Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định, Đông Nam Bộ phải là vùng phát triển năng động, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ, giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hàng đầu của cả nước và khu vực Đông Nam Á, giữ vai trò quan trọng trong liên kết phát triển với các vùng kinh tế khác.
Trên cơ sở Nghị quyết số 24-NQ/TW đề ra, các địa phương vùng Đông Nam Bộ xem giáo dục và đào tạo là một trong những yếu tố quan trọng và luôn được quan tâm, đầu tư như một giải pháp mũi nhọn nhằm nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của địa phương và toàn vùng. Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận, việc ứng dụng chuyển đổi số trong giáo dục của các địa phương trong vùng hiện còn nhiều hạn chế, bất cập, cần có giải pháp đồng bộ để tháo gỡ.
Những năm gần đây, tại các tỉnh, thành phố trong vùng Đông Nam Bộ, việc đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ số trong giáo dục đã được tăng cường; tuy nhiên, việc đầu tư này vẫn chưa được đồng bộ, vẫn còn khoảng cách chênh lệch khá lớn giữa các trường, các địa phương. Những thiếu hụt về hạ tầng cơ sở vật chất, nguồn nhân lực… là một trong những nguyên nhân chính ảnh hưởng đến việc nâng cao chất lượng dạy và học. Nhận thức của người đứng đầu trong các cơ sở giáo dục, giáo viên trong các trường học cũng là yếu tố then chốt dẫn đến việc chuyển đổi số trong giáo dục tại một số địa phương trong vùng chưa được chú trọng.
Trong thời đại hiện nay, nếu chúng ta không quan tâm đến chuyển đổi số nghĩa là chúng ta đang tụt hậu so với khu vực và thế giới. Để chuyển đổi số thành công là một việc không dễ, bởi chuyển đổi số không chỉ là vấn đề của công nghệ, mà còn là vấn đề về con người. Do đó, các cơ sở giáo dục trong vùng Đông Nam Bộ phải nhìn rõ bản chất của vấn đề để xác định đâu là mấu chốt, đâu là vướng mắc, từ đó tập trung xây dựng giải pháp, cơ chế thực hiện.
Mới đây, ngành giáo dục các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ đã ký kết hợp tác để thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục toàn vùng. Đây được xem là cơ sở để ngành giáo dục các địa phương trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, cùng thúc đẩy ứng dụng công nghệ số vào dạy và học. Chuyển đổi số trong ngành giáo dục cần quá trình thay đổi về tư duy, cách thức hành động của từng trường học, của người đứng đầu cơ sở giáo dục.
Do đó, để chuyển đổi số thành công, ngành giáo dục các địa phương trong vùng cần có chiến lược với tầm nhìn tổng thể, đồng thời xây dựng kế hoạch trung hạn và dài hạn, có tính linh hoạt để đáp ứng nhanh chóng những thay đổi của công nghệ. Các địa phương trong vùng cần xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực chuyển đổi số cho ngành giáo dục, bởi đây là vấn đề cấp thiết khi nguồn nhân lực hiện tại thiếu cả về số lượng, lẫn chất lượng. Ngoài ra, cần đẩy mạnh chương trình bồi dưỡng, đào tạo, trang bị cho giáo viên, nhân viên các kiến thức và kỹ năng ứng dụng công nghệ số trong dạy và học...