Giữ lửa đam mê với đờn ca tài tử

Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa tổ chức kỷ niệm 30 năm chương trình Bông lúa vàng. Đây là chương trình dành cho những người đam mê môn nghệ thuật truyền thống Nam Bộ đờn ca tài tử và cải lương. Ra đời từ năm 1993, cuộc thi Bông lúa vàng cho thấy tình yêu của người dân vẫn còn rất bền bỉ và sâu đậm với loại hình nghệ thuật này.
0:00 / 0:00
0:00
Các thí sinh đoạt giải trong cuộc thi Bông lúa vàng 2023.
Các thí sinh đoạt giải trong cuộc thi Bông lúa vàng 2023.

Tại vòng chung kết xếp hạng Bông lúa vàng 2023, trong số đông đảo khán, thính giả đến ủng hộ các thí sinh tại Nhà hát VOH có không ít những cụ ông, cụ bà. Có cụ ngoài 80 tuổi, ở tận Nhà Bè cũng lặn lội đường sá, đến để thưởng thức các tiết mục dự thi của thí sinh. Tình yêu với cải lương, đờn ca tài tử dường như đã ngấm vào máu thịt của những vị khán giả đặc biệt này.

Trong khi đó, Giải Hoa sen vàng 2023 dành cho những bạn yêu đờn ca tài tử từ các trung tâm văn hóa quận, huyện, thành phố Thủ Đức chứng kiến sự tham gia của nhiều thí sinh còn rất trẻ. Những người trẻ đến với cuộc thi Hoa sen vàng đã không còn là chuyện hiếm hoi mà dần trở thành hình ảnh quen thuộc, một tín hiệu vui đối với những người đang gìn giữ, bảo tồn nghệ thuật truyền thống Nam Bộ này.

Năm 2023 cũng là năm Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 10 năm UNESCO công nhận Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Ngoài những chương trình nghệ thuật tôn vinh đờn ca tài tử, các cuộc tọa đàm, hội thảo tìm giải pháp để môn nghệ thuật này tiếp tục được bảo tồn, phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới cũng được các nhà nghiên cứu, chuyên gia đưa ra.

Bên cạnh việc đề xuất chính sách dành cho các nghệ nhân, những người truyền nghề, chính sách ưu tiên những nhân tố trẻ theo môn nghệ thuật Đờn ca tài tử, nhiều ý kiến cho rằng cần tạo nên một không gian đúng nghĩa dành cho nghệ thuật Đờn ca tài tử tại Thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, công tác quảng bá, giới thiệu môn nghệ thuật truyền thống của vùng Nam Bộ tại các chương trình nghệ thuật trên sóng truyền hình, phát thanh cũng cần có những thay đổi phù hợp để thu hút giới trẻ tham gia nhiều hơn.

Như đối với chương trình Bông lúa vàng, để giữ được lượng khán thính giả yêu thích chương trình, cũng như thu hút nhiều thí sinh trẻ tham dự giải hằng năm, Ban Tổ chức đã có nhiều đổi mới về nội dung, hình thức sao cho chương trình ngày càng hấp dẫn hơn. Việc Ban Tổ chức quyết định đưa các bài bản Tổ của đờn ca tài tử được viết lời mới vào các vòng thi đã giúp cho các thí sinh hiểu hơn về nghệ thuật Đờn ca tài tử, mang lại sức sống, hơi thở hiện đại cho môn nghệ thuật này.

Công tác bảo tồn, phát huy giá trị âm nhạc truyền thống nói riêng, nghệ thuật Đờn ca tài tử nói chung vẫn còn nhiều khó khăn. Để tạo nên một lớp khán giả mộ điệu mới của môn nghệ thuật này đòi hỏi các em học sinh phải được tiếp cận đờn ca tài tử sớm, bằng những phương pháp giảng dạy phù hợp, hấp dẫn, khơi gợi được tình yêu của các em đối với nghệ thuật Đờn ca tài tử. Khi ngọn lửa đam mê dành cho môn nghệ thuật độc đáo này được thắp lên, loại hình di sản văn hóa phi vật thể của vùng đất phương Nam sẽ có cơ hội phát huy giá trị và lưu truyền sâu rộng trong đời sống và trong tâm hồn mỗi người dân.