Chung tay đóng góp xây dựng Khu tưởng niệm cố soạn giả Viễn Châu

NDO - Ngày 9/7 tại thành phố Cần Thơ, Ban vận động gây quỹ xây dựng Khu lưu niệm cố soạn giả - Nghệ sĩ Nhân dân Viễn Châu tổ chức chương trình vận động các tổ chức, cá nhân khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
0:00 / 0:00
0:00
Đại diện lãnh đạo đơn vị góp quỹ tại chương trình.
Đại diện lãnh đạo đơn vị góp quỹ tại chương trình.

Tại chương trình, lãnh đạo Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh cho biết, việc xây dựng Khu lưu niệm là việc làm với mong muốn tôn vinh và tri ân những cống hiến của cố soạn giả - Nghệ sĩ Nhân dân Viễn Châu. Ông có đóng góp lớn trong giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phát huy giá trị loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Ban vận động kêu gọi mạnh thường quân, các tổ chức, cá nhân khu vực đồng bằng sông Cửu Long chung tay đóng góp kinh phí giúp Trà Vinh sớm xây dựng hoàn thành khu lưu niệm.

Khu lưu niệm dự kiến được xây dựng tại ấp Cây Da, xã Đôn Xuân, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh với diện tích khoảng 11.300m2, được thiết kế với 16 hạng mục chính. Đó là: cổng chính, biểu tượng đàn tranh, bức tượng của ông, khu nhà trưng bày về thân thế, sự nghiệp cố soạn giả - Nghệ sĩ Nhân dân Viễn Châu, khu nhà trưng bày “Đờn ca tài tử cải lương”, nhà biểu diễn, khu quầy lưu niệm,...

Chung tay đóng góp xây dựng Khu tưởng niệm cố soạn giả Viễn Châu ảnh 1

Nghệ sĩ Đoàn cải lương Tây Đô trình bày tác phẩm của cố soạn giả Viễn Châu.

Tổng kinh phí dự kiến xây dựng Khu lưu niệm khoảng 70 tỷ đồng từ nguồn kinh phí xã hội hóa. Thời gian xây dựng dự kiến trong năm 2024 và 2025.

Hưởng ứng lời kêu gọi, tại chương trình, các tập thể, cá nhân đóng góp với số tiền gần 500 triệu đồng.

Cố Soạn giả - Nghệ sĩ Nhân dân Viễn Châu tên thật Huỳnh Trí Bá (bảy Bá) sinh năm 1924 tại huyện Trà Cú nay là huyện duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.
Ông được mệnh danh là “Vua vọng cổ” với việc khai sinh ra thể loại ca vọng cổ “tân cổ giao duyên” đồng thời là tác giả của hơn một trăm vở cải lương, hàng nghìn bài vọng cổ được nhiều người yêu mến, say mê.