Nghệ sĩ Ưu tú, soạn giả Viễn Châu, tên thật là Huỳnh Trí Bá, sinh ngày 21-10-1924, nguyên quán ở xã Ðôn Châu, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Năm 1942, ông tham gia Ban cổ nhạc Ðài Phát thanh Pháp Á Sài Gòn. Sau đó, theo một số đoàn nghệ thuật lưu diễn nhiều nơi và làm quen với việc sáng tác.
Nghệ sĩ Ưu tú, soạn giả Viễn Châu còn là tác giả tiên phong của thể loại "tân cổ giao duyên", "vọng cổ hài", tên tuổi đã in sâu trong lòng công chúng qua nhiều bài vọng cổ giá trị mang tính văn học cao, gắn liền với các danh ca. Ðiển hình như bài "Tình anh bán chiếu" (Út Trà Ôn), "Mẹ dạy con" (Út Bạch Lan), "Tiếng trống tàn canh" (Thành Ðược), "Quán Âm Thị Kính" (Lệ Thủy), "Tu là cội phúc" (Minh Cảnh), "Lắng tiếng chuông ngân" (Thanh Nga), "Áo tình đắp mộ người yêu" (Ngọc Giàu)...
Xuất thân trong gia đình vọng tộc, thân phụ là Hưởng cả, ông là con thứ sáu trong gia đình, nhưng tính theo người nam là thứ bảy vì người con cả là thứ hai, nên người ta gọi là Bảy Bá. Từ nhỏ, ông đã mê học đờn tranh, tự mày mò những ngón đờn học lỏm qua đĩa hát nhựa cũng như các nhóm đờn ca tài tử ở làng quê.
Cuối năm 1943, ông theo đoàn Tố Như lưu diễn. Hai tháng sau, ông tham gia gánh ca kịch của Năm Châu ra Hà Nội lưu diễn. Từ đó, ông có cơ hội tiếp xúc với Năm Châu, Lê Hoài Nở, Trần Hữu Trang, Duy Lân... và tạo điều kiện cho ông phát triển tư duy sáng tác và đầy tự tin.
Từ kịch bản "Nát cánh hoa rừng" một sáng tác đầu tay năm 1950 là dấu ấn đầu đời làm ông nhớ mãi. Ông cũng tự nhận là học được ở soạn giả Năm Châu quan điểm: "Sân khấu phải thật và đẹp" cái thật thuộc về tình huống, để người xem bị lôi cuốn theo nhân vật, đưa mình vào tâm trạng phán đoán với nội dung vở diễn. Quan điểm của ông: "Muốn sáng tác kịch bản cải lương hay, là phải biết quan sát, tiếp thu đầy đủ những vấn đề: Vui, giận, yêu, ghét và tính chất trung - hiếu - tiết nghĩa - thiện - ác, nịnh bợ... thì kịch bản mới có chiều sâu, có sức sống và thuyết phục người xem".
Những câu đố vui về những bài vọng cổ, những vở cải lương, những giọng ca tài danh của 50 - 60 năm trước vẫn được đông đảo khán giả trẻ thế hệ hôm nay yêu thích và thuộc lòng. Ðiều đó đủ nói lên bài ca vọng cổ và nghệ thuật cải lương của Viễn Châu đã đạt đỉnh cao nghệ thuật và có chỗ đứng nhất định trong lòng khán giả.
Trước tình hình khó khăn của sân khấu cải lương hiện nay, mặc dù trên 80 tuổi đời, nhưng Viễn Châu luôn trăn trở trong lòng những băn khoăn, hoài bão... Theo ông, để cải lương giữ được vai trò nghệ thuật trong đời sống văn hóa của người Việt Nam, cần thực hiện đồng bộ nhiều vấn đề để phù hợp với nhịp sống công nghiệp, hiện đại. Nhất là nâng cao năng lực của đội ngũ soạn giả. Nắm được cái "thần" của bài vọng cổ và sân khấu cải lương thì mới có thể phát huy cao nhất bản sắc loại hình văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc.