Chuyển biến rõ về phát triển người tham gia trong Tháng bảo hiểm xã hội toàn dân

Trong tháng 5 - Tháng vận động triển khai bảo hiểm xã hội toàn dân, có sự chuyển biến rõ về phát triển số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế. Trong đó, người tham gia bảo hiểm y tế ngày càng bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Chuyển biến rõ về phát triển người tham gia trong Tháng bảo hiểm xã hội toàn dân

Ngày 6/6, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện công tác thu và phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp 5 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm.

Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh chủ trì hội nghị. Sự kiện kết nối trực tuyến đến các điểm cầu bảo hiểm xã hội địa phương cấp tỉnh, thành phố và cấp huyện.

Chuyển biến rõ về phát triển người tham gia trong Tháng bảo hiểm xã hội toàn dân ảnh 1

Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: VSS)

Phát biểu tại hội nghị, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu các đơn vị và bảo hiểm xã hội các địa phương tập trung đánh giá 5 nội dung. Cụ thể là:

Thứ nhất, đánh giá kịch bản của ngành trong lĩnh vực thu, phát triển người tham gia để kịp thời giải quyết các vướng mắc. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng cơ sở dữ liệu đối tượng tiềm năng. Đây là vấn đề quan trọng cần xác định rõ đến từng địa bàn thôn, xóm, từng nhóm riêng biệt.

Đến hết ngày 1/6/2024, toàn quốc hiện có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội đạt 17,414 triệu người, tăng 1,67% so với cùng kỳ năm 2023. Số lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt 14,253 triệu người, tăng 1,67% so với cùng kỳ năm 2023. Số người tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,614 triệu người, tăng 0,02% so với cùng kỳ năm 2023.

Thứ hai, kiện toàn, cơ cấu Ban chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế các cấp ở địa phương, cần tổ chức đánh giá hiệu quả hoạt động, để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ các vướng mắc, nhất là ở cấp xã.

Thứ ba, công tác phối hợp giữa Bảo hiểm xã hội Việt Nam với các cơ quan, tổ chức dịch vụ thu, Ban chỉ đạo các cấp, các cộng tác viên là những người có uy tín trong cộng đồng.

Thứ tư, về công tác thu, giảm nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, đây là nhiệm vụ xuyên suốt của ngành, cần tăng cường các giải pháp giảm nợ cũ và không để nợ mới phát sinh gắn với công tác thanh tra, đôn đốc, công khai… theo quy định.

Thứ năm, quan tâm đến quản lý rủi ro trong công tác thu và phát triển người tham gia.

Tại hội nghị, Trưởng Ban Quản lý Thu - Sổ, thẻ Dương Văn Hào cho biết, 5 tháng đầu năm 2024, trong bối cảnh nhiều khó khăn, bảo hiểm xã hội các địa phương đã bám sát chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác này, có nhiều chuyển biến, đạt nhiều kết quả quan trọng.

Các chỉ tiêu đều tăng so với cùng kỳ năm 2023. Số liệu cập nhật đến hết ngày 1/6/2024 trên hệ thống Data Warehouse của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, toàn quốc hiện có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội đạt 17,414 triệu người, tăng 1,67% so với cùng kỳ năm 2023. Số lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt 14,253 triệu người, tăng 1,67% so với cùng kỳ năm 2023. Số người tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,614 triệu người, tăng 0,02% so với cùng kỳ năm 2023.

Về 5 nội dung theo chỉ đạo của lãnh đạo ngành, ông Hào cho biết, về kịch bản phát triển người tham gia, hiện nay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có các văn bản đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Bảo hiểm xã hội các địa phương đã bám sát các chỉ đạo, hướng dẫn, đồng thời có nhiều sáng tạo, linh hoạt, nhất là trong tháng 5 - Tháng vận động triển khai bảo hiểm xã hội toàn dân, giúp tỷ lệ phát triển người tham gia tăng cao về bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện có chuyển biến tốt, bảo hiểm y tế có sự tăng trưởng.

Trong tạo lập dữ liệu đối tượng tiềm năng thời gian qua mang lại kết quả tốt, làm cơ sở cho việc phát triển bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện. Tuy nhiên, việc cập nhật thường xuyên dữ liệu còn chưa tốt đến từng thôn, bản, tổ dân phố nên đây sẽ là việc bảo hiểm xã hội các địa phương cần tập trung thời gian tới.

Bảo hiểm xã hội các địa phương đã bám sát các chỉ đạo, hướng dẫn, đồng thời có nhiều sáng tạo, linh hoạt, nhất là trong tháng 5 - Tháng vận động triển khai bảo hiểm xã hội toàn dân, giúp tỷ lệ phát triển người tham gia tăng cao về bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện có chuyển biến tốt, bảo hiểm y tế có sự tăng trưởng.

Kết luận hội nghị, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh đánh giá cao kết quả toàn ngành đạt được trong công tác thu, phát triển người tham gia 5 tháng đầu năm 2024. Đặc biệt, trong tháng 5 - Tháng vận động triển khai bảo hiểm xã hội toàn dân, kết quả có sự chuyển biến rõ, tăng cao so với tháng 4 và cùng kỳ năm 2023 cả về số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế. Trong đó, người tham gia bảo hiểm y tế ngày càng bền vững. Kết quả đó có được từ sự vào cuộc, phối hợp tốt và chuyển biến về nhận thức của các đơn vị, cán bộ trong toàn ngành.

Chuyển biến rõ về phát triển người tham gia trong Tháng bảo hiểm xã hội toàn dân ảnh 2

Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: VSS)

Vì vậy, thời gian tới, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu, bảo hiểm xã hội các địa phương tiếp tục bám sát chỉ đạo của ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương trong triển khai nhiệm vụ thu, phát triển người tham gia. Đồng thời, bám sát tình hình thực tế trên địa bàn để đưa ra các giải pháp phù hợp từ sớm, từ xa; trong đó, cần làm tốt cơ sở dữ liệu về đối tượng tiềm năng để cùng hệ thống tổ chức dịch vụ thu hướng tới. Tăng cường phối hợp các sở, ngành trên địa bàn vì mục tiêu chung phát triển người tham gia, thu đúng, thu đủ, giảm nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp vì quyền lợi người dân, người lao động, người sử dụng lao động.

Theo Quyết định số 1676/QĐ-TTg ngày 21/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền bảo hiểm xã hội, tháng 5 hằng năm được chọn là “Tháng vận động triển khai bảo hiểm xã hội toàn dân”.

Sự kiện nhằm thu hút sự chú ý của mọi tầng lớp nhân dân đối với chính sách bảo hiểm xã hội; tuyên truyền, khuyến khích vận động nhân dân tham gia bảo hiểm xã hội hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân; động viên và nâng cao ý thức trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc chủ động tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động. Từ khi năm 2020 đến nay, Tháng vận động đã diễn ra bốn lần.

Tháng vận động triển khai bảo hiểm xã hội toàn dân lần thứ 5 năm 2024 có chủ đề “Bảo hiểm xã hội - An tâm cho mọi gia đình”.

Lễ ra quân tuyên truyền, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế nhân Tháng vận động lần thứ 5 đã được Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) tổ chức vào ngày 25/5 vừa qua.