Chuyển đổi số ở nông thôn, miền núi Quảng Ninh

Xác định chuyển đổi số là xu thế phát triển tất yếu, Quảng Ninh đã tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, trong đó chú trọng xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, công dân số một cách toàn diện, hiệu quả. Đáng chú ý, tỉnh đã nỗ lực đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện ở khu vực nông thôn, miền núi, hướng đến mục tiêu xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân thông minh.
0:00 / 0:00
0:00
Bảo hiểm xã hội huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) tuyên truyền các dịch vụ chuyển đổi số cho người dân xã Hải Lạng.
Bảo hiểm xã hội huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) tuyên truyền các dịch vụ chuyển đổi số cho người dân xã Hải Lạng.

Đại Dực là xã vùng cao của huyện Tiên Yên với 100% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm nỗ lực chuyển đổi số vì sự phát triển bền vững, cấp ủy, chính quyền từ xã đến thôn đã quyết liệt chỉ đạo triển khai các hoạt động chuyển đổi số đến với người dân.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đại Dực Hoàng Việt Tùng cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi đã đẩy mạnh tuyên truyền các lợi ích của việc chuyển đổi số đến với người dân; tổ chức tập huấn cho các tổ công nghệ số cộng đồng thôn và chỉ đạo đoàn thanh niên xã hỗ trợ người dân cài đặt, hướng dẫn sử dụng các ứng dụng tiện ích trên điện thoại thông minh. Xã tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ thúc đẩy hạ tầng số rộng khắp, hiện đại, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền”.

Chị Nình Thị Hồ ở thôn Khe Lục, xã Đại Dực chia sẻ: “Mình học thêm được chữ là nhờ cái điện thoại này. Vì thấy bảo nó có nhiều cái hay nên mình cũng mua một cái rồi nhờ người biết chữ dạy cho cách bấm phím thành chữ. Nhờ điện thoại, mình đã học hỏi được nhiều từ cách chăm sóc lúa, cách trồng rừng, cách nuôi dạy con cho tốt”.

Được tổ chuyển đổi số cộng đồng tuyên truyền, hướng dẫn cài đặt và sử dụng các dịch vụ số, anh Lỷ Văn Quạn, thôn Phài Giác chia sẻ: “Từ khi bán hàng trên sàn thương mại điện tử, sản phẩm ớt của gia đình tôi đã được nhiều người biết đến, đầu ra luôn ổn định, mang lại thu nhập cao”.

Theo Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Khe Lục, xã Đại Dực Nình Văn Quang, giờ đây, cán bộ không còn phải gọi điện thoại cho từng người, hoặc “đi từng ngõ, gõ từng nhà” mà chỉ cần đăng tải thông tin trên các trang Facebook và Zalo, thông tin được truyền tải đến bà con một cách nhanh chóng và kịp thời. Sau khi được người dân góp ý, nhiều vấn đề đã được điều chỉnh phù hợp với tình hình, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong cộng đồng dân cư.

Tại huyện Bình Liêu, công tác tuyên truyền nhằm hướng dẫn, khuyến khích người dân chủ động làm quen với các dịch vụ tiện ích trên không gian mạng cũng được đẩy mạnh. Cán bộ các thôn là nòng cốt hướng dẫn người dân cài đặt các phần mềm chuyển đổi số, nâng cao nhận thức về an toàn an ninh mạng. Anh Dường Phúc Thím ở thôn Khe Tiền, xã Đồng Văn chia sẻ: “Người dân vùng cao chúng tôi được hưởng lợi rất nhiều từ việc chuyển đổi số. Bây giờ, chỉ cần có điện thoại hoặc máy tính có thể ngồi nhà làm các thủ tục hồ sơ gửi lên huyện, tỉnh rất thuận lợi”.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đồng Tâm Nông Thanh Sơn cho biết: “Các tổ công nghệ số cộng đồng đã phát huy tốt vai trò của mình, nhất là trong hướng dẫn người dân cài phần mềm VssID, thanh toán tiền điện, tiền nước qua điện thoại, cập nhật tin tức an ninh trật tự trên trang thông tin điện tử địa phương... Nhiều hộ kinh doanh trong xã đã bắt đầu biết quảng bá các sản phẩm của mình trên mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử để bán được nhiều hàng hơn, nâng cao thu nhập”.

Với tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 96%, những năm qua, huyện Bình Liêu đã nỗ lực đẩy mạnh công tác tuyên truyền trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội, cổng thông tin điện tử, Zalo, đồng thời tích cực khuyến khích cài đặt, kích hoạt và sử dụng công dân số VNeID; tăng cường ứng dụng chữ ký số cá nhân của công dân trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính...

Bí thư huyện ủy Bình Liêu Nguyễn Thị Tuyết Hạnh nhấn mạnh: Để chuyển đổi số đạt hiệu quả thiết thực hơn, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân. Đồng thời, ưu tiên triển khai các nội dung chuyển đổi số có tác động trực tiếp đến đời sống người dân, như cung cấp dịch vụ kết nối internet băng rộng cố định cho các khu dân cư trên địa bàn; hoàn thành chỉ tiêu hơn 80% các cơ sở giáo dục, cơ sở y tế; dịch vụ điện, nước, thu phí và lệ phí thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt; hoàn thành thực hiện cài đặt ứng dụng công dân số VNeID cho 100% người dân.

Cùng với việc đẩy mạnh chuyển đổi số ở miền núi, tỉnh Quảng Ninh đang triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số ở nông thôn. Hiện nhiều người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã đã nắm bắt cơ hội về chuyển đổi số, vận dụng để tối ưu các khâu sản xuất. Tại khu phức hợp sản xuất giống công nghệ cao tại xã Tân Lập, huyện Ðầm Hà do Tập đoàn Việt - Úc làm chủ đầu tư, công nghệ số đã giúp đồng bộ toàn thể hệ thống quản lý quá trình sinh trưởng con tôm, bảo đảm chất lượng tốt nhất. Từng mẻ tôm giống xuất bán đều được mã hóa phục vụ nhu cầu của khách hàng nếu cần truy xuất nguồn gốc, chủng loại, kiểm tra thông tin chất lượng...

Tại thị xã Đông Triều, Quảng Yên, nhiều đơn vị, hợp tác xã và hộ dân cũng ứng dụng công nghệ số, thiết bị cảm ứng nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng phục vụ tự động hóa việc chăm sóc cây trồng, giảm thiểu những bất lợi từ thời tiết, sâu bệnh, bảo đảm cho cây sinh trưởng, phát triển ổn định; từng bước chấm dứt mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả và thiếu liên kết chuỗi giá trị. Nông sản của tỉnh sẽ tạo được ưu thế trên thị trường, chinh phục được những hệ thống phân phối uy tín và người tiêu dùng. Từ đó, mức thu nhập của người nông dân được cải thiện, nâng cao đáng kể.