang hàng chục năm qua với tổng giá trị rất lớn; nhiều khu đô thị mới tỷ lệ số căn hộ được sử dụng thấp. Trong khi đó, người có nhu cầu mua nhà ở, đất ở thực sự đang phải trả một khoản tiền lớn cho giới đầu cơ.

“Đây là những vấn đề có thể để lại hậu quả xấu đến quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Vì vậy, có ý kiến cho rằng, đã đến lúc cần xác định đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt của xã hội, thay vì là hàng hóa mua đi bán lại kiếm lời. Từ đó có các giải pháp hữu hiệu giải quyết triệt để thực trạng nêu trên”, theo Ủy ban Kinh tế.

Khẩn trương xử lý dứt điểm đối với các dự án nhà ở xã hội gặp vướng mắc pháp lý

Trước đó, ngày 23/9/2024, tại Phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương bổ sung, hoàn thiện các đề xuất, kiến nghị các giải pháp cụ thể hơn để giải quyết những tồn tại, hạn chế đã nêu tại Báo cáo giám sát, bảo đảm khả thi và phù hợp với tính chất của Nghị quyết giám sát.

Đề nghị thanh tra toàn diện công tác phát triển nhà ở xã hội ảnh 2

Quang cảnh Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: DUY LINH)

Trong đó bao gồm các đề xuất, kiến nghị cụ thể để giải quyết việc triển khai dự án bất động sản vướng mắc, kéo dài, giải pháp về kiểm soát dòng vốn tín dụng bất động sản, việc thực hiện nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp, việc triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”.

Cùng đó là việc đơn giản hóa thủ tục mua, thuê mua, thuê nhà ở xã hội, đơn giản hóa thủ tục gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng; giảm giá nhà ở trên thị trường để bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, tập trung tháo gỡ những dự án gặp khó khăn, vướng mắc, cải tạo, xây dựng chung cư cũ, hoàn thiện quy định về quản lý, sử dụng đất trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Đồng thời, Chính phủ khẩn trương xử lý dứt điểm đối với các dự án bất động sản, nhà ở xã hội gặp khó khăn, vướng mắc pháp lý, đình trệ do quá trình triển khai thực hiện kéo dài, pháp luật qua các thời kỳ có nhiều thay đổi trên cơ sở đánh giá đầy đủ lợi ích - chi phí và tính khả thi của phương án giải quyết để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân, doanh nghiệp, qua đó giải phóng nguồn lực cho thị trường bất động sản.

Đối với những dự án đã có kết luận của cấp có thẩm quyền về phương án tháo gỡ, đề nghị sớm hoàn thiện hồ sơ đề xuất trình Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Đối với những dự án khác, đề nghị tiếp tục rà soát, phân loại và xây dựng phương án giải quyết, ban hành theo thẩm quyền cơ chế giải quyết phù hợp, trường hợp vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền để trình Quốc hội xem xét, quyết định.