Chung tay đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Điện Biên

NDO -

Với gần 8.200 người được đào tạo nghề, giải quyết việc làm trong năm 2021, công tác này đã góp phần quan trọng đưa Điện Biên hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Sau đào tạo nghề, hàng nghìn nông dân ở huyện Mường Ảng đã tự tạo việc làm ổn định cho bản thân, gia đình tại địa phương.
Sau đào tạo nghề, hàng nghìn nông dân ở huyện Mường Ảng đã tự tạo việc làm ổn định cho bản thân, gia đình tại địa phương.

Dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19, nguồn kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề từ các chương trình mục tiêu chậm được phân bổ, song nhờ sự vào cuộc chủ động, tích cực của chính quyền các cấp, các ngành, tỉnh Điện Biên đã hoàn thành mục tiêu, kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn là đồng bào các dân tộc thiểu số ở khắp các huyện, thị xã trong toàn tỉnh.

Đề cập đến khó khăn tác động công tác tuyển sinh, đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh Điện Biên, ông Hoàng Văn Quyền, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết: Dịch Covid-19 bùng phát đã làm gián đoạn các chương trình, kế hoạch đã được xây dựng từ trước. Song, bám sát chỉ đạo từ Ủy ban nhân dân tỉnh là phải coi trọng đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm mới cho người lao động, rất nhiều tổ chức, đoàn thể tỉnh đã vào cuộc tuyên truyền, hướng nghiệp nghề cho lao động nông thôn. Do đó, ngoài số lao động, học viên được đào tạo nghề tại 12 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (gồm 3 trường cao đẳng, 9 trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên cấp huyện), còn có hàng nghìn lao động được Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ kinh phí tham gia các khóa đào tạo nghề ngắn hạn theo phương thức “cầm tay chỉ việc” đã đem lại hiệu quả. 

Nhiều lãnh đạo các huyện biên giới như: Mường Nhé, Nậm Pồ còn về các nhà máy, khu công nghiệp ở các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng lao động để chỉ đạo địa phương đào tạo nghề cho người lao động là đồng bào dân tộc thiểu số theo nhu cầu doanh nghiệp.

Nhờ sự vào cuộc chủ động, sáng tạo của các cấp, các ngành và đoàn thể, đến cuối tháng 10/2021, Điện Biên đã hoàn thành chỉ tiêu tuyển mới giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề cho cả năm với tổng số 8.185 người được đào tạo. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp tục thực hiện mô hình liên kết đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, tăng cường trao đổi hợp tác với các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong và ngoài tỉnh. 

Nhấn mạnh về con số gần 8.200 người được đào tạo nghề trong năm 2021, ông Hoàng Văn Quyền cũng khẳng định, so với chỉ tiêu được giao (8.100 người), Điện Biên đã đạt 101,05% kế hoạch. So với năm 2020, kết quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn tăng 1,61%. Đó chính là nỗ lực chung của các cấp, các ngành và cá nhân người học. 

Bí thư Tỉnh đoàn Điện Biên Đặng Thành Huy cho biết: Ngay khi đợt dịch lần thứ hai tạm lắng xuống (ngày 19/4/2021), Tỉnh đoàn Điện Biên phối hợp Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Điện Biên tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 78 doanh nghiệp thuộc 5 tỉnh (Hải Dương, Tuyên Quang, Điện Biên, Lạng Sơn, Phú Thọ) thu hút 280 đoàn viên thanh niên là người lao động các huyện, thị xã.

Tham gia phiên giao dịch việc làm trực tuyến, đoàn viên thanh niên là lao động của địa phương không chỉ có cơ hội tìm việc làm phù hợp, mà còn được tư vấn đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu nhà tuyển dụng. Nhiều đoàn viên tham gia đã được nhà tuyển dụng cam kết hỗ trợ đào tạo nghề, cam kết bố trí việc làm sau đào tạo.

Các băn khoăn, thắc mắc của đoàn viên thanh niên và người lao động đã được các tư vấn viên của Trung tâm Giới thiệu việc làm giải đáp kịp thời, giúp đoàn viên thanh niên, người lao động có thêm thông tin, kiến thức để lựa chọn nghề học, nghề làm phù hợp năng lực bản thân, xu hướng phát triển của xã hội.

Tại huyện Mường Ảng, công tác đào tạo nghề cho người lao động nông thôn cũng luôn được các cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể đặc biệt quan tâm. Từ đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và giải quyết việc làm cho lực lượng lao động trên địa bàn.

Bà Đỗ Thị Thủy, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Mường Ảng, cho biết: Từ năm 2018 đến nay, Trung tâm đã tổ chức 31 lớp dạy nghề, đào tạo nghề cho 830 lao động là người dân tộc thiểu số tại địa phương. Bám sát nguyện vọng, nhu cầu người học và nhu cầu thị trường lao động, Trung tâm tổ chức đào tạo chủ yếu các nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp, như: chăn nuôi phòng trị bệnh cho lợn, cho trâu bò và cho gia cầm; kỹ thuật sản xuất rau an toàn; trồng thâm canh cây ăn quả… Sau đào tạo, nhận thức của người nông dân được thay đổi, dần bỏ phương thức canh tác, chăn nuôi lạc hậu sang đầu tư theo khoa học. Hơn 80% số lao động sau đào tạo biết áp dụng kiến thức vào sản xuất, chăn nuôi để nâng cao hiệu quả kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho gia đình, địa phương.

Đặt mục tiêu năm 2022 tiếp tục tuyển sinh đào tạo nghề cho 8.150 người theo các hệ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và đào tạo việc làm cho người lao động trong thời gian dưới 3 tháng, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Điện Biên đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt 3 nhóm giải pháp.

Trong đó, chú trọng triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề; tăng cường chuyển đổi số và đào tạo trực tuyến, chú trọng đào tạo lại và đào tạo thường xuyên lực lượng lao động để tạo chuyển biến mạnh mẽ về quy mô, chất lượng và hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp; bảo đảm người học có kỹ năng chuyên môn, kỹ năng số, kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp và ngoại ngữ thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, tạo sự chuyển biến về nhận thức, đồng thuận của các cấp, các ngành và người dân về tầm quan trọng phát triển giáo dục nghề nghiệp, kêu gọi sự đồng hành của doanh nghiệp trong việc phát triển nhân lực có kỹ năng nghề phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Cùng với đó, Điện Biên coi trọng tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế trong giáo dục nghề nghiệp. Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc kết nối cung-cầu để nâng cao hiệu quả đào tạo và sử dụng lao động, bao gồm cả lao động đã đi làm việc ở nước ngoài trở về nước để phát huy các thế mạnh của họ trong lao động, sản xuất và nâng cao thu nhập gắn với việc làm bền vững.