"Bông lúa vàng"- hành trình 30 năm

Ba mươi năm qua, Cuộc thi Bông lúa vàng đã trở nên quen thuộc với thính giả nghe đài và những người yêu nghệ thuật đờn ca tài tử, cải lương không chỉ riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh mà còn ở các tỉnh, thành phố khu vực phía nam. Nhiều giọng ca đã trưởng thành từ cuộc thi, trở thành những Nghệ nhân Ưu tú, Nghệ nhân Nhân dân và nghệ sĩ cải lương nổi tiếng.
Tiết mục dự thi của thí sinh Nguyễn Thành Trường (Vĩnh Long), số báo danh 101, tại Cuộc thi Bông lúa vàng năm 2022.
Tiết mục dự thi của thí sinh Nguyễn Thành Trường (Vĩnh Long), số báo danh 101, tại Cuộc thi Bông lúa vàng năm 2022.

Năm 2023, Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức kỷ niệm 30 năm Cuộc thi Bông lúa vàng với nhiều hoạt động sôi nổi, đánh dấu hành trình bền bỉ của một chương trình đã trở thành thương hiệu. Cuộc thi Bông lúa vàng được tổ chức lần đầu tiên năm 1993, đến nay trải qua 30 năm, đã bảo tồn, phát huy giá trị tinh thần vô cùng đáng quý của nhân loại, đó là nghệ thuật đờn ca tài tử.

Với hơn 1.500 chương trình phát sóng hằng tuần, chương trình đã định hình thói quen nghe đài, thưởng thức cải lương của bà con nông dân. Qua từng năm, cuộc thi đã quy tụ Ban Giám khảo là những soạn giả tên tuổi và những nghệ sĩ cải lương danh tiếng: Soạn giả Ngô Hồng Khanh; soạn giả Minh Thùy; Nghệ sĩ Ưu tú Phượng Loan; Nghệ sĩ Phượng Hằng; Thạc sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú Huỳnh Khải, Tiến sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Bạch Tuyết; Nghệ sĩ Minh Vương; Nghệ sĩ Nhân dân Thanh Tuấn; Nghệ sĩ Kim Tử Long; Nghệ sĩ Thanh Hằng.

Nơi đây cũng là bệ phóng cho hàng nghìn thí sinh "tỏa sáng tài năng cải lương" với nhiều tên tuổi không còn xa lạ với giới mộ điệu như: Nghệ sĩ Ưu tú Tuyết Ngân, Nghệ sĩ Ưu tú Đào Vũ Thanh, Nghệ sĩ Ưu tú Thu Vân, Minh Trường…

Ông Nguyễn Nam Tuấn, Phó Giám đốc Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Trưởng ban chỉ đạo cuộc thi Bông lúa vàng cho biết, Bông lúa vàng là cuộc thi đầu tiên đạt kỷ lục lâu đời nhất trong hệ thống phát thanh-truyền hình Việt Nam.

"Năm 2023 là một năm vô cùng đặc biệt của Bông lúa vàng. Ban tổ chức đã thực hiện một chuỗi sự kiện để đánh dấu hành trình ấn tượng, như thực hiện chuyên mục "30 năm hành trình Bông lúa vàng" phát sóng hằng tuần, nơi gặp gỡ giao lưu ôn lại những nhân vật gắn bó với cuộc thi suốt 30 năm qua. Chúng tôi cũng tổ chức cuộc thi viết sáng tác kỷ niệm 30 năm Bông lúa vàng và nhận được hưởng ứng, tham gia của gần 100 tác giả khắp mọi miền Tổ quốc. Đáng chú ý, Ban tổ chức đã khai trương triển lãm 30 năm Bông lúa vàng, ra mắt kỷ yếu 30 năm Bông lúa vàng, tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm cuộc thi" - ông Nguyễn Nam Tuấn cho biết thêm.

Theo bà Dương Huỳnh Kim Ngân, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi Bông lúa vàng, với hành trình 30 năm, Bông lúa vàng cũng có những giai đoạn thăng trầm, nhất là trong năm 2021. Đây là năm Thành phố Hồ Chí Minh trải qua đại dịch Covid-19 khủng khiếp nhưng cuộc thi Bông lúa vàng vẫn được diễn ra, vẫn gửi đến khán giả những giọng ca mượt mà từ khắp các tỉnh, thành phố.

"Ban tổ chức cuộc thi phải suy nghĩ rất nhiều về cách thức tổ chức sao cho phù hợp với tình hình dịch bệnh. Chúng tôi đã tiến hành thi online, các thí sinh sẽ tự quay hình ảnh, giọng ca của mình gửi về cho đài. Ban tổ chức cùng với ban đờn sẽ thực hiện các bản phối gửi đến các thí sinh tham gia. Có những bạn đang trong khu vực cách ly nhưng cũng nhiệt tình tham gia khiến chúng tôi rất xúc động. Chính tình yêu, niềm đam mê ấy đã giúp Ban tổ chức vượt qua giai đoạn khó khăn để duy trì cuộc thi Bông lúa vàng" - bà Dương Huỳnh Kim Ngân chia sẻ.

Để chương trình ngày càng thu hút đông đảo thí sinh, Ban tổ chức cuộc thi Bông lúa vàng đã có nhiều đổi mới về "format" chương trình. Các thí sinh không chỉ ca bài lẻ mà còn biểu diễn các trích đoạn cải lương nhằm rèn luyện thêm khả năng diễn xuất của mình.

Nghệ sĩ Ưu tú Huỳnh Khải, thành viên Ban Giám khảo lâu năm của Bông lúa vàng cho biết, năm nay, Ban tổ chức đã đưa các bài, bản đờn ca tài tử, nhất là các bài trong 20 bài, bản Tổ vào cuộc thi. Các thí sinh muốn vào vòng trong phải ca tốt các bài, bản đờn ca tài tử. Điều này góp phần duy trì, phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử trong đời sống hôm nay.

Nghệ sĩ Ưu tú Huỳnh Khải cho biết thêm, thời gian qua, nhiều cuộc thi viết lời mới cho các bài, bản đờn ca tài tử đã mang lại sức sống mới cho đờn ca tài tử. Trong cuộc thi Bông lúa vàng năm nay, nhiều thí sinh cũng thể hiện nhiều bài, bản với lời mới; qua đó giúp cho các bài dự thi mang đậm hơi thở cộng đồng, hơi thở cuộc sống đương đại.

Nghệ thuật Đờn ca tài tử đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Thành phố cũng có nhiều hoạt động sôi nổi kỷ niệm 10 năm sự kiện đặc biệt này trong tháng 12/2023. Bông lúa vàng sẽ tiếp tục đồng hành với những khán thính giả yêu thích bộ môn nghệ thuật dân tộc mang đậm chất Nam Bộ, để qua đó, nghệ thuật Đờn ca tài tử sẽ luôn tỏa sáng trong lòng khán giả mộ điệu hôm nay.